Nhạc sĩ Trần Tiến viết từ ký ức người lính

-PV:
Nhạc sĩ Trần Tiến viết từ ký ức người lính

Tôi chơi thân với hai nhạc sĩ, Trần Tiến và Phú Quang, nhưng hai anh tính cách khác hẳn, thậm chí đối lập. Nhạc sĩ Phú Quang lịch lãm và sang trọng, còn nhạc sĩ Trần Tiến bụi bặm và phóng túng. Viết ra bài hát nào thì nhạc sĩ Phú Quang đều nhớ cả, nhưng một lần tôi ngồi cùng nhạc sĩ Trần Tiến để nhẩm tính xem gia tài của anh đã được bao nhiêu ca khúc thì chính anh cũng chỉ mơ hồ “khoảng chừng 300”. Thế nhưng, nếu chọn một top năm hay top mười ca khúc đậm dấu ấn Trần Tiến thì không thể không nhắc đến “Vết chân tròn trên cát”.

-PV: Thưa nhạc sĩ Trần Tiến, hình như anh nói anh đã viết “Vết chân tròn trên cát” khi đi dọc bãi biển Tiền Hải – Thái Bình?

-NS Trần Tiến: Đúng. Đó là khoảng năm 1981, tôi lang thang ở Tiền Hải và bắt gặp những dấu nạng trên bãi biển. Tôi hỏi, người dân ở đây cho biết đó là dấu chân của một anh thương binh vẫn dạy nhạc cho bọn trẻ trong làng. Tôi xúc động lắm, đi bộ từ bãi biển về nhà trọ thì đã hình thành nên “Vết chân tròn trên cát”.

Nhạc sĩ Trần Tiến viết từ ký ức người lính ảnh 1

- Nghĩa là, anh chưa từng diện kiến người thương binh – nhân vật trong ca khúc?

- Ừ, nhưng những dấu chân ấy cũng ám ảnh tôi suốt đời.

- Một phần tư thế kỷ trôi qua, đã có nhiều ca sĩ hát “Vết chân tròn trên cát”, kể cả Đan Trường quần là áo lụa hát hồn nhiên hay Thái Bảo ôm đàn xa vắng thì tôi vẫn thích Phương Thanh khi mới vào nghề đã hát nghe day dứt lắm. Còn ý anh thế nào?

-Thời “Du ca đồng nội”, tôi và Trần Đức hát “Vết chân tròn trên cát” rất được hoan nghênh.

-Đấy là hồi xưa, bây giờ anh có tuổi rồi, thuốc lá và bia rượu đã làm giọng anh khàn rồi…

-Không đâu, tôi hát vẫn đáng nghe vì tôi hát bằng ký ức một người lính. Tôi có sự đồng cảm mà các ca sĩ trẻ không thể có được.

-Trong miền ký ức của anh…

-Có mất mát và chia lìa của đồng đội tôi, những người không trở về từ cuộc chiến. Thỉnh thoảng trong giấc mơ của tôi vẫn còn nghe tiếng bom nổ và thấy rõ ràng đôi môi người bạn chưa kịp hôn bạn gái đã mãi mãi nằm xuống đất mẹ…

- Đi qua cuộc chiến khốc liệt ấy, âm nhạc của anh ghi dấu ra sao?

-Trước đây tôi có viết lời Việt cho một bản nhạc nước ngoài lấy tên là “Phiên chợ xa”, tôi đã run rẩy về ước mong đoàn tụ “… hãy nói với em, dẫu chiến tranh vời vợi. Người lính xưa sẽ quay về tìm em”.

-Còn sau “Vết chân tròn trên cát”?

-Tôi có bài “Người thích tình ca”.

-À, bài đó có một câu nghe rất khí thế “tuổi trẻ dàn hàng gánh đất nước trên vai” phải không?

-Đúng. “Người bạn của tôi chắc lại ra đi, ồ chuyện bình thường. Bạn bè của ta quen rồi giặc giã… Chuyện trò buồn vui, nhắc đến bạn tôi, anh khuất xa rồi. Tôi nghe trong tôi bài hát anh thường hát, về một người bạn rất yêu tình ca, về một người bạn ra đi vì tình ca…”.

Đang trò chuyện, nhạc sĩ Trần Tiến chợt hát, đối với tôi không bất ngờ lắm vì lâu nay anh vẫn thế. Cách đây mấy năm, Trần Tiến chưa đau ốm, anh vẫn thường đèo tôi đi tìm bạn bè để lai rai. Không chỉ hát ở quán xá, thỉnh thoảng ngồi sau tấm lưng to bè của anh, tôi vẫn được nghe anh hát. Nhạc sĩ Trần Tiến vô tư lắm, lúc nào anh cũng cười đưa cả hàm răng hô ra. Cũng may, anh còn có người vợ đảm đang – cô giáo Trần Thị Bích Ngà vun vén cho mọi nỗi lo cơm áo .

Ca khúc “Vết chân tròn trên cát” không mấy phức tạp, nhưng trong sự giản dị ấy có lời trần tình của một vẻ đẹp không thể nào phủ nhận: “Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi. Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương. Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời. Bài hát có đồng lúa mênh mang câu hò. Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm. Cho hôm nay những gót chân son, vui quanh dấu chân tròn…”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng có một tác phẩm viết về người thầy giáo thương binh, nhưng bài thơ ấy chỉ dừng lại ở sự thương cảm của một người học trò. Ca khúc “Vết chân tròn trên cát” cháy bỏng hơn bởi Trần Tiến gửi vào đấy cả nỗi ưu tư thăm thẳm: “Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi, như bài ca anh viết trong thầm lặng, trên bờ cát không lời, cứ hát mãi trong tôi, đốt mãi trong tôi. Ôi bài ca không lời, hát mãi trong tôi, đốt mãi trong tôi…”. Chính cao trào cuối bài hát đã khuấy động và làm nên một hình ảnh rất riêng “Vết chân tròn trên cát”.

TUY HÒA  

Tin cùng chuyên mục