Giáo dục lịch sử cho học sinh qua nghệ thuật: Ý tưởng hay, thực hiện… kém!

Vỡ kế hoạch
Giáo dục lịch sử cho học sinh qua nghệ thuật: Ý tưởng hay, thực hiện… kém!

Thời gian qua, chuyện giới trẻ, học sinh Việt Nam còn hạn chế kiến thức về lịch sử Việt Nam luôn là vấn đề “nóng” trong dư luận, được nhiều người quan tâm. Điều đáng mừng là, đến nay, đã có một số đơn vị làm văn hóa chịu thực hiện việc giáo dục lịch sử cho các em học sinh thông qua các loại hình nghệ thuật: kịch, sử ca. Tuy nhiên…

Vỡ kế hoạch

Từ năm 2007, sân khấu kịch IDECAF của “bầu” Huỳnh Anh Tuấn đã chủ động thực hiện đề án đưa kịch lịch sử vào trường học phục vụ miễn phí học sinh, nhằm giúp các em hiểu biết thêm về các nhân vật, sự kiện lịch sử của dân tộc. Đây được xem là một ý tưởng hay và nhanh chóng nhận được sự đồng ý hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng của Sở VHTT TPHCM (nay là Sở VH-TT-DL TPHCM). Lúc ấy, bầu Tuấn bảo: “Tôi tin rằng các em thiếu nhi vừa được “học mà chơi, chơi mà học”, giúp các em dễ nhớ lịch sử hơn. Đến giờ, chúng ta mới bắt tay làm việc này cũng đã trễ, nhưng tôi nghĩ dù muộn còn hơn không. Khi đưa kịch lịch sử vô trường học, tính cộng đồng rất lớn, hiệu ứng rất tốt”.

Giáo dục lịch sử cho học sinh qua nghệ thuật: Ý tưởng hay, thực hiện… kém! ảnh 1

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ nhưng kịch lịch sử Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Sân khấu kịch IDECAF vẫn chưa thể đưa vào trường học phục vụ miễn phí học sinh.

Khi được cơ quan quản lý nhà nước “bật đèn xanh”, sân khấu kịch IDECAF nhanh chóng bắt tay dàn dựng vở Lá cờ thêu sáu chữ vàng để đưa vào phục vụ học sinh theo kế hoạch: “Trong tháng 10-2007 sẽ tập luyện, phúc khảo vở diễn và đến đầu tháng 11-2007 chính thức diễn phục vụ học sinh. Đến cuối năm 2007, sẽ diễn ở 40 trường tiểu học, ước tính mỗi suất sẽ có từ 700 – 1.000 học sinh xem...”.

Thế nhưng, từ kế hoạch, đề án, đến công việc thực tế thì tất cả hoàn toàn trái ngược. Nhắc đến điều này, ông Huỳnh Anh Tuấn thở dài: “Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả, nhưng cho đến tận giờ này vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ nguồn kinh phí 200 triệu đồng như đã xét duyệt của cơ quan quản lý nhà nước. Cho nên, dù rất muốn đưa kịch lịch sử vào trường học biểu diễn để số đông học sinh được xem, nhưng…

Nếu cứ kéo dài tình trạng này, tôi nghĩ, các em học sinh sẽ rất thiệt thòi!”. Mặc dù đã bị “vỡ kế hoạch” và sự hồ hởi thực hiện đề án bị giảm, nhưng bầu Tuấn tâm sự: “Trong lúc đề án, kinh phí bị “treo” chưa biết đến bao giờ, hiện chúng tôi đang kêu gọi một số đối tác, doanh nghiệp hỗ trợ để có thể sớm đưa kịch lịch sử vào trường học. Tuy nhiên, mọi việc chưa có kết quả khả quan… Tôi nghĩ, việc giáo dục lịch sử nước nhà cho các em học sinh là trách nhiệm của nhiều người, nhiều ngành chức năng qua những việc làm cụ thể, chứ không thể chỉ dừng lại ở những… lời hứa!”.

Sử ca vào trường học

Trong khi những người làm sân khấu còn đang khó khăn với việc làm thế nào có kinh phí để đưa kịch lịch sử vào trường học, thì có một sự chuyển động khác cần ghi nhận. Đó là việc đưa sử ca vào trường học do NVH Thanh niên, Sở GD-ĐT TPHCM  và Trung tâm Văn hóa TPHCM thực hiện. Mặc dù ý tưởng đưa sử ca vào trường học “sinh sau, đẻ muộn” hơn việc đưa kịch lịch sử vào trường học, nhưng đến nay, xem ra mọi việc đang tiến triển khá suôn sẻ.

Theo đó, từ năm học 2008 – 2009, các trường học sẽ lần lượt tổ chức các hoạt động giúp học sinh nghe và hát sử ca; liên hoan biểu diễn ca khúc sử ca và thi viết bài cảm nhận âm nhạc về lịch sử dân tộc Việt Nam; dàn dựng ca cảnh, hoạt cảnh sân khấu hóa và hợp xướng “Sử ca Việt Nam” trong các đợt sinh hoạt truyền thống hoặc hội diễn văn nghệ… Nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, Phó Giám đốc NVH Thanh niên TPHCM cho biết: “Việc đưa sử ca vào phổ biến ở trường học sẽ rất bổ ích cho các em học sinh. Qua những bài sử ca sẽ phần nào giúp cho các em học sinh hiểu biết thêm và dễ nhớ hơn về các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử của dân tộc…”.

Rõ ràng, việc đưa kịch lịch sử hay sử ca vào trường học phục vụ các em học sinh là việc làm có ý nghĩa lâu dài, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục lý tưởng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay. Rất tiếc từ chủ trương đến thực tiễn còn khoảng cách khá xa.

Vân An

Tin cùng chuyên mục