Sách thời lạm phát: Khó cho mọi người

Sách thời lạm phát: Khó cho mọi người

Lạm phát đang khiến nhiều người thắt lưng buộc bụng chi tiêu. Trong tình hình văn hóa đọc đang trên đà phục hồi và phát triển, tình hình lạm phát đã ảnh hưởng đến sức mua và nhu cầu đọc của độc giả.

  • Nhà làm sách: giảm đầu sách, tái bản
Sách thời lạm phát: Khó cho mọi người ảnh 1

Sách giảm giá đang được bạn đọc ưa chuộng. Ảnh: T.V.

Do suy thoái kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu nên chủ yếu tập trung vào mặt hàng thực phẩm, sách đứng xuống  hàng thứ yếu. Từ giữa năm 2008, thị trường giấy, in ấn đã bắt đầu tăng cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà làm sách.

Các NXB đứng trước sự lựa chọn khó khăn: nếu tăng giá sách sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ nhưng không tăng thì chịu lỗ. đơn cử như tại NXB Trẻ, giá giấy, tiền in, chuyên chở, các chi phí khác cùng tăng khiến giá sách khó có thể đứng yên, ban giám đốc phải xem xét lại toàn bộ kế hoạch xuất bản cuối năm.

Một loạt nhan đề sách dự kiến ra mắt đã phải gác lại đến sang năm, chỉ những tác phẩm nào của các tác giả thân thiết hay có khả năng thu hồi vốn nhanh mới được ưu tiên in theo đúng kế hoạch. NXB Trẻ dự kiến, năm 2008 số sách xuất bản sẽ giảm hơn 20% so với năm 2007.

NXB Tổng hợp TPHCM lại chọn cách khác để tránh cơn bão giá, là tập trung vào những loại sách có nguồn vốn sẵn như sách phục vụ công tác chính trị của Đảng bộ TP, sách lịch sử truyền thống hoặc các loại sách có sức mua ổn định như sách ngoại ngữ, sách tham khảo, sách phục vụ nhà nông… Cách làm này giúp cho NXB tránh tình trạng tồn đọng sách lưu kho, vốn có thể xoay vòng nhanh để làm sách mới.

Hiện nay, để đối phó với sự tăng giá chung, các đơn vị đều áp dụng một biện pháp là giảm bớt lượng sách tự bỏ vốn, nhất là những loại sách nghiên cứu chuyên sâu có mức bán chậm. Với loại sách liên kết, để chắc ăn họ thường tái bản những tựa sách cũ hút khách vừa để tiết kiệm chi phí (bản quyền, quảng bá…) vừa đảm bảo doanh thu.

  • Nhà văn và bạn đọc: chọn lọc kỹ

Làm giàu bằng văn chương không phải là việc đơn giản, thế nhưng giữa thời bão giá, ngay cả sống bằng văn chương cũng đã là một việc khó khăn. Nhà văn Võ Văn Trực đã đưa ra một con tính, để “làm ra” một cuốn tiểu thuyết từ ý tưởng, ông phải thực hiện đề cương và nghiền ngẫm, sưu tầm tư liệu rất tỉ mỉ, mất nhiều thời gian. Đến khi bắt tay vào viết nhanh nhất cũng phải mất thêm 5 - 6 tháng.

Trong khi đó, nhuận bút một tác phẩm tiểu thuyết trung bình khoảng 3-4 triệu đồng. Như vậy, tính bình quân mỗi tháng nhà văn chỉ thu được từ công việc của mình khoảng 500 ngàn đồng. Và với tình hình giá cả hàng hóa như hiện nay, mức thu nhập đó không có gì khó hiểu khi ông gọi việc viết tiểu thuyết là “làm thật ăn giả”. Đó là chưa tính đến việc một số nhà văn không thành thạo vi tính phải nhờ nhập liệu các tác phẩm (một số NXB yêu cầu bản thảo phải được viết trên máy tính), với giá thành từ 2.000-2.500 đồng/trang A4, một tác phẩm tiểu thuyết chỉ cỡ 300 trang đã ngốn của nhà văn một khoản đáng kể.

Với bạn đọc, tình hình cũng không lạc quan hơn. Hiện nay, bạn đọc có hai sự lựa chọn: chọn lựa kỹ và chỉ mua những tác phẩm đã có tham khảo trước qua các phương tiện truyền thông, bạn bè; thứ hai là mua sách theo thói quen nhưng tại các cửa hàng sách giảm giá.  Đây thường là sách tồn kho, sách cần bán nhanh để thu hồi vốn, những loại sách này có mức giảm rất cao, có khi đến 80% so với giá bìa, nhưng lại chỉ được bán trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Tuy nhiên, giữa lúc thị trường sách xem ra khó khăn thì lại có ý kiến cho rằng đây là cơ hội cho văn hóa đọc. Dù có sự tăng giá thì sách vẫn rẻ hơn nhiều so với các loại hình giải trí khác, mà lại còn góp phần nâng cao tri thức. Đây cũng là cơ hội và những người làm sách, kinh doanh sách cần biến khó khăn thành thời cơ, có lẽ là điều mà những nhà làm sách Việt Nam đang cần hướng tới hiện nay.

TÂN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục