“Hòa mình trong lao động mới biết mình làm được gì”

“Hòa mình trong lao động mới biết mình làm được gì”

Là một nhà báo chuyên viết về mảng văn hóa, nghệ thuật song dường như khuôn khổ chật hẹp của trang báo đã không còn đủ “đất” để chuyển tải những suy tư, những ước mơ bay bổng của người nghệ sĩ. Vì thế, sau nhiều năm miệt mài với con chữ, nhà báo Thủy Vân lại quay sang vẽ.

Với chị, hội họa không chỉ đơn thuần là những mảng màu nóng-lạnh, mỗi nét bút chứa đựng bao trăn trở của cuộc sống. Chị vẽ không nhanh, các tác phẩm được hoàn tất cũng chưa nhiều, song mỗi tác phẩm là một câu chuyện đầy ắp tâm sự. Ngày 3-11 tới, triển lãm đầu tay của chị sẽ chính thức được khai mạc tại Hà Nội với cái tên bình dị “Đàn bà”.

“Hòa mình trong lao động mới biết mình làm được gì” ảnh 1

Tác phẩm hội họa của nhà báo Thủy Vân.

Chị tâm sự: “Vẽ với tôi không tình cờ. Ngay từ khi còn bé, tôi thích vẽ, vẽ bằng bút chì đen, màu nước. Tôi thích làm búp bê vải, đẽo tượng nhỏ làm đồ chơi, tuổi thơ thiếu thốn là thế. Sau này thành người lớn, phải làm thêm nhiều việc như thêu gối áo, đan lát để nuôi con. Có lẽ do vậy mà hòa màu, phối sắc có vẻ khá hơn chăng?  Chỉ có điều là tôi chưa một ngày nào được học mỹ thuật. Chưa một ai hướng dẫn hay chỉ bảo sử dụng màu sắc, chất liệu, vật dụng vẽ vời. Thực ra, trải nghiệm sách vở gì cũng không bằng thực tế. Tôi không thích lập ngôn hay ồn ào. Mọi thứ mình đang làm là lao động. Lao động trí óc hay đơn giản cũng đều là lao động, các giá trị của lao động đều đáng trân trọng. Tôi luôn tự nhủ “Hãy học hỏi, lắng nghe trong lao động mới biết mình sẽ làm được gì”. Tôi lắng nghe chính mình, thử nghiệm và thực hành, rồi nhận thấy mình có thể ghi lại các khoảnh khắc cuộc sống bằng màu sắc”.

°PV: So với văn học, thơ ca và báo chí, hội họa đối với chị có thể coi là “người bạn mới”.Vì lý do gì mà một con người không thích ồn ào như chị  lại quyết định trình làng với triển lãm tranh được chuẩn bị công phu như vậy?

°THỦY VÂN: Văn, thơ tôi nép mình vào một góc khuất. Năm 1994, mấy chị bạn thơ có giục tôi làm đơn vào “Hội”. Tôi bảo “Ơ hay, vào hội mới viết được à, khối người cố gắng ra 2 tập để đủ đầu sách vào hội mà toàn in lại, chỉ  thêm ít bài mới”. Tôi thấy cái danh ấy có cũng tốt, không có cũng không sao, miễn là tác phẩm của mình được mọi người thích. Có điều tôi ngượng, tôi lấy bút danh là Thủy Vân, ít người biết đó là Đỗ Thu Thủy, chỉ bạn bè thân mới biết. Chính vì thế có nhiều chuyện rất vui khi ngồi cạnh nghe họ bình luận về văn thơ Thủy Vân và khen với câu: “Không biết là đàn ông hay đàn bà, viết nạo ruột người ta”.

Về triển lãm tranh? Nếu là văn thơ thì xuất bản, còn tranh, vẽ xong cứ tặng dần và dựng vào góc nhà. Bạn bè mới nói “triển lãm đi, để mọi người biết mình có tranh, cũng cho mọi người xem với chứ”. Ừ nhỉ! Có gì khó khăn đâu, số tranh đã tặng và có bán mấy bức thì thôi. Số tranh sơn dầu mới vẽ từ tháng 8-2007 đến nay thì chọn ra một ít để triển lãm cho vui bạn vui bè. Thấy chị Võ Thị Hảo vẽ tranh, tôi rủ chị triển lãm chung cho đỡ xấu hổ vì mình không phải họa sĩ. Kể ra không ngượng mới lạ! Tôi không tự tin lắm khi định mang tranh ra triển lãm. Nhưng trong cuộc đấu giá tranh nghệ thuật chuyên nghiệp, bức tranh của tôi được nhiều người thích và có đôi vợ chồng người nước ngoài mua thì tôi tin là tôi đã vẽ được.

°Trong tranh của chị thấy cuộc sống của một người đàn bà tràn qua toan, màu, hình khối. Phải chăng những u uất của một người đàn bà đẹp nhưng gặp không ít bất hạnh đã khiến trạng thái, tâm lý của chị bị dồn nén và tải vào tranh?

°Khi vẽ tôi không cố ý, nếu người xem tranh đọc được ý nghĩ hay cảm xúc của người vẽ thì đó là điều hạnh phúc đối với người vẽ tranh. Thường thì bất cứ tác phẩm văn học nghệ thuật, cũng đều phản ánh cuộc sống. Tùy hình thức biểu hiện nghệ thuật bằng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh, cơ thể v.v… thì tranh biểu hiện bằng màu sắc, mảng, hình khối… Tôi chỉ vẽ bằng trực giác và linh giác đối với màu sắc khi thể hiện.

Hơn nữa, tôi vẽ những gì tôi thích, ý nghĩ ấy tràn ra vải như người ta viết trên giấy. Có thể là thiên nhiên, con người tôi đã gặp, có thể là ký ức sâu xa trong tâm khảm, cũng có thể là cuộc sống hiện tại của tôi… điều này có gì quan trọng đâu. Một bức tranh làm người xem thấy đẹp và thích nó thì có thể coi đó là tác phẩm nghệ thuật. Tôi mừng vì một số nhà chuyên môn trong giới mỹ thuật cũng như nhiều bạn bè thích tranh của tôi vì họ  nói: “màu sắc đẹp, tranh gợi cảm và rất nữ tính”.

°Chị nghĩ gì về những người phụ nữ làm nghệ thuật: phải đối diện với chính mình và với công chúng?

°Ai thì tôi không biết, với tôi, khi tôi viết, tôi vẽ, tôi không nghĩ và không để ý họ nói gì về việc tôi làm. Điều tôi quan tâm khi viết là cần giản dị. Làm thế nào câu chữ không sáo rỗng, không ngoa ngôn lộng ngữ để ai cũng có thể hiểu đúng điều tôi muốn nói. Khi vẽ, ngược lại tôi không chú ý vào việc người ta nghĩ gì về tôi. Tôi vẽ những gì tôi thấy đẹp khi tưởng tượng trong đầu tôi... Ai hiểu và thích là phần thưởng cho tôi. Ai không thích cũng không sao, đó là thẩm mỹ và thị hiếu của họ. Công chúng hay nhà phê bình cũng vậy thôi. Tôi nghĩ làm gì cũng nên hết lòng, làm nghệ thuật càng nên như vậy mới có tác phẩm ưng ý.

° Cảm ơn chị!

MAI AN thực hiện

Tin cùng chuyên mục