Nghệ thuật công cộng

Cần cái bắt tay giữa điêu khắc và kiến trúc

Cuộc đấu giá tác phẩm điêu khắc đầu tiên
Cần cái bắt tay giữa điêu khắc và kiến trúc

Cùng với cuộc triển lãm điêu khắc ngoài trời- đời sống tinh thần người Sài Gòn tại công viên Bách Tùng Diệp, một số hoạt động đấu giá tác phẩm mỹ thuật làm từ thiện tại khu triển lãm và buổi tọa đàm tìm hướng tiếp cận giữa mỹ thuật, thiết kế đô thị và kiến trúc… đã cho thấy khuynh hướng rộng mở của loại hình nghệ thuật công cộng này.

Cuộc đấu giá tác phẩm điêu khắc đầu tiên

Cần cái bắt tay giữa điêu khắc và kiến trúc ảnh 1

Ông Lawrie Wilson đang nêu một số kinh nghiệm trong buổi tọa đàm giữa giới điêu khắc và kiến trúc TPHCM. Ảnh: K.Ư

Có nhiều cách để đưa điêu khắc đến công chúng, nhưng lâu nay, sau một đợt triển lãm riêng, chung tại phòng trưng bày của Trường Đại học Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật hay một sảnh khách sạn nào đó…, cuối cùng “những đưa con cưng” của các nghệ sĩ điêu khắc cũng chịu chung số phận bị đem đi “xếp xó”! Tranh vẽ còn được khách thưởng thức và các nhà doanh nghiệp, các nhà sưu tập ghé mắt mua; còn tượng điêu khắc sau khi trưng bày, có nhà điêu khắc đã tự khôi hài an ủi cho rằng “mua vui chỉ được một vài…”.

Vừa qua, cuộc triển lãm ngoài trời tại công viên Bách Tùng Diệp đã tạo một tâm lý phấn chấn đối với các nhà điêu khắc. Các nghệ sĩ cho rằng họ thể hiện tất cả tấm lòng yêu con người, yêu nghệ thuật qua tác phẩm. Mỗi người có cách nói riêng trong nghệ thuật nhưng các nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh, Phan Phương, Vĩnh Đô, Lương Văn Thạnh, Trần Thanh Nam, Ngô Liêm, Trần Việt Hưng, Bùi Hải Sơn, Nguyễn Anh On đều bộc lộ suy nghĩ chung là muốn đóng góp thiết thực hoặc toàn bộ hoặc một phần tiền bán được tác phẩm sẽ dành cho việc gây quỹ từ thiện.

Trong đêm đấu giá (4-1), các công ty Đất Lành, Thủ Đức House, Công ty Xây dựng Hòa Bình, Vạn Phát Hưng… đã dành sự ủng hộ khá nồng nhiệt cho các nghệ sĩ và các nhà điêu khắc cũng thể hiện được tâm nguyện đầy tình người qua việc trao tặng qua UBND TPHCM 160 triệu đồng giúp đồng bào bị lũ lụt miền Trung và góp 3.000 USD tặng quỹ nuôi dưỡng trẻ em nghèo, khuyết tật của TPHCM.

Cần cái “bắt tay”...

Xác định cuộc triển lãm điêu khắc ngoài trời là một trong những bộ phận liên quan đến nghệ thuật công cộng, họa sĩ Uyên Huy, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM đã nêu sự quan tâm nhiều hơn của các ngành, các giới về không gian môi trường, cảnh quan đô thị và việc quy hoạch hệ thống tượng đài cần có sự kết nối chặt chẽ giữa những nhà điêu khắc và những kiến trúc sư. Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên cho rằng thực ra sự gắn bó giữa hai ngành này đã có từ xa xưa, chẳng qua trong quá trình phát triển xã hội, phát triển đô thị, có lúc các nhà chuyên môn, các nhà quản lý chưa quan tâm và đầu tư hết mức cho mối quan hệ này. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng khẳng định sự gắn bó giữa hai “anh em sinh đôi điêu khắc và kiến trúc” sẽ mang lại cái hồn, sức sống và cái đẹp của một thành phố.

Ông Lawrie Wilson (Giám đốc Công ty Thiết kế kiến trúc Hansen, Australia): Tôi đã làm việc nhiều năm ở Việt Nam và muốn đóng góp ít nhiều cho vùng đất mình đang sống. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cũng giống như một số thành phố khu vực châu Á trong giai đoạn phát triển, tất yếu sẽ tiếp nhận nhiều dự án đầu tư xây dựng với phong cách nghệ thuật kiến trúc của nhiều quốc gia khác nhau. Cái hay từ những dự án, từ trào lưu nước ngoài cũng có nhưng về vị thế riêng của Việt Nam, chính là cần xuất phát từ nội lực, từ sự gắn bó của các nhóm làm việc (teamworks) trong nước: kiến trúc sư, nhà thiết kế cảnh quan và nghệ sĩ điêu khắc.

Đứng về chuyên môn của giới kiến trúc, ông Lê Văn Năm, nguyên kiến trúc sư trưởng TPHCM, đã nêu những điều tâm huyết của hai giới kiến trúc và mỹ thuật đều có sự trùng hợp giống nhau nhưng vẫn chưa có cầu nối chặt chẽ. Sắp tới việc xây dựng đề án sẽ là cơ hội tốt cho sự hợp tác hơi… muộn này.

Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu liên hệ đến công trình đang nghiên cứu hệ thống tượng và việc quy hoạch tượng của thành phố do UBND TPHCM giao cho Hội Kiến trúc sư thực hiện. Đây là cơ hội rộng mở cho nhiều nhà điêu khắc, góp phần cùng giới kiến trúc làm đẹp hơn cho không gian môi trường đô thị, không gian văn hóa công viên, không gian những chiếc cầu, hoặc một số không gian đô thị mới như Phú Mỹ Hưng…

Góp thêm ý kiến giữa mối quan hệ này, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cũng nêu kinh nghiệm thực tiễn là cần sự quan tâm và hỗ trợ của các nhà quản lý, của các sở, ban ngành liên quan.

Với cái nhìn so sánh quá trình phát triển đô thị, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu những kinh nghiệm ở Hà Nội về việc nghiên cứu hệ thống tượng đài, không gian đô thị và nhấn mạnh đến vai trò của nhà quản lý, mối quan hệ giữa nghệ sĩ với nhà quản lý. Theo ông, về những khó khăn trong việc quy hoạch tượng đài, có một phần do tập quán của người dân. Nhu cầu về tâm linh của người dân thường mang tính chất tôn thờ, tín ngưỡng hơn là quan tâm đến sự đa dạng của cái đẹp…

Vẫn còn một số ý kiến tiếp tục bàn bạc, nhưng dẫu sao, lần đầu tiên trong một buổi gặp gỡ nhỏ, cả hai giới mỹ thuật và kiến trúc đã có cái bắt tay đồng cảm và hứa hẹn hướng hợp tác tích cực góp phần xây dựng, làm đẹp cho không gian đô thị.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục