Vĩnh biệt người thầy Nam bộ

Chú không kịp viết bài báo Xuân Kỷ Sửu cho SGGP 12 Giờ!
Vĩnh biệt người thầy Nam bộ

Tin nhà văn Sơn Nam qua đời được loan đi trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến tôi thấy hẫng hụt ghê gớm. Vậy là một nhà Nam bộ học đã ra đi, mang theo biết bao điều bí mật, mang theo những huyền thoại vùng sông nước Nam bộ.

Vĩnh biệt người thầy Nam bộ ảnh 1

Bạn bè, đồng nghiệp đến viếng nhà văn Sơn Nam.

Sinh thời, ông đã viết hàng chục quyển sách đồ sộ về Nam bộ nhưng tôi biết những gì ông viết ra chỉ là một phần nhỏ những gì ông đã trải nghiệm, đã cọ xát, đau đớn, hạnh phúc, tự hào về vùng đất Nam bộ mà ông đã gắn bó, đã yêu thương, đã đau đáu suốt cuộc đời.

Ngay khi ông phải rời khỏi “Hương rừng Cà Mau”, rời khỏi những hòn, bãi nơi miền cuối đất; những con người, hồn vía đất, rừng ở đây vẫn thấm đẫm, quyện chặt vào ông.

Ông đã mang theo cốt cách của đất rừng phương Nam vào những tòa nhà lộng lẫy cao sang, những dinh thự quyền lực, để rồi lầm lụi đi bộ sâu vào những ngõ hẻm tối tăm, những khu lao động nghèo nàn mà tìm lại chút hương đất phương Nam còn sót lại chốn thị thành.

Vì lẽ đó mà ở Sài Gòn ông có nhà, có vợ con nhưng để gặp ông, không dễ dàng chút nào. Tôi nhớ có lần Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ nhờ ông viết một bài về phụ nữ Nam bộ, tôi đã phải lùng đến nhiều địa chỉ, cuối cùng mới được gặp.

Cho đến giờ, tôi không muốn tin là ông đã vĩnh viễn ra đi. Mới chớp mắt mà đã gần 20 năm. Khi ấy, tôi là cô gái từ tỉnh lẻ về Sài Gòn lập nghiệp. Tình cờ gặp ông trong một quán cóc cùng nhiều văn nghệ sĩ trông rất “hầm hố”, ông nhìn tôi, nét mặt đượm buồn, đăm chiêu. Ông nói: “Đàn bà con gái mà chọn nghiệp văn chương thì chắc mẻm đau khổ, truân chuyên”. Rồi ông ngâm nga: “Đã mang lấy nghiệp vào thân…”.

Tôi thực sự cảm động vì ông chưa bao giờ tỏ ra vẻ bề trên nhìn đứa nhỏ lóc cóc mới vào nghề như tôi. Khi viết “Người đẹp Tây Đô”, ông đã nhiệt tình kể cho tôi nghe chuyện “công tử Bạc Liêu”, về nỗi khổ tá điền mà ông từng chứng kiến, giảng cho tôi nghe về giá trị tiền “bộ lư”, về mấy đồng mua được bao nhiêu giạ lúa. Ông nói: “Cứ vậy mà bây  suy ra giá trị đồng tiền thời đó”. Tôi đã được ông động viên và chia sẻ để xộc vào một câu chuyện quá khứ dường như vượt quá tuổi của tôi. Để viết quyển tiểu thuyết ấy, tôi đọc lại hầu như toàn bộ tác phẩm của ông, để ngấm chất đất và người Nam bộ…

Lặn sâu vào mọi tầng nấc của đời sống đô thị, ông chân tình truyền dẫn cho đám trẻ bắt đầu lập nghiệp bằng văn chương những bài học rút ra từ xương máu đời ông. Những bài học rất giản dị, được đúc kết bằng những câu chuyện kể rất duyên, rất riêng chỉ có nhà văn Sơn Nam mới có được.

Một lần gặp ông ở quán cóc, ông hào hứng kể chuyện đi thực tế: “Bây đừng tưởng mấy đứa nhỏ làm nghề bia ôm mà không đàng hoàng. Không hiểu sao già chát như tôi mà con nhỏ bia ôm đẹp nhất quán lại kết. Hỏi ra, cô ấy nói ngưỡng mộ tôi vì đã đọc Hương rừng Cà Mau. Cô nhỏ đó cũng có học hành hẳn hoi, chẳng qua vì gia cảnh khó khăn, vì mưu sinh mà phải làm nghề bia ôm. Không giấu gì bây, nhưng tôi vô đó là để tìm thực tế. Tôi đã nhận đơn đặt hàng chỗ Trần Tử Văn - Báo Công An. Tôi biết đó là cách để người ta ứng tiền giúp mình. Nhưng đã cầm tiền thì phải làm việc cho đàng hoàng. Cuối buổi, tôi hỏi cô gái: “Nhà em có mấy người”. Cổ nói: “Nhà em có 11 người, ba má, chín anh chị em”. Vậy là tôi mua cho cổ 11 cái bánh bao, mà bánh bao có nhưn đàng hoàng à nghen. Mình tử tế với cổ, cũng phải tử tế với ba má, anh chị em của cổ chớ!”. Lúc đó, tôi cười rũ vì cách kể chuyện thực tế đi bia ôm của ông. Sau này ngẫm lại, tôi mới thấm thía cách ứng xử rất “Sơn Nam” không lẫn vào đâu của ông.

Với tôi, ông vừa thực, vừa hết sức huyền bí. Sau này, công cuộc đổi mới của nhà nước giúp văn nghệ sĩ có được cuộc sống khá hơn. Nhiều đêm mưa gió đầy trời, trong thư phòng ấm áp, ngồi gõ bài trên laptop, tôi không khỏi chạnh lòng sực nhớ không biết bây giờ nhà văn Sơn Nam đang sống ở đâu. Nhiều việc cần liên hệ nhưng giở quyển kỷ yếu Hội Nhà văn TPHCM, nhà văn Sơn Nam không hề ghi chỗ ở. Chỗ ở của ông là TPHCM, có trời mới biết ông ở đâu, trong một quán cóc, trong một đám cúng đình, trong một căn phòng trọ ở xóm lao động nghèo?... Ở Sài Gòn, đâu cũng là nhà của ông.

Có một lần nhà văn Lê Thành Chơn khẩn thiết được gặp, ông hẹn ở quán cà phê tại Nhà truyền thống Gò Vấp. Sáng hôm ấy ông không ăn gì, chỉ uống cà phê. Tôi không hiểu ông giữ tư liệu ở đâu mà nói vanh vách về Cao Đài Minh Chơn Đạo… Hình như ông có cách giữ những quyển sách quý trong những thư viện lưu động, khắp chốn, khắp nơi, khi cần là ông có cách lấy nó ra.

Mỗi lần gặp, tôi tự hỏi ông ăn gì để sống, ông viết bằng cách nào? Sống lang thang như ông làm sao mà có được những tác phẩm đồ sộ như ông đã tặng cho cuộc đời. Rượu, cà phê, thuốc lá, thức “cầm canh” với nỗi cô đơn mà sống được 82 tuổi như ông cũng là điều kỳ lạ với y học. Vì thế mà nghe tin ông mất vì đột quỵ, làm sao những học trò của ông không khỏi chạnh lòng….

TRẦM HƯƠNG

Vĩnh biệt người thầy Nam bộ ảnh 2

Trên giường bệnh nhà văn Sơn Nam đọc báo SGGP 12 Giờ số đầu tiên (ra ngày 12-9-2006).

Tin cùng chuyên mục