Giao dịch bản quyền tác phẩm văn học

Trung tâm khó khăn, doanh nghiệp mạnh mẽ

Vất vả tồn tại
Trung tâm khó khăn, doanh nghiệp mạnh mẽ

Ngày 10-9-2004, Công ước quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ Berne có hiệu lực tại Việt Nam. Trước đó nửa tháng, ngày 25-8-2004, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam do Hội Nhà văn VN  chính thức thành lập để chuẩn bị cho việc thực hiện Công ước Berne. Hơn 3 năm đã trôi qua, việc thực thi trách nhiệm của trung tâm này vẫn còn long đong.

Vất vả tồn tại

Trung tâm khó khăn, doanh nghiệp mạnh mẽ ảnh 1

NXB Trẻ ký hợp đồng độc quyền với vợ chồng nghệ sĩ Lê Giang - Lư Nhất Vũ.

Trong năm 2005, Trung tâm Quyền tác giả văn học (QTGVH) đã cấp phép in cho hơn 100 đầu sách với số lượng 113.000 bản, tuy nhiên do đặc thù hoạt động của loại hình văn học, trong thời gian đầu hoạt động trung tâm chủ yếu chỉ tập trung vào việc cấp phép còn tiền bản quyền hầu như không thu được.

Đến năm 2006, Trung tâm QTGVH mới bắt đầu thu được tiền bản quyền với tổng số tiền nhuận bút gần 300 triệu đồng. Theo quy định, trung tâm được giữ lại khoản phí dịch vụ ở mức 14%, tương đương hơn 40 triệu đồng. Đến đầu năm 2007, trung tâm tiếp tục thu thêm gần 90 triệu đồng tiền nhuận bút. Tính tổng cộng sau hơn 3 năm hoạt động Trung tâm QTGVH đã thu được gần 400 triệu đồng tiền bản quyền.

Con số 400 triệu đồng nghe qua có vẻ khả quan nhưng thực chất lại quá ít ỏi nếu so với số hội viên hơn 400 người của trung tâm cùng quãng thời gian 3 năm hoạt động. Chính nhà thơ Nguyễn Phan Hách, Giám đốc NXB Hội Nhà văn kiêm Giám đốc Trung tâm QTGVH cũng thừa nhận hoạt động của trung tâm đến nay vẫn còn rất khiêm tốn.

Sự khiêm tốn này không chỉ thể hiện ở số tiền thu bản quyền mà còn ở nhân sự. Vào thời điểm thành lập, trung tâm có 5 người kể cả giám đốc, sau 3 năm hoạt động, còn lại 3 người, vẫn kể cả giám đốc. Mà giám đốc trung tâm như đã nói ở trên đang kiêm nhiệm nên thực tế mọi hoạt động của Trung tâm QTGVH duy nhất của đất nước có hàng ngàn nhà văn, nhà thơ hầu như chỉ dựa vào hai nhân viên còn lại. Từ năm 2006, trung tâm được giao tự chủ về tài chính lấy thu bù chi, tuy nhiên với số thu quá ít trong khi hoạt động bản quyền lại có quy mô trải dài trên khắp đất nước đòi hỏi những khoản chi phí lớn nên trung tâm ngày càng mất cấn đối ngân sách. Hiện nay, theo ông Hách thì trung tâm đã trở thành một đơn vị gần như từ thiện, nhân viên làm theo kiểu tình nguyện do không có chi phí để trả lương, tâm lý anh em rất bất an...

Nguyên nhân của sự yếu kém

Sự yếu kém của Trung tâm QTGVH là một điều đáng ngạc nhiên nếu so với tình hình sôi động của lĩnh vực bản quyền tác phẩm văn học tại Việt Nam kể từ khi Công ước Berne có hiệu lực đến nay. Đơn cử như hoạt động bản quyền của NXB Trẻ, đơn vị này liên tục tạo ra các sự kiện mua bản quyền sách thành công như các bộ sách của “ông vua tiếp thị” Philip Kotler, sách của Donald J.Trump & Robert T.Kiyosaki, sách hướng nghiệp của Jim Collins…

Trong lĩnh vực sách văn học nhất là văn học thiếu nhi, NXB Trẻ cũng đi đầu với hàng loạt hợp đồng ký được từ các đối tác đang nổi đình nổi đám ở nước ngoài như Darren Shan, Cornelia Funke, Michael Scott, D.J. Machale, Christopher Paolini và nhất là loạt sách Harry Potter của nhà văn Anh J.K.Rowling tạo tiếng vang cả ở thị trường sách quốc tế. Trong nước, NXB Trẻ cũng linh hoạt săn lùng những tác giả có tác phẩm được cho là có thể ăn khách.

Không chịu lép vế so với NXB Trẻ, các đơn vị kinh doanh khác như Phương Nam cũng năng động săn lùng mua bản quyền những tác phẩm trong và ngoài nước, đến nay đơn vị này hầu như độc chiếm mảng  văn học Trung Quốc trong thị trường sách dịch trong nước. Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam cũng không chịu thua sút với việc săn đón tìm mua được bản quyền với hàng loạt các nhà văn đoạt những giải thưởng lớn trên thế giới như Nobel, Man Booker…

Nói tóm lại, không nắm được trong tay các tác phẩm ăn khách có tiền bản quyền cao, thiếu kinh phí từ tiền dịch vụ, không thể đảm bảo việc bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm được bảo vệ, Trung tâm QTGVH rất khó có thể hoạt động hiệu quả.

Lối thoát nào cho hoạt động của Trung tâm QTGVH

Trong số những mục tiêu hoạt động của trung tâm từ ngày thành lập đến nay chỉ có hai nhiệm vụ khả dĩ đang thực hiện được. Một là việc xem xét thị trường xuất bản nhằm tìm kiếm những trường hợp sử dụng chưa xin phép các tác phẩm được trung tâm bảo hộ nhằm thu tiền bản quyền. Hiện nay, trung tâm đang nắm trong tay nhiều tác phẩm của những nhà văn lớn mà do thời gian gia đình hay người sở hữu không có điều kiện bảo đảm bản quyền nên giao lại cho trung tâm. Hai là giáo dục, tuyên truyền ý thức bản quyền cho các nhà văn cũng như những đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên hai hoạt động này cũng chỉ cầm chừng...

Để tìm một lối thoát cho Trung tâm QTGVH, ông Nguyễn Phan Hách cho rằng: “Các trung tâm bản quyền của các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả là nhờ họ có sự gắn kết với đơn vị mẹ một cách chặt chẽ về vốn, nhân lực, kinh nghiệm… trong khi chúng tôi hoàn toàn bị khoán trắng”. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để một đơn vị như Trung tâm QTGVH hoạt động đúng như mục đích ban đầu thì không chỉ cần vài con người mà là cả sự quan tâm hơn nữa của Hội Nhà văn Việt Nam, đơn vị đã sinh ra và thiếu quan tâm đến trung tâm trong thời gian gần đây.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục