Nhập siêu thương mại và văn hóa

Nhập siêu thương mại và văn hóa

Năm 2007 vừa kết thúc với những chỉ số phát triển phấn khởi của Việt Nam như tốc độ tăng trưởng GDP 8,45%, kim ngạch đăng ký đầu tư trực tiếp FDI 20,3 tỷ USD, tổng kim ngạch mậu dịch vượt qua khỏi mức 110 tỷ USD, kiều hối đạt 5,5 - 6 tỷ USD v.v…

Nhưng bên cạnh đó là những con số thống kê cho thấy dấu hiệu phát triển không bền vững như mức lạm phát vượt mức tăng của GDP, chỉ số giá hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng… đang nhảy múa đến “chóng mặt” mặc dù Tết Nguyên đán đã qua, tốc độ thực hiện FDI trên thực tế quá chậm, chỉ dừng lại ở mức 6 tỷ trong tổng số 20,3 tỷ, cho thấy Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ mới, có khả năng không phát huy được hết tác dụng tích cực của những kết quả gặt hái được từ việc triển khai tích cực những hoạt động kêu gọi đầu tư nước ngoài trong năm qua (và kể cả những năm trước đó) cũng như hiệu quả tích cực sau khi VN tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới.

Nhập siêu thương mại và văn hóa ảnh 1

“Chuyện tình ở Harvard”, bộ phim ăn khách của Hàn Quốc, được phát sóng nhiều lần trên các đài truyền hình.

Con số nhập siêu ngày càng tăng trong cán cân thương mại đáng lo ngại, vượt ngưỡng 12 tỷ USD, tức trên 10% tổng kim ngạch mậu dịch quốc tế, trong đó nhập siêu từ các nước châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… chiếm tỷ lệ cao nhất), riêng Trung Quốc đã chiếm 7 tỷ USD nhập siêu.

Nhiều nhà kinh tế lên tiếng cảnh báo tình trạng này dự kiến sẽ còn tăng thêm và kéo dài trong những năm tới nếu Việt Nam không cải thiện cán cân thương mại bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thành phẩm, có giá trị gia tăng cao thay vì chỉ xuất “thô” như hiện nay, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất có thể những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ...

Thương mại nhập siêu đang đè nặng lên sản xuất, giá cả và đời sống của người dân thì về mặt tinh thần cũng đang xảy ra một hiện tượng nhập siêu rất đáng lo ngại, đe dọa đến việc gìn giữ và kế thừa các truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc. Các đài truyền hình cáp, địa phương và trung ương đua nhau “lấp chỗ trống” của thời lượng phát sóng bằng hàng loạt phim kiếm hiệp, tình cảm ướt át, đánh đấm bạo lực và giải trí vô bổ... Các loại phim truyện kéo dài đến hàng trăm tập của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Pháp… miễn không phải tốn tiền mua bản quyền hoặc có tài trợ là được lên sóng. Cái gọi là “giờ vàng” bằng phim trong nước trên sóng quốc gia vẫn được duy trì để tránh tiếng dư luận phê phán nhưng vẫn là chiếu lệ vì nội dung lượng phim “nội” không hấp dẫn hơn phim ngoại.

Nạn nhập siêu về văn hóa không dừng lại ở kênh nghe nhìn mà còn ở văn hóa đọc. Nhìn vào các quầy sách chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi nhiều vô kể những tác phẩm “thượng vàng hạ cám” của nước ngoài, sách dịch tràn lan, ngoài loại sách phổ biến kiến thức, nhiều cuốn truyện có nội dung khiêu dâm đồi trụy nổi tiếng của Tây Âu lẫn Trung Quốc, thậm chí có những cuốn truyện của những cây bút chống cộng từng bị lên án… cũng  nằm trên kệ sách của một số cửa hàng.

Bên cạnh đó, loại phim ảnh, sách hoạt hình… cho thiếu nhi cũng là mặt hàng được khai thác khá triệt để, ngoài lượng sách mang tính giáo dục hiếm hoi, phải kể đến hàng loạt sách hoạt hình dịch hoặc mô phỏng của Nhật Bản như Cậu bé Bút chì, Thủy thủ Mặt trăng… là những tác phẩm quậy phá và kích dục mà ngay giới phụ huynh Nhật Bản phải ngăn cấm con em mình thì lại được nhà xuất bản nổi tiếng ở nước ta cho in, phổ biến đến hàng triệu bản.

Ở mức độ hiện nay liệu chúng ta chỉ nên xem đây là hiện tượng “nhập siêu” tạm thời, nguy cơ tiềm ẩn hay thực tế đó là một sự “xâm lăng” văn hóa đáng sợ? Giải quyết vấn nạn này không chỉ kêu gọi chung chung vào ý thức lương tri của người làm sách, nhà xuất bản hay phụ huynh, thầy cô giáo… mà là nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra cho những người chịu trách nhiệm quản lý vĩ mô trong ngành văn hóa thông tin và giáo dục.

Đã đến lúc cần có những biện pháp chấn chỉnh triệt để nếu không ngăn chặn được từ gốc - tương tự như nạn nhập siêu trong thương mại - luồng văn hóa độc hại ngoại lai này sẽ tiếp tục đục phá các giá trị đạo đức xã hội, tác hại lên những thế hệ tiếp nối mà chúng ta đang ra sức gầy dựng và vun đắp, đi ngược lại đường lối xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Hồng Lê Thọ
(Tokyo, Nhật Bản)

Tin cùng chuyên mục