Thẻ hành nghề biểu diễn: Cần hay không cần?

Việc khôi phục cấp thẻ hành nghề biểu diễn của Bộ VHTT, dù mới là dự kiến, song đã sớm trở thành tâm điểm của những tranh luận sôi nổi, gắt gao và xem chừng khó bề ngã ngũ. Chào đời năm 1999 với gần 6.000 chiếc được cấp cho nghệ sĩ trên toàn quốc, ngay năm 2002 thẻ này đã bị xóa sổ vì được xem như một loại giấy phép con. Điều gì khiến vấn đề được cày xới lại sau 5 năm bãi bỏ?

Những người tán đồng việc cấp thẻ cho rằng, hiện hoạt động biểu diễn dù rất sôi động song khá bát nháo, nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn, vượt khỏi tầm kiểm soát. Ai cũng có thể biểu diễn được, ai cũng có thể tự xưng là ngôi sao, danh hài, thậm chí siêu sao, quái kiệt, thần đồng... Ai cũng có thể xuất tiền túi, tự đánh bóng tên tuổi bằng những chương trình biểu diễn, phát hành album, CD… cùng những quảng bá tung trời, lăng xê thái quá, thực chất là gạt khán giả, dối khách hàng.

Từ chuyện nghệ sĩ tranh thủ biểu diễn trong dịp du lịch nước ngoài, đôi khi vô tình tham gia vào những chương trình bôi nhọ hình ảnh quê hương xứ sở, đến việc không thành thật trong thu nhập cá nhân, cố tình né thuế. Cấp thẻ hành nghề xem như biện pháp để thẩm định và quản lý, vừa rà soát lại trình độ nghệ sĩ, tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, nhận thức, vừa phát hiện xử lý, uốn nắn những sai phạm phát sinh. Việc cấp thẻ còn giúp cơ quan quản lý nắm bắt thông tin đầy đủ về lực lượng nghệ sĩ, nhất là anh em hoạt động tự do ở các đơn vị xã hội hóa.

Và xét trên diện rộng ca sĩ, nghệ sĩ cũng như dược sĩ, bác sĩ, luật sư, doanh nhân và tài xế… (kể cả làm nail, hớt tóc, massage ở nước ngoài) muốn hành nghề đều phải có chứng chỉ, giấy phép thể hiện sự công nhận của xã hội cũng như chịu sự quản lý của nhà nước. Và những người ủng hộ chủ trương này cho rằng, thẻ biểu diễn là chứng chỉ khẳng định tay nghề, không phải là thứ giấy phép con như suy nghĩ của nhiều người.

Từ một góc nhìn khác, nếu tái cấp thẻ cũng còn ngổn ngang nhiều điều phải xem xét, hoàn thiện. Làm sao để công việc này thật tinh gọn nhưng hiệu quả, không rơi vào sự rườm rà, hình thức, cũng không để các nghệ sĩ có cảm giác mình bị làm khó, bởi giờ đây, ai ai cũng quá ngán ngẩm, mòn mỏi với những thủ tục “hành là chính” lắm rồi… Phản bác việc cấp thẻ, nhiều nhà quản lý, nghệ sĩ cho rằng thực chất đây là giấy phép con, khôi phục chỉ chuốc lấy nhiêu khê, phiền hà, cách trở cho hoạt động kinh doanh biểu diễn, việc xóa bỏ đem lại sự thông thoáng, phù hợp với lộ trình mới, xu thế mới.

Hơn nữa, từng chương trình biểu diễn trước khi đưa lên sàn diễn hoặc phát hành… đều đã được cơ quan chức năng, hội đồng nghệ thuật thẩm định cấp phép. Như thế hóa rườm rà vì cấp phép tới hai lần. Do đó, để hạn chế những bất cập đang nảy sinh, điều giản đơn và thiết thực hơn là nên điều chỉnh, bổ sung và thực thi tốt quy chế biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp đã có. Việc quản lý thuế có thể thông qua các nhà tổ chức biểu diễn, qua hợp đồng biểu diễn. Họ có thể khấu trừ thuế ngay khi chi trả thù lao cho nghệ sĩ...

Dù thuận hay trái chiều, mỗi phía đều đưa ra những lý lẽ bảo vệ quan niệm của mình. Việc “đấu lý” xem chừng còn tiếp diễn khá sôi nổi và chắc hẳn, trước khi trình lên Chính phủ, Bộ VHTT sẽ còn công bố rộng rãi để mọi người cùng tham gia đóng góp. Nhưng suy cho cùng, việc nâng cao chất lượng nghệ thuật và lập lại trật tự biểu diễn là một chiến lược lâu dài, đòi hỏi tác động vào nhiều phía, từ đào tạo, tổ chức biểu diễn, đến bồi dưỡng chuyên môn, nhận thức của nghệ sĩ, định hướng dư luận, định hướng thẩm mỹ cho công chúng… đâu chỉ là chuyện chiếc thẻ hành nghề.

Và việc cấp thẻ hành nghề cũng chỉ đem đến thêm một trong nhiều phương tiện quản lý. Mặt khác, cấp thẻ hành nghề cho một loại hình dịch vụ là điều bình thường, chẳng cần phải quá “dị ứng” với nó, nhưng cũng đừng tuyệt đối hóa nó như một cây đũa thần màu nhiệm trong công tác quản lý.

Điều quan trọng là khi sử dụng phương tiện nào cũng đòi hỏi những người “cầm cân nảy mực” phải minh bạch, công tâm, mẫn cán, tất nhiên không thể thiếu cái tình và sự trân trọng với những người làm nghề. Về phía các bạn trẻ dấn bước vào hành trình nghệ thuật, việc tự nhận thức đúng về mình, luôn trau dồi, khắt khe với bản thân để tự hoàn thiện, chính là tư chất thiết yếu để trở thành nghệ sĩ thực thụ trong lòng công chúng. Đó là tấm thẻ hành nghề vô giá! 

TRẦN BẠCH TUYẾT

Tin cùng chuyên mục