Tác phẩm văn học nổi tiếng: Lắm điều rắc rối

Tác phẩm văn học nổi tiếng: Lắm điều rắc rối

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, văn học luôn được xếp hàng đầu. Ảnh hưởng của văn học cũng được xem là sâu đậm nhất, chính vì thế, nhiều vấn đề được chấp nhận trong cuộc sống nhưng vào sách đôi khi lại gây nên lắm điều tiếng.

Đủ thứ tội để chỉ trích

Tác phẩm văn học nổi tiếng: Lắm điều rắc rối ảnh 1
Trang bìa cuốn sách đang bị chỉ trích nhiều hiện nay

Trong những năm qua, số lượng những tác phẩm văn học quy mô thế giới bị chỉ trích đang tăng đột biến. Trong danh sách bảng “phong thần” có những tên tuổi lẫy lừng, trong đó phải nhắc đến hai cái tên Mật mã Da Vinci của nhà văn Dan Brown và bộ sách Harry Potter.

Mật mã Da Vinci bị kết án nặng nề nhất do đả động đến vấn đề tôn giáo, nhiều tổ chức, hội đoàn cực đoan lên tiếng đe dọa nhà văn Dan Brown, thậm chí họ còn kêu gọi tẩy chay sách của ông vì đã xúc phạm đến giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, điều kỳ cục là bản thân Tòa thánh Vatican lại im lặng, mãi đến khi làn sóng phản đối dâng cao mới có những thông tin từ Tòa thánh.

Nhưng ngược lại với hy vọng của những người phỉ báng Dan Brown, giáo hội lại khá nhẹ nhàng, cho rằng đó chỉ là tiểu thuyết và thông tin trong đó mang tính chủ quan của tác giả chứ không phải là một công trình mang tính nghiên cứu. Kết quả là các vụ um sùm xung quanh càng khiến cho cuốn sách nổi tiếng và đẩy nhà văn lên hàng sao của giới sáng tác. Từ sự mềm mỏng của Tòa thánh, làn sóng phản kháng và những lời chống đối cũng dần dần tự tan biến.

Việc phản đối Harry Potter còn ly kỳ hơn. Mở đầu là việc Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA) liệt tác phẩm này vào ngôi đầu bảng trong danh sách những tác phẩm bị chỉ trích nhiều nhất. ALA cho rằng Harry Potter của J.K. Rowling xứng đáng với vị trí thứ nhất bởi truyện sử dụng quá nhiều ma thuật gây kích động và ảnh hưởng không tốt đến các độc giả nhỏ tuổi.

Việc làm của ATA gây ngạc nhiên vì nếu xét về việc sử dụng ma thuật gây kích động thì Harry Potter chỉ đáng “xách dép” cho Lord of the rings (LOTR- Chúa tể những chiếc nhẫn). Vài cậu bé chiến đấu bằng đũa phép không thể so sánh với cuộc chiến hàng chục ngàn phù thủy, yêu quái trong LOTR, thế mà mà LOTR lại được xếp vào danh mục sách… nên đọc, còn Harry Potter thì ngược lại.

Danh mục những tựa sách bị chỉ trích còn dài, gần đây nhất còn có những tựa sách bị cấm vì những lý do rất đặc biệt. Tiêu biểu nhất là tác phẩm And Tango Makes Three, tập truyện về hai chú chim cánh cụt đực chung sống với nhau. Tác phẩm này xuất bản năm 2005, của hai tác giả Justin Richardson và Peter Parnell.

Truyện dựa trên câu chuyện có thật xảy ra ở vườn thú trong công viên trung tâm tại New York. Roy và Silo - hai chú chim cánh cụt đực đã ấp nở một quả trứng và nuôi chú chim con như “con đẻ” của mình. Sách từng bị phụ huynh ở bang Illinois, Mỹ, yêu cầu nhà chức trách ban hành lệnh cấm vì lo sợ cuốn sách sẽ khiến bọn trẻ hiểu nhầm rằng đồng tính luyến ái là một lối sống được chấp nhận trong xã hội.

Càng cấm càng đắt khách

Một thực tế là hầu hết các tác phẩm bị chỉ trích bởi đủ thứ tội như trên lại ngày càng ăn khách. Hai cái tên Mật mã Da Vinci và Harry Potter là minh chứng rõ ràng nhất. Một là vô địch trong các bảng xếp hạng sách dành cho thanh niên đến người trưởng thành, một thì không đối thủ trong mảng sách thiếu nhi, thiếu niên. Bất chấp mọi lời kết án, cả hai đều khẳng định được giá trị của mình.

Không chỉ có giá trị chân chính mới tồn tại qua những dị nghị, gièm pha của người đời. Có nhiều tác phẩm không có giá trị thực nhưng chính nhờ việc lên án lại trở nên ăn khách đến bất ngờ, mà And Tango Makes Three là một ví dụ điển hình. Chẳng mấy ai biết đến nó trước khi ALA xếp tác phẩm vào danh sách bị lên án. Đùng một cái, sách nhanh chóng đứng vào hàng best-seller bởi ai cũng muốn biết nội dung sách thế nào mà bị chỉ trích nặng nề đến thế!

Với óc nhanh nhạy, các nhà kinh doanh sách đã chớp thời cơ lợi dụng việc chê bai để làm sống lại những tác phẩm tưởng chừng đã chết. I Know Why the Caged Bird Sings của nhà văn Maya Angelou, Captain Underpants của Dav Pilkey là những bằng chứng sống động nhất.

Thế mới biết, trong thế giới thị trường, những quyển sách gây rắc rối không phải bao giờ cũng thất bại!.

TÂN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục