Nhớ nhà thơ Xuân Sách

Nhớ nhà thơ Xuân Sách

Nhà thơ Xuân Sách từng tâm sự: “Tôi viết văn từ đời lính, và cũng trưởng thành từ cuộc đời 30 năm làm lính. Đến giờ vẫn thấy chập chững trong nghề, càng viết càng thấy khó” (nhà văn Việt Nam hiện đại. BCH Hội Nhà văn VN, 2007)

Chị dâu tôi quê Thanh Hóa, nhà ở Vũng Tàu. Phàm là người Thanh Hóa, nhất là dân xa quê, bao giờ cũng tìm đến nhau. Chúng tôi gặp nhà thơ Xuân Sách ở Vũng Tàu trong tình cảm đó. Khác với nhiều người, nhà thơ Xuân Sách (ảnh) ít nói và nói nhỏ. Miệng rộng trông như lúc nào ông cũng cười to…

Nhớ nhà thơ Xuân Sách ảnh 1

Năm 2006, Vũng Tàu tổ chức Festival Biển rất hoành tráng. Nhóm phóng viên báo SGGP gồm Xuân Thái, An Dung, Như Hoa và Võ Thu Hương tham dự. Chúng tôi tranh thủ tìm đến  nhạc sĩ Hoàng Hà và nhà thơ Xuân Sách để thực hiện “Gặp gỡ cuối tuần”. Nhạc sĩ Hoàng Hà thì vui vẻ, hồ hởi, ngược lại nhà thơ Xuân Sách hững hờ, thờ ơ. Thậm chí  ông tỏ ra không mặn mà, nếu không nói là khó chịu.

Biết tính cách người xứ Thanh, chúng tôi xúi An Dung chủ động trò chuyện với nhà thơ Xuân Sách. An Dung quê Nam Định nhưng sinh sống ở Thanh Hóa nên nói năng rặt giọng xứ Thanh. Ấy vậy mà cuối cùng thì…. chỉ “Gặp gỡ cuối tuần” được nhạc sĩ Hoàng Hà, còn nhà thơ Xuân Sách thì không.

Sau đó nhiều lần, phần thì đã quen biết, phần thì quý trọng, chúng tôi đến thăm ông. Chỉ thăm và… bắt tay ra về.  

Nhà thơ Xuân Sách không thích viết về ông!

Vâng, chúng tôi hơi buồn vì tại sao nhà thơ Xuân Sách không thích chúng tôi viết về ông, mặc dù ông viết nhiều về người khác, kể cả những nhà văn, nhà thơ .

Năm 1965, khi sơ tán lên Nam Đàn, Nghệ An, chúng tôi được biết có Tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân về bảo vệ quê Bác. Chúng tôi thường xuyên sinh hoạt giao lưu văn nghệ. Nhiều chiến sĩ hát và kể gương chiến đấu, hy sinh của anh hùng Nguyễn Viết Xuân. Đó là bài hát “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, nhạc Huy Du, lời thơ Xuân Sách. Thanh niên học sinh chúng tôi gọi bài hát này là  “ Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn” (lời Nguyễn Viết Xuân).

Chúng tôi thuộc bài hát từ dạo đó… “Nguyễn Viết Xuân, lời anh nói thiết tha. Theo làn gió bay xa, như khúc ca giục dã, thôi thúc trong lòng ta, tiến quân trên đường dài…”. Những năm chống Mỹ cứu nước, nhiều sáng tác của các nhạc sĩ, nhà thơ là sức mạnh tinh thần rất đáng tự hào. Trong đó phải kể tới “Cùng anh tiến quân trên đường dài”,” Anh vẫn hành quân”, và đặc biệt “Đường chúng ta đi”, đều là nhạc của Huy Du và lời thơ Xuân Sách.

Nhạc Huy Du tha thiết, lời thơ (ca từ) Xuân Sách trữ tình… là một trong những dấu ấn đẹp của thơ nhạc cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, cùng nhiều ca khúc của các nhạc sĩ, nhà thơ khác, bài hát “Trên đường chúng ta đi” có sức sống mãnh liệt và trở thành niềm tự hào của sức mạnh, niềm hy vọng Việt Nam… “Việt Nam, trên đường ta đi. Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó. Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời”.

Một nhà văn chỉ viết về lính, lính chiến đấu, chỉ viết về anh bộ độ Cụ Hồ trong chiến đấu, bắt đầu từ tác phẩm đầu tay của hơn 30 tác phẩm là “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” (1959); một nhà thơ viết lời đẹp tuyệt vời cho những ca khúc vượt thời gian. Và một nhà thơ  có những “Chân dung nhà văn” hóm hỉnh, hài hước với cách nhìn còn hạn chế của Xuân Sách những năm 60-80 ( NXB Văn học -1992) của thế kỷ XX…. Nhà văn tự trào, tự họa, tự giễu mình và giễu người xưa nay không hiếm, ví như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tú Mỡ và mới đây  là Hoài Anh... 

Các “chân dung nhà văn”, nhà thơ Xuân Sách có khen và có giễu theo góc nhìn hồi đó, đương nhiên có tính cá nhân, và chưa thỏa đáng. Nhưng  suy cho cùng cái cách thức giễu của Xuân Sách xuất phát từ quan niệm “lính viết văn”, “văn của lính”. Muốn viết hay, có sức thuyết phục, phải sống lăn lộn với hiện thực cuộc sống và nên ẩn mình, lẩn mình, không ồn ào to tiếng… Và cần phân biệt đâu là “chân dung nhà văn” do chính Xuân Sách viết và… những dị bản. Trường hợp này trong văn chương Việt Nam đã xuất hiện nhiều…

Lại nhớ, có lần trò chuyện với ông, một nhà thơ quê Bắc Ninh khen quê mình:

“Một gái Kinh Bắc, hai bờ đò ngang, làng nên hội”

Nhà thơ Xuân Sách cười tủm tỉm:

“Hai trai xứ Thanh, một mớ rau má, chợ trong nhà”

Xứ Thanh Hóa là quê hương của Trạng Quỳnh. Nhiều văn nhân gốc xứ Thanh đều như có máu hóm và giễu... Xuân Sách là nhà thơ như vậy?!

Vũ Ân Thy

Tin cùng chuyên mục