Nhạc sư Vĩnh Bảo: Trong tiếng đàn có chữ nhân

Nhạc sư Vĩnh Bảo: Trong tiếng đàn có chữ nhân

Ít ai biết trong căn nhà số 282B/21 ngõ hẻm sâu đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh là nơi tiếng đàn tranh, đàn cò, đàn kìm của nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn vang lên qua nhiều năm tháng. Người biết đến ông, có thể là bạn bè nghệ sĩ, nghệ nhân cố cựu, là khách tri âm mộ điệu, là học trò từ bên trời Tây “tầm sư học đạo” với nhạc sư Vĩnh Bảo qua Internet. Mới đây ông được Chính phủ Pháp công bố tặng Huy chương Văn học Nghệ thuật năm 2008.

Cây đàn đoản đầu tiên

Nhạc sư Vĩnh Bảo: Trong tiếng đàn có chữ nhân ảnh 1

Nhạc sư Vĩnh Bảo

Từ quê làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), cậu bé Nguyễn Vĩnh Bảo vừa lên 5, 6 tuổi đã được “ươm mầm” trong môi trường âm nhạc gia đình và sau đó là môi trường âm nhạc của xã hội vào những năm 20, 30 của thế kỷ XX.

Đầu tiên, Vĩnh Bảo học đàn với người cha ruột là ông Nguyễn Hàm Ninh, một nhà Đông y, có ruộng đất và hết sức tài hoa, sử dụng thành thạo ba nhạc cụ: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò; biết cả đờn ca tài tử và nhạc hát bội.

Ông Nguyễn Hàm Ninh sợ con mê đàn, chểnh mảng học hành nên cấm không cho cậu bé Vĩnh Bảo chơi đàn. Không được học chính thức, Vĩnh Bảo vẫn theo nài nỉ học đàn lén với những người thợ trong nhà, và dùng đàn đoản (một nhạc cụ có thùng đàn giống đàn kìm (nguyệt), dày 3 tấc, cần ngắn, dây to) để đàn “nhái” theo các anh trai.

Bị cấm học đàn, kết quả học tập của Vĩnh Bảo sụt hẳn! Giấy báo của trường gửi về đã khiến người cha suy nghĩ, tìm hiểu nguyên nhân. Rất may, với phương pháp giáo dục khá tiến bộ, ông Nguyễn Hàm Ninh đã xét lại và nhờ thế năng khiếu âm nhạc bẩm sinh của con trai đã tiếp tục được khơi dậy, phát triển qua những ngón đàn “tuyệt kỹ” của các thầy đàn nổi tiếng đương thời như Hai Lòng (Vĩnh Long), Năm Nghĩa, Ba Sáng (Trà Ôn), Sáu Tý (Cao Lãnh)…

Học đàn bài bản trực tiếp qua các nghệ nhân, nghệ sĩ và hàng trăm bạn đàn dù nhiều hay ít, qua biết bao lần biểu diễn, Vĩnh Bảo đã tự trui rèn cho mình những ngón đàn riêng độc đáo. Thuộc thế hệ kế tục các nhạc sư Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), Trầm Văn Kiên (Cần Thơ), Vĩnh Bảo sớm nổi tiếng với tài đàn và là một trong những gương mặt nhạc sĩ cổ nhạc tài danh cùng thời hoặc xấp xỉ với Chín Kỳ, Giáo Thinh, Hai Biểu, Chín Trích, Hai Khuê, Bảy Hàm, Mười Tiểng, Năm Vĩnh, Hai Thơm, Mười Còn, Tư Đước, Năm Cơ, Văn Vĩ, Sáu Tửng…

Sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp của Vĩnh Bảo được ông nhấn mạnh đến “dấu ấn năm 1938” khi được chủ hãng đĩa Béka mời tham gia cùng nhạc sĩ Năm Nghĩa, Ba Cần hòa âm đàn gáo, đàn tranh, đàn kìm cho giọng ca vàng của cô Ba Thiệt (chị cô Năm Cần Thơ).

Thăng trầm cùng nhiều biến cố lớn của lịch sử, có lúc “lang bạt kỳ hồ” sang Campuchia, có lúc ông “trụ” lại với hoạt động 10 năm dạy đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.

Nhận xét về tài đàn của nhạc sư Vĩnh Bảo, GS-TS Trần Văn Khê có lần đã bày tỏ trong một buổi giảng tại Hà Lan: “Tôi chưa nghe ngón đàn tranh nào hay hơn ngón đàn của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, vừa bay bướm, vừa sâu sắc”.

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong (Đại học Kent, Mỹ) nhận xét “Hai nhạc sư Vĩnh Bảo và Nguyễn Hữu Ba là hai trí thức âm nhạc, là chim đầu đàn của cả thế hệ âm nhạc toàn miền Nam”.

TS Christopher Maillard (Đại học Toulouse, Pháp) khi sang Việt Nam đã không ngại ngần đến căn nhà nhỏ của nhạc sư Vĩnh Bảo để trò chuyện, “thọ giáo” và cùng đàn với ông hàng đêm…

Tấm lòng nhân hậu của nghệ sĩ

Thật lạ lùng, xúc động, cho đến năm nay đã bước vào tuổi 91, ngón đàn tranh, đàn cò, đàn kìm của người nghệ sĩ tài năng bậc thầy âm nhạc tài tử Nam bộ vẫn “tươi”, điêu luyện… Trò chuyện cùng ông, người nghe có cảm giác vui sướng và khâm phục khi khám phá được “một quyển sách bách khoa sống”.

Trong biết bao câu chuyện kể về cuộc đời thăng trầm của mình, của bạn bè, người nghe cảm nhận ở ông - một nghệ sĩ lớn với biết bao trải nghiệm vinh quang và cay đắng trong đời. Ông là người có trí tuệ khá sắc sảo, trí nhớ chính xác, nhân cách khẳng khái và có cách kể chuyện thật thâm trầm, dí dỏm.

Nhưng cũng qua những chuyện kể, người nghe có thể nhận ra tấm lòng nhân hậu của một nghệ sĩ. Tuổi thơ gắn bó với một vùng sông nước Nam bộ và sống trong thời kỳ dấu ấn văn hóa, giáo dục của Pháp in đậm nhưng rất may mắn, cậu học sinh đã tự hiểu thế nào là giàu – nghèo, là sự bất công giữa chủ điền và tá điền.

Lớn lên mưu sinh ở Sài Gòn, ở Campuchia, Vĩnh Bảo càng thấm thía trước bao điều khổ của người dân xóm lao động nghèo, của những cô gái tha phương cầu thực ở xứ người… Đã bao lần ông đã cứu người từ lòng trắc ẩn, từ mệnh lệnh của trái tim.

Tất cả những hành động ấy khi kể lại và tự cắt nghĩa, nhạc sư Vĩnh Bảo cho rằng đó là nhờ âm nhạc. Âm nhạc đã “ngấm” vào máu thịt, giúp ông luôn nghĩ đến tình thương, nghĩ đến điều muốn san sẻ với người khác về nỗi khổ của họ. Ông trầm giọng: “Tôi nghĩ trong tiếng đàn đã có chữ nhân”. 

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục