Tối nay công diễn Chiếc áo thiên nga: Làm mới truyền thuyết cũ?

Tối nay công diễn Chiếc áo thiên nga: Làm mới truyền thuyết cũ?

Sau hơn một tháng tập luyện miệt mài, 20g tối nay 14-2, vở cải lương Chiếc áo thiên nga (tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ, kinh phí thực hiện 2,7 tỷ đồng) do Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang phối hợp cùng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM thực hiện, sẽ chính thức công diễn phục vụ công chúng mộ điệu tại Nhà thi đấu Quân khu 7, TPHCM.

  • Người nay nhìn về chuyện xưa
Tối nay công diễn Chiếc áo thiên nga: Làm mới truyền thuyết cũ? ảnh 1
NSƯT Kim Tử Long vai Trọng Thủy và NS Tú Sương vai Mỵ Châu . Ảnh: THÙY DƯƠNG

Với nhiều người, câu chuyện về Chiếc áo thiên nga, tức Trọng Thủy – Mỵ Châu không còn quá mới mẻ. Nhưng qua cách tác giả, đạo diễn thể hiện Chiếc áo thiên nga trên sàn diễn cải lương lần này thì có những cái mới, thể hiện cách nhìn của những con người hôm nay về câu chuyện của ngày xưa. Trong câu chuyện này, sự mất nước, nhà tan của Thục Phán An Dương Vương là do sự chủ quan, thiếu cảnh giác chứ hoàn toàn không do yếu tố thần thánh.

Tuy vậy, các tác giả vẫn giữ được chuyện tình lãng mạn giữa Trọng Thủy và Mỵ Châu. Đó cũng là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sĩ Kim Tử Long (vai Trọng Thủy), Thoại Mỹ, Tú Sương (vai Mỵ Châu) thể hiện tài ca diễn của mình. Đặc biệt, với Chiếc áo thiên nga, các nghệ sĩ lão làng - NSND Diệp Lang, Thanh Tòng - có dịp thể hiện lòng nhiệt huyết của mình với cải lương. Dù tuổi cao, sức khỏe không thật khỏe khoắn như trước đây, nhưng khi sắm vai Nhan Tấn và Triệu Đà, cả hai đều biểu diễn xuất thần.

Trong đó, NSND Diệp Lang với vai Nhan Tấn có một cảnh đánh kiếm mãnh liệt, ngoan cường với nghệ sĩ trẻ Lê Tứ vai Cao Thục, khiến ai nấy đều trầm trồ thán phục. Dường như khi bước ra sàn diễn, NSND Diệp Lang quên hẳn chuyện đau yếu mấy năm nay của mình, vẫn rất “máu” với nghề… Trong Chiếc áo thiên nga, nghệ sĩ trẻ Trinh Trinh vai Hoàng Dung, một lần nữa cho thấy tài vũ đạo của mình rất vững.

  • Những điều chưa biết về “chiếc áo” 2,7 tỷ đồng

Trước tiên, đó là kinh phí thực hiện vở diễn ngày một cao ngất. Khi mới bắt tay vào thực hiện, dự trù kinh phí chỉ 1,8 tỷ đồng. Sau đó, con số này nhảy vọt lên 2 tỷ đồng. Nhưng đến ngày phúc khảo (13-2), tổng chi phí cho Chiếc áo thiên nga biểu diễn trong ba đêm đã lên đến con số 2,7 tỷ đồng. Lý giải về điều này, ông Phan Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ dự trù kinh phí có hai đêm diễn như vở Kim Vân Kiều, nhưng không ngờ lần này diễn đến ba đêm nên tất cả chi phí đều nhảy vọt lên. Hiện nay, nếu tính luôn tiền biên đạo múa cho Chiếc áo thiên nga, chi phí phải gần 3 tỷ đồng!”. Chính chi phí bội chi mà đơn vị tổ chức đang phải “chạy nước rút” trong việc tiếp thị, bán vé và cả vận động các mạnh thường quân tài trợ thêm.

Bên cạnh đó, với ước mong tạo sự hấp dẫn cho Chiếc áo thiên nga, đơn vị tổ chức đã không ngần ngại đặt nhà thiết kế Sĩ Hoàng thiết kế, may trang phục cho hàng trăm diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ với tổng chi phí gần 500 triệu đồng. Chưa kể, việc thiết kế cảnh trí cho vở diễn cũng tốn nhiều thời gian, công sức. Ví như lúc đầu, các cảnh trí của thành Cổ Loa được thiết kế theo dạng có gắn dây kéo từ dưới lên. Nhưng từ thiết kế đến thực tế sàn diễn chưa được ưng ý, kiến trúc sư Nguyễn Minh Tuấn đã quyết định thay đổi, thành Cổ Loa được nâng từ dưới lên, không sử dụng dây kéo. Trong vở Chiếc áo thiên nga, mỗi đêm diễn, đơn vị tổ chức phải chi phí hết 40 triệu đồng cho việc phun lửa, bắn pháo hoa, phun khói CO2 nhằm tạo cảm giác như thật cho hình ảnh Cổ Loa thành bị đánh sập.

Đặc biệt, về âm nhạc, so với vở Kim Vân Kiều năm 2007, thì Chiếc áo thiên nga lần này được các nhạc sĩ, đạo diễn chú trọng rất nhiều. Trong đó, dàn nhạc giao hưởng với hơn 120 nghệ sĩ biểu diễn do NSƯT Trần Vương Thạch chỉ huy; dàn nhạc cổ do NSƯT Thanh Hải chịu trách nhiệm; dàn nhạc tân do nhạc sĩ Đức Trí đảm trách. Tất cả đã góp phần thăng hoa cho Chiếc áo thiên nga, nhất là cảnh đánh trận giữa quân lính của Thục Phán An Dương Vương và Triệu Đà…

Có thể nói, với Chiếc áo thiên nga lần này, một lần nữa cho thấy sự tìm tòi sáng tạo của đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ trong cách dàn dựng và sự tâm huyết của nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, mạnh thường quân dành cho nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm nhất hiện nay là sau ba đêm diễn 14, 15, 16-2, Chiếc áo thiên nga có tiếp tục tung bay trên sàn diễn nào nữa không hay dừng lại? Câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngõ….

Đỗ Hạnh

Chiếc áo thiên nga sẽ diễn ra trong ba đêm 14, 15, 16-2. Đặc biệt, trong đêm 14-2, BTC sẽ tổ chức bán đấu giá một bức tranh thêu có chữ ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết để gây quỹ hỗ trợ văn hóa.

Tin cùng chuyên mục