Công bố hồ sơ Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long: Bộ hồ sơ công phu nhất

Công bố hồ sơ Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long: Bộ hồ sơ công phu nhất

Ngày 2-10, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội thông báo, hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới hiện đã được Trung tâm Di sản thế giới tiếp nhận. Theo nhận định của nhiều chuyên gia thì đây là bộ hồ sơ được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có chất lượng tốt nhất từ trước đến nay. PV Báo SGGP đã trao đổi với TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội.

* PV:
Việc xây dựng hồ sơ đề cử cố đô Nara, Nhật Bản, di tích có niên đại 1.300 năm giống như khu Hoàng Thành Thăng Long phải kéo dài tới 50 năm thì bộ hồ sơ của khu di tích này chỉ mất có 2 năm. Liệu điều này có ảnh hưởng tới chất lượng của hồ sơ?

* TS NGUYỄN VĂN SƠN: Theo nhiều chuyên gia UNESCO được chúng tôi tham vấn thì họ đều có chung nhận xét rằng đây là bộ hồ sơ có chất lượng tốt, có chất lượng khoa học cao, cơ bản đáp ứng các quy định của UNESCO. Bộ hồ sơ dày 862 trang, ngoài ra có 435 bức ảnh slide và cuốn phim tư liệu về khu di tích Hoàng thành Thăng Long có độ dài 41 phút 35 giây.

Công bố hồ sơ Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long: Bộ hồ sơ công phu nhất ảnh 1

Sơ đồ của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long chỉ thực sự được nghiên cứu từ năm 2004 đến nay, kết quả nghiên cứu chuyên biệt, sâu và riêng về khu di sản này không có nhiều. Song tự thân khu di sản đã có những giá trị nhất định được quốc tế đánh giá cao. Hơn nữa, ngoài sự nỗ lực của những người làm hồ sơ, chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia và tổ chức nước ngoài. Do đó, việc xây dựng hồ sơ nhờ vậy cũng suôn sẻ.

* Đây có phải là lần đầu tiên các chuyên gia của UNESCO tham gia trực tiếp xây dựng bộ hồ sơ?

* Đây là lần đầu tiên một số chuyên gia của UNESCO đã trực tiếp tham gia ngay từ đầu khi nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ. Ngay sau khi hoàn thiện bản tiếng Việt thì chuyên gia của UNESCO đã cùng với chúng ta chuyển sang bản tiếng Anh. Những mẫu trình bày mới nhất của các di sản gần đây được công nhận cũng được chuyên gia giới thiệu tham khảo, tiếp thu để trình bày nội dung hồ sơ chúng ta đảm bảo yêu cầu, hình thức gây được ấn tượng và nêu bật được những tiêu chí mà trong hồ sơ đề cập tới.

* Các tiêu chí của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được lựa chọn xây dựng hồ sơ là gì?

* Rất nhiều hiện vật của Hoàng thành được tìm thấy qua đợt khai quật khảo cổ học đều phản ánh sự tinh xảo về mặt kỹ thuật trong các dấu vết kiến trúc, trong di vật và trong đồ ngự dụng của triều đình qua các thời kỳ.

Sau khi nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội sẽ được đề cử theo tiêu chí 2, tiêu chí 3 và tiêu chí 6 của UNESCO dành cho những di sản có khả năng biểu đạt sự giao thoa lớn giữa các giá trị nhân văn trong một giai đoạn lịch sử hoặc một vùng văn hóa của thế giới trong sự phát triển của kiến trúc hoặc kỹ thuật, công trình nghệ thuật kỳ vĩ, các công trình quy hoạch đô thị hay các công trình tạo dựng cảnh quan; những di sản có ý nghĩa như một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng là đặc thù của một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc vừa mất đi; di sản có mối liên hệ trực tiếp hoặc rõ ràng với những sự kiện hay truyền thống trong cuộc sống hiện tại với các tư tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa có giá trị nổi bật toàn cầu.

* Cụ thể tính nổi bật toàn cầu ở đây là gì?

* Di tích này không giống với bất kỳ một khu di sản nào trên thế giới. Di sản là một chuỗi liên tiếp về mặt lịch sử qua các thời kỳ. Nhiều giá trị lịch sử nằm chồng chéo lên nhau bên trong lòng đất. Đặc điểm này vừa là khó khăn, nhưng cũng lại là điều đặc biệt thú vị. Chính vì thế, thay vì hình ảnh con phượng có ngậm viên ngọc như chúng ta vẫn thường thấy là hình ảnh của cột cờ Hà Nội. Bởi lẽ chính đây là hình ảnh của sự tiếp nối.

* Khu vực bảo vệ di tích có tổng diện tích hơn 186 ha, vậy diện tích vùng đệm dự kiến sẽ có diện tích như thế nào?

* Các chuyên gia UNESCO thì có ý muốn mở rộng khu vùng đệm phía Đông kéo dài tới hết khu phố cổ, phía Nam lấy ranh giới là khu Văn Miếu, phía Tây là phố Ngọc Hà, phía Bắc là hồ Trúc Bạch. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc quản lý, vùng đệm khu di tích chỉ nằm gọn trong khu trung tâm chính trị Ba Đình.

* Theo đúng dự kiến, thì khi nào kết quả xét duyệt của UNESCO đối với hồ sơ di sản văn hóa khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công bố?

* Theo lịch trình, ngày 15-11 tới, Ban thư ký Ủy ban Di sản thế giới sẽ có ý kiến phản hồi và góp ý để Việt Nam hoàn thiện hồ sơ chính thức, nộp trước ngày 1-2-1009. Tháng 6, 7-2010, ủy ban này sẽ họp khó thường niên để xem xét, đánh giá hồ sơ di sản. Theo đó, nếu đúng lộ trình thì Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sẽ được công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.

* Xin cảm ơn ông! 

Vĩnh Xuân (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục