Bảo tàng Hà Nội: Vẫn còn là “tòa nhà rỗng”!?

Sau hơn 20 năm ách tắc vì nhiều lý do, ngày 10-10-2005, dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội đạt được mốc quan trọng: 13 mẫu thiết kế của các tác giả trong và ngoài nước được đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân thủ đô. Lãnh đạo TP Hà Nội lúc đó hạ quyết tâm động thổ khởi công công trình trong tháng 10-2005, đúng dịp 995 năm Thăng Long – Hà Nội.

Tuy nhiên, đến nay, gần 2 năm nữa trôi qua, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa động thổ, còn phương án kiến trúc đã được lựa chọn thì nay lại tỏ ra có nhiều bất ổn!

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội cho biết, phương án xây dựng bảo tàng theo dạng “Kim tự tháp ngược” được đơn vị tư vấn đánh giá là “ý tưởng tốt nhưng không phù hợp với yêu cầu tận dụng không gian, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo an toàn cho khách tham quan trong trường hợp cần thoát hiểm!”. Kết quả là cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa xác định được hình hài, diện mạo cho công trình có mức đầu tư dự kiến khoảng 930 tỷ đồng này.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, điều lo ngại hơn lại là “khâu chuẩn bị và sắp xếp hiện vật mới là nan giải”. Theo đó, Bảo tàng Hà Nội ước có khoảng 20.000 hiện vật, nhưng bị trùng lặp, không có sự độc đáo so với nhiều bảo tàng khác như Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc học…

Chẳng hạn, bảo tàng có hàng ngàn mũi tên đồng, được tính là hàng ngàn hiện vật, nhưng số lượng có thể trưng bày chỉ là vài chục mũi! Một số lượng lớn hiện vật khác là cổ vật do nhiều cơ quan chuyển về, trong đó có một số do cơ quan công an thu giữ được trong các vụ án, do đó “lý lịch” không rõ ràng, cần được tổ chức giám định một cách khoa học, nghiêm túc trước khi trưng bày.

Mặt khác, sau nhiều năm “ăn nhờ ở đậu” tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chùa Hưng Ký (phố Minh Khai) và căn nhà số 48 Hàng Ngang, khá nhiều hiện vật đã hư hỏng, xuống cấp nặng nề.

Được biết, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã đưa ra nhiều phương án khác nhau như xin thêm kinh phí để mua cổ vật, liên lạc với các hội sưu tầm cổ vật để trao đổi hiện vật…, song giới chuyên môn cho rằng các giải pháp này đều rất ít tính khả thi.

Chỉ còn hơn 3 năm nữa là tới ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Không rõ Bảo tàng Hà Nội có còn bị lỗi hẹn? Và ngay cả khi đã xây dựng xong tòa nhà, liệu việc sưu tầm, sắp xếp các hiện vật trong bảo tàng có thể đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và bạn bè quốc tế? 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục