Những rạp hát... đợi chờ!

Từ nỗi buồn rạp hát kịch...
Những rạp hát... đợi chờ!

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở TPHCM hiện đang sôi nổi nhất nước. Đấy là niềm tự hào của nghệ sĩ và người dân thành phố. Thế nhưng, khi nhìn vào thực trạng rạp hát bây giờ thì ai nấy đều ngán ngẩm…

Từ nỗi buồn rạp hát kịch...

Những rạp hát... đợi chờ! ảnh 1

Nhà hát Hòa Bình, công trình xây dựng từ năm 1980 đến nay vẫn là một địa điểm biểu diễn nghệ thuật khang trang, hiện đại của TPHCM. Ảnh: AN DUNG

Khi nhắc đến chuyện rạp hát, không ít đơn vị nghệ thuật ở TPHCM tỏ ra lo ngại, bởi sân khấu thành phố đang rơi vào tình trạng “ăn đong”, diễn được ngày nào hay ngày đó.

Hiện nay, hầu hết các sân khấu kịch luôn sáng đèn thường xuyên như: Kịch IDECAF, số 7 Trần Cao Vân, Sài Gòn, Phú Nhuận… đều thuê mướn mặt bằng làm sàn diễn.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF than thở: “Chúng tôi hoạt động được ngày nào, mừng ngày đó. Tất cả các rạp chúng tôi đang biểu diễn hàng đêm đều thuê mướn, phải trả tiền hàng tháng.

Hôm nay, có thể diễn đó, nhưng biết đâu mấy tháng sau, đơn vị chủ quản đòi lại, xem như mất sàn diễn như chơi… Giá như TP có quỹ đất dành cho văn hóa, hỗ trợ cho các sân khấu xã hội hóa thuê dài hạn mấy mươi năm để xây dựng những rạp hát hiện đại thì hay biết mấy…”.

Hiện nay, đời sống của người dân TP đang ngày càng nâng cao, nhu cầu được đến những rạp hát khang trang, hiện đại để thư giãn cũng là tất yếu. Thế nhưng, những sàn diễn hiện đại như thế chỉ có trong giấc mơ, bởi khi đi xem kịch khán giả vẫn còn phải chui vô các rạp hát nhỏ bé, cũ kỹ, ọp ẹp… Thậm chí, như sân khấu của Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần còn “đánh đố” khán giả lớn tuổi, khi sàn diễn nằm chót vót tận tầng 3 không hề có thang máy. Chưa kể, ghế ngồi của sân khấu này cũng khá đặc biệt, bởi khán giả ngồi những hàng sau phải leo lên những chiếc ghế cao ngất…!!

Có thể nói, chính sự cũ kỹ, lạc hậu của các rạp hát kịch hiện nay là rào cản đáng kể trong việc kéo khán giả đến với các sàn diễn kịch. Có một đạo diễn buồn bã khi so sánh giữa sân khấu Việt Nam với các nước khác: “Đi nước ngoài xem vở diễn, chỉ cần nhìn việc thay đổi cảnh trí của họ là đủ ghiền rồi. Tất cả cảnh trí đều được điều khiển thay đổi bằng máy móc, khán giả không nghe một tiếng động. Còn sân khấu của ta, khi hết cảnh, chuyển cảnh, hậu đài phải hối hả vác cảnh trí chạy cho kịp giờ…”.

... đến nỗi khổ của cải lương, xiếc...

Ở rạp hát cải lương (rạp Hưng Đạo), cơ sở vật chất cũng chẳng khá hơn các sàn diễn kịch chút nào, thậm chí còn tệ hại hơn rất nhiều. Rạp hát Hưng Đạo được xây dựng từ những năm 1960 của thế kỷ trước, đến nay, đang xuống cấp trầm trọng: mái tôn bị dột, gây ẩm ướt, hoen ố, mục nát, la - phông trong khán phòng trông rất mất mỹ quan và thiếu an toàn cho khán giả; các vách tường bị nước mưa thấm ướt nhiều năm nên những lớp vôi bị bong tróc, nhiều chỗ bị nứt có nguy cơ sụp đổ…

Ông Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “Tình trạng xuống cấp của rạp hát cải lương Hưng Đạo hiện nay khiến chúng tôi rất lo lắng, không biết sập lúc nào. Nếu cứ đà này, sang năm 2008, chắc chắn chúng tôi buộc phải ngưng diễn để bảo toàn tính mạng cho nghệ sĩ và khán giả…”.

Trong một lần trò chuyện, NSƯT Kim Tử Long tâm sự: “Rạp hát cải lương cứ như hiện nay, khó lòng kéo khán giả đến rạp là điều hiển nhiên. Mấy năm qua, chúng ta nhắc nhiều đến nâng cấp cải lương, nhưng tôi nghĩ, trước tiên, việc đầu tư xây dựng rạp hát hiện đại vẫn là quan trọng nhất…”.

Đâu chỉ riêng những người làm sân khấu cải lương chịu khổ, ngay các anh chị em diễn viên của loại hình nghệ thuật xiếc cũng thật cực nhọc khi đi tìm điểm diễn. Trước đây, đoàn dựng một rạp bạt tạm thời ở Thảo Cầm viên để trình diễn, sau đó chuyển về Công viên 23-9 diễn và hiện tại, đoàn đang phải chuẩn bị “khăn gói” về lại Thảo Cầm viên.

Bên cạnh nỗi buồn của kịch, nỗi khổ của cải lương, xiếc, loại hình nghệ thuật nhạc giao hưởng-vũ kịch ở TPHCM càng buồn hơn nữa. Bởi trên thực tế, từ khi hình thành và phát triển đến nay, Nhà hát Giao hưởng-vũ kịch TPHCM chưa có được một sàn diễn đúng nghĩa. Hàng tháng, nhà hát muốn giới thiệu loại hình nghệ thuật của mình đến công chúng không còn cách nào khác là phải “diễn ké” tại Nhà hát TPHCM.

Và những dự án nằm... trên giấy!

Những rạp hát... đợi chờ! ảnh 2

Mô hình rạp xiếc – nhà biểu diễn đa năng ở Phú Thọ được kiến trúc sư Phạm Minh Nhật, Việt kiều Bỉ thiết kế khá đẹp.

Trước thực trạng các rạp hát ở TPHCM quá cũ kỹ, lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu tìm tòi, sáng tạo của các đạo diễn, nghệ sĩ từ nhiều năm nay, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương xây dựng mới nhiều rạp hát với trang thiết bị hiện đại.

Trong đó, đáng chú ý nhất là các dự án: Rạp xiếc – nhà biểu diễn đa năng ở Phú Thọ, quận 11 với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng với hệ thống sân khấu hiện đại có thể nâng lên, hạ xuống… vừa phục vụ diễn xiếc, vừa có thể trình diễn ca múa nhạc, thời trang…

Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch trên đường Lê Duẩn quận 1 với kinh phí khoảng 400 tỷ đồng; rạp hát Hưng Đạo với chi phí xây mới gần 70 tỷ đồng… Chưa kể, rạp hát Kim Châu được đầu tư để nâng cấp, sửa chữa với kinh phí hơn 13 tỷ đồng để làm nơi chuyên biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh đó, mới đây, trong buổi tiếp xúc với Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TPHCM, Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần cũng đề xuất đầu tư xây dựng nhà hát thành Trung tâm nghệ thuật sân khấu TP. Trung tâm này sẽ có từ hai đến ba sân khấu với những trang thiết bị hiện đại. Đây cũng là một tín hiệu vui nữa cho những ai quan tâm đến sân khấu thành phố.

Bên cạnh những niềm vui ấy, có ý kiến cho rằng, TP nên đầu tư thiết kế, xây dựng rạp hát mang tính biểu tượng của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung để mai này khi nhắc đến TPHCM, nhắc đến Việt Nam, nhiều bạn bè quốc tế sẽ nhớ ngay đến rạp hát mang tính biểu tượng ấy. Nếu như những dự án này thành hiện thực, thì đó đúng là “thiên đường” của những người làm sân khấu ở TPHCM. Tuy nhiên, từ những kế hoạch, dự án kể trên đến sự “ra đời” của các rạp hát, sàn diễn hoàn chỉnh, khang trang, hiện đại đang còn một khoảng cách… xa vời vợi.

Đỗ Hạnh

Ông Nguyễn Việt Tuấn – Phó ban Quản lý dự án, Sở VHTT TPHCM, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các dự án:

Tôi mới về phụ trách công tác phó ban hơn một năm nay nên chỉ có thể trả lời trong giới hạn nào tôi biết được. Với dự án rạp xiếc – nhà biểu diễn đa năng ở Phú Thọ, theo như cuộc họp giữa Ban quản lý dự án với các sở ngành vào ngày 11-7-2007 thì trong tuần tới sẽ trình báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM để tổ chức thi thiết kế quốc tế cho dự án này. Cũng cần nói rõ thêm là, mặc dù dự án này đã có một bản thiết kế khá đẹp, hiện đại của Bỉ, nhưng giá thiết kế quá cao (gần 800.000 euro), vượt giá thiết kế trong nước đến 8 lần nên không thể nào tiến hành được. Nếu như cách thi thiết kế quốc tế cho dự án rạp xiếc – nhà biểu diễn đa năng ở Phú Thọ thành công, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng cách làm này với dự án Nhà hát Giao hưởng – Vũ kịch TP. Hiện nay, dự án Nhà hát Giao hưởng – vũ kịch TP ở đường Lê Duẩn, chúng tôi cũng đang tiến hành đo vẽ, khảo sát hiện trạng ban đầu… Còn rạp hát Hưng Đạo, về thiết kế đã hoàn tất, hồ sơ cũng gần xong rồi, tuần tới chúng tôi sẽ trình dự án lên Sở Xây dựng. Rạp hát Kim Châu, cách đây 2 tháng đã được duyệt rồi, đang chờ tổ chức đấu thầu và thi công, chắc chắn tháng 9-2007 sẽ khởi công, tháng 12-2007 sẽ hoàn thành. Hiện nay, chúng tôi cũng chưa thể biết chắc chắn khi nào sẽ khởi công bởi dự án rạp xiếc – nhà biểu diễn đa năng ở Phú Thọ và Nhà hát Giao hưởng-vũ kịch TP còn phải thi thiết kế quốc tế để chọn nhà thiết kế. Rạp hát Hưng Đạo còn phải chờ Sở Xây dựng duyệt dự án…

Tin cùng chuyên mục