Tưởng nhớ nhà văn Sơn Nam

Tưởng nhớ nhà văn Sơn Nam

Nhà văn Sơn Nam giã từ nhân gian! Đó là điều nhiều người đã tiên liệu, nhưng không làm sao tránh khỏi tiếc nuối. Bởi lẽ, những trang văn kéo dài suốt tháng năm ông đã sống, góp phần làm cho bạn đọc cả nước thêm hiểu, thêm yêu về miền Nam trù phú. Hơn thế nữa, ông như một pho từ điển sống về tính người, về nết đất không chỉ vùng Sài Gòn – Gia Định mà cả dải đồng bằng sông Cửu Long mênh mông. Hỏi một mái đình cổ kính khu Chợ Lớn, hay hỏi một con kênh bé nhỏ khu tứ giác Long Xuyên, ông đều có thể nói vanh vách như kể chuyện chính cuộc đời ông. Những giây phút ấy, khóe miệng giãn rộng của nhà văn Sơn Nam, ánh mắt lấp lánh của ông, không còn giống một người đang đối đáp nữa, mà thấp thoáng như một người đang hát ngợi ca vẻ đẹp xứ sở mình!

Tưởng nhớ nhà văn Sơn Nam ảnh 1

Nhìn vào văn nghiệp đồ sộ của nhà văn Sơn Nam, nhiều người muốn gọi ông là một nhà nghiên cứu. Thế nhưng, hoàn toàn không phải, Sơn Nam không tầm chương trích cú bao giờ. Cũng là tuồng tích cũ đấy, cũng là dữ liệu xưa đấy, nhưng những gì Sơn Nam viết ra đều đã được chắt lọc qua trái tim ông, qua khối óc ông mà chảy xuống trang văn thành câu chữ trĩu nặng cốt cách Nam bộ, đắm say nhân nghĩa Nam bộ. Từ tác phẩm đầu tay Chuyện xưa tình cũ xuất bản năm 1958 đến Hương rừng Cà Mau hay Lịch sử khẩn hoang miền Nam đều được viết bằng ý niệm ấy. Nếu nói một cách rành mạch thì văn chương Sơn Nam mang dấu vết lịch sử, chứ không phải Sơn Nam viết lịch sử bằng văn chương. Dù là một cuộc khởi nghĩa rạo rực khí thế ở Rạch Giá hoặc một bến đò ngang lặng lẽ phía cuối bãi bờ Năm Căn, thì bước vào văn chương Sơn Nam đều đau đáu thân phận.

Bên cạnh những cuốn sách biên khảo, nhà văn Sơn Nam được công chúng quý trọng ở thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên, có một mảng ít người để ý nhưng mang đậm cá tính Sơn Nam, đó là tiểu thuyết. Có hai tiểu thuyết của Sơn Nam nếu không nhắc đến sẽ thật oan uổng cho bề dày văn học Nam bộ là Chim quyên xuống đất và Bà chúa Hòn. Tiểu thuyết của Sơn Nam không đồ sộ về thước tấc, chỉ chưa tới 300 trang, nhưng chất chứa đầy vui buồn nhân sinh. Đọc tiểu thuyết Sơn Nam mới thấy rằng phẩm giá con người không dễ gì bị vùi dập, bị triệt tiêu bởi nổi chìm lênh đênh. Nhân vật của Sơn Nam thường là những con người lận đận và thua thiệt, nhưng càng bị xô đẩy, càng bị trắc trở thì họ càng tỏa sáng, càng cao thượng. Bởi lẽ, ngay ở sự chịu đựng của mỗi nhân vật trong tác phẩm, nhà văn Sơn Nam đã gửi vào đấy niềm tin bất tận với cuộc sống mến thương này!

Nhà văn Sơn Nam chia biệt chúng ta ở tuổi 82. Cả cuộc đời ông chỉ đi bộ, nhưng có rẻo đất Nam bộ nào thiếu dấu chân ông đâu! Ông lặn lội đến từng xóm thôn hẻo lánh, ông chăm chú vào từng trang sách úa màu, để bạn đọc văn chương dẫu thờ ơ đến mấy cũng thấy thấm thía nỗi niềm cưu mang của phù sa với mỗi cây tràm, cây đước và với mỗi số kiếp con người. Vóc dáng Sơn Nam không chỉ làm nên bằng sự thông tuệ và từng trải, mà có cả sự can đảm thờ ơ với mọi hư vinh và sự quyết liệt theo đuổi sự nghiệp cầm bút. Người thông tuệ có đấy, người từng trải có đấy, nhưng người can đảm và người quyết liệt như Sơn Nam thật hiếm hoi! Bây giờ Sơn Nam không còn nữa, nhưng khuôn mặt khắc khổ mà bao dung của ông, nụ cười móm mém mà độ lượng của ông giúp thế hệ nhà văn kế cận có một điểm tựa lúc ngã lòng.

Sinh thời, nhà văn Sơn Nam luôn cho rằng: “Viết văn để viết văn, để yêu nước, chứ không nhằm mục đích nào khác!” và ông thực hiện triệt để quan niệm ấy. Khi Sơn Nam viết Hình bóng cũ hay khi Sơn Nam viết Vạch một chân trời thì người đọc đều nhận ra tấm lòng một nhà văn thiết tha với thời đại, gắn bó với sông nước, dạt dào với ngày mai. Có khi Sơn Nam rất cơ cực, có khi Sơn Nam rất khốn đốn, nhưng ông không phiền nhiễu ai, không cầu cạnh ai, ông sống bằng lao động cầm bút của mình. 

LÊ THIẾU NHƠN

Thông tin liên quan:

* Nhà văn Sơn Nam đã ra đi

Tin cùng chuyên mục