Gặp lại bác sĩ Erich Wulff

Một ân nhân của Việt Nam

Một ân nhân của Việt Nam

Ở CHLB Đức, những năm sôi động biểu tình chống chiến tranh của Mỹ tại VN, người ta không thể quên được một khuôn mặt hao hao gầy, đầy vẻ nhân hậu, đôi mắt tỏa sáng và một giọng nói rất nhiệt tình, có sức thuyết phục. Đó là bác sĩ khoa tâm thần học Erich Wulff.

Bởi vì ông là người đã sống và làm việc 6 năm tại Huế, trong khuôn khổ của một đội bác sĩ Đức tình nguyện, lăn lộn vào khắp các hang cùng ngõ hẻm của xã hội, quen biết rất nhiều giới chức nước ngoài và hầu hết các trí thức, nhân sĩ, nghệ sĩ và các phe phái chính trị ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Ông cũng từng tiếp xúc với Mặt trận giải phóng miền Nam.

Giáo sư Erich Wulff (đứng thứ 3 từ phải qua) cùng gia đình và bạn bè tại Việt Nam.

Giáo sư Erich Wulff (đứng thứ 3 từ phải qua) cùng gia đình và bạn bè tại Việt Nam.

Vừa qua, ông và vợ, cùng với ba người con nay đã lớn, nhân dịp tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới tại Hà Nội, trở lại thăm đất nước nơi ông đã có những năm tháng kỷ niệm không thể nào quên.

Trong phần mở đầu của cuốn sách dày 480 trang nổi tiếng dưới bút hiệu G.W. Alsheimer và dưới tựa sách: “Những năm kinh nghiệm ở Việt Nam / Sáu năm với tư cách là một bác sĩ Đức tại Việt Nam” (1961-1967), NXB Suhrkamp, ông viết Sáu năm trở thành những năm học của tôi và từng bước các dữ kiện và sự phát triển, mà tôi là một nhân chứng đã đưa tôi đến chỗ phải lấy lập trường ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam”.

Quả vậy, từ đó ông đã lấy lập trường chính trị của mình, hai chữ Việt Nam đã gắn bó với ông trong suốt cả cuộc đời. Lúc đó ông ở vào tuổi 40. Ông đã dạy học cho nhiều sinh viên y khoa Việt Nam tại Huế và bí mật gửi thuốc men cho Mặt trận Giải phóng. Hiện nay những học trò ông vẫn còn hoạt động tại nhiều miền của đất nước.

Kinh nghiệm Việt Nam, theo ông, là không phải của chỉ riêng ông, mà trở thành kinh nghiệm của cả một thế hệ từng đấu tranh cho hòa bình trên toàn thế giới, vào những thập niên 60-70 của thế kỷ trước.

Ông đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm trục xuất năm 1963, sau khi ông và vài người bạn đã đưa ra thế giới những thước phim ghi lại hình ảnh xe tăng đàn áp Phật giáo ở Huế, khởi xướng cho một phong trào phản đối của thế giới, góp phần không nhỏ vào sự sụp đổ của chế độ gia đình trị. Rồi năm 1967, ông lại bị chính quyền Thiệu-Kỳ trục xuất, vì những hoạt động chống chiến tranh ngày càng tích cực trên quy mô quốc tế.

Năm 1977, tức hai năm sau khi chiến tranh chấm dứt, ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời sang thăm Việt Nam. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là tại Huế ông không được phép gặp lại bạn bè cũ của ông! Ông đã ngỡ ngàng trước thực tế khó hiểu này.

Năm 1979, ông đã ghi lại những ấn tượng và suy nghĩ của mình một cách thẳng thắn với tinh thần xây dựng và cởi mở trong tập bút ký “Một chuyến đi Việt Nam”. Đoàn kết đối với ông đã trở thành “Đoàn kết có phê phán” (Kritische Solidaritat).

Cũng trong khoảng thời gian đó, Hội hữu nghị Đức-Việt được thành lập. Đây là một tổ chức tập hợp rộng rãi nhất hầu hết các nhân sĩ cánh tả và trung lập, nhà khoa học, chính trị, các nhân sĩ của giới tôn giáo Tin lành, và Ki tô giáo....và nhiều tổ chức từ thiện lớn của Đức, nhằm ủng hộ Việt Nam trong việc tái thiết đất nước.

Với uy tín lớn của ông là một trong những bác sĩ tâm thần học hàng đầu của Đức, một người am hiểu và có nhiều năm kinh nghiệm sống tại Việt Nam, Erich Wulff đã được bầu làm chủ tịch hội, và ở trong cương vị đó cho đến khoảng 1985, lúc ông về hưu.

Chuyến đi lần này đến Việt Nam đối với ông như một hành trình tìm lại hình ảnh Việt Nam, để gặp những người bạn thân ngày xưa, những người học trò thân thiết, và tìm lại vẻ đẹp đã thu hút ông.

Cuốn sách hồi ký ấn tượng của ông, Những chuyến đi phiêu bạc không định trước (Irrfahrten) được xuất bản năm 1982, là sự đúc kết các chặng đường của ông, trong đó kinh nghiệm Việt Nam có một ý nghĩa quan trọng. Ảnh bìa sách là hình ảnh một con đò với cánh buồm trên nền màu biển xanh biếc của Việt Nam; và cây phượng vĩ thơ mộng, hình tượng của một Huế trong ông ngày nào có lẽ không bao giờ phai nhạt.

Erich Wulff và gia đình đã rất vui trước sự phát triển mới cởi mở hơn của Việt Nam. Hy vọng đây không phải là chuyến đi cuối cùng của ông, dù tuổi ông đã khá cao, ngày 6 tháng 11 năm nay ông sẽ tròn 82 tuổi. 

NGUYỄN XUÂN XANH

Tin cùng chuyên mục