Dựng lại gia tài văn hóa của người Vân Kiều

Dựng lại gia tài văn hóa của người Vân Kiều

Quỹ Đan Mạch hỗ trợ văn hóa vùng và dân tộc ít người đang có những bước đi thiết thực phục dựng lại những làn điệu dân ca, dân vũ tại hai xã Trường Sơn, Trường Xuân thuộc huyện Quảng Ninh và huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho đồng bào dân tộc Vân Kiều, người Nguồn. Gia tài văn hóa của người Vân Kiều, người Nguồn từng bị mai một theo thời gian nay đang sống lại trên lưng chừng núi, vắt vẻo bên những bậu cửa nhà sàn làm mê đắm lòng người.

Những dự án níu kéo lại gia tài văn hóa

Dựng lại gia tài văn hóa của người Vân Kiều ảnh 1

Hát đối đáp tại xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh.

Từ năm 2007 - 2008, Quỹ Regional and ethnic culture fund (của Đan Mạch) đã tài trợ cho các chương trình phục dựng vốn văn hóa dân tộc ít người tại Quảng Bình. Quỹ sẽ tài trợ mỗi năm 300 triệu đồng nhằm thực hiện các dự án văn hóa ở các xã dọc biên giới Lào, nơi có các tộc người thiểu số sinh sống. Mỗi dự án nhỏ được tài trợ tối đa 20 triệu đồng. Năm 2007, lượng dự án chỉ thực hiện nhỏ giọt.

Đầu năm 2008, có 5 dự án được duyệt gồm “Truyền dạy âm nhạc dân gian cho đồng bào dân tộc Vân Kiều tại xã Trường Sơn”, “Tổ chức lớp truyền dạy hát các làn điệu ví giao duyên của người Nguồn huyện Minh Hóa”, “Trang bị nhạc cụ phục vụ lễ hội cho đồng bào Bru - Vân Kiều xã Trường Xuân”, “Tổ chức lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ phục vụ lễ hội cho đồng bào Bru - Vân Kiều xã Trường Xuân”, “Tổ chức liên hoan văn nghệ đồng bào dân tộc Vân Kiều 2 xã Trường Xuân, Trường Sơn”.

Các dự án đều nhằm mục đích dựng lại bản sắc văn hóa phong phú của người Vân Kiều và người Nguồn, khơi gợi lại dòng chảy mát lành từ mạch nguồn núi rừng.

Nghệ nhân bản địa truyền dạy

Điều đặc biệt là mỗi dự án với số tiền 20 triệu đồng nhưng lại do chính nghệ nhân người Vân Kiều xây dựng trong vòng hai tháng, sau đó được tổ chức tổng kết qua buổi diễn phục vụ cộng đồng.

Những gia tài văn hóa của người Vân Kiều như khèn A man, Tarienl, Khui; kèn Pi, Bè, Môi, A cuông và các loại trống như trống to, trống dài thon nhỏ, thanh la lớn, thanh la nhỏ, chiêng Mông, chiêng Cuông… đang được các nghệ nhân cao tuổi người Vân Kiều tại xã Trường Xuân sưu tầm và sử dụng trong các lớp dạy sử dụng nhạc khí bản địa cho chính cư dân địa phương.

Các làn điệu của người Vân Kiều đang được truyền đạt tại xã Trường Sơn bởi những người già hát hay nhất bản, lớp truyền dạy có 25 học viên, họ đến học sau những buổi lên nương lên rẫy, ròng rã hai tháng trời, những thiếu nữ Vân Kiều chưa biết hát Tờ tịa ptả xra (hát ru trên nương), T’oại dựt lai (đối đáp), Tà tịa (hát ru), Sơ ro tơ may (mừng lúa mới)…, nay đã tự tin cất lên tiếng hát lảnh lót giữa lưng chừng núi. Thiếu nữ Hồ Thị Pay, xã Trường Sơn tự hào: “Miềng trước đây không biết hát mô, chừ có được nghệ nhân Hồ Thị Con truyền hát nên miềng biết hát làn điệu của cha ông để lại mà sau ni hát giao duyên, cưới được chồng, có con là ru con”.

Cả một thế giới văn hóa của người Vân Kiều bắt đầu sống lại. Các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca, dân vũ đang dần trở lại trong sinh hoạt của đồng bào Vân Kiều. Nó là phương tiện để báo hiệu cho các thành viên trong cộng đồng biết được bản làng vào hội (trống to, trống nhỏ), là phương tiện để hòa giải xích mích trong nội bộ (chiêng núm, thanh la lớn, nhỏ), là lời tiếc thương cho người qua đời (khèn Khui), là sự nhớ nhung người yêu (khèn A man), là sự tỏ tình của chàng trai đối với cô gái mình yêu thích (khèn Tarienl)… Tất cả gia tài đó đang dần tìm lại cuộc sống mới với người Vân Kiều.

DƯƠNG MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục