“Đạo nhạc”- Cách tự đào thải mình

Không thể phủ nhận những thành tựu đóng góp của đội ngũ nhạc sĩ trẻ hiện nay đối với nền âm nhạc nước nhà. Họ có kiến thức, năng động, luôn hăm hở đi tìm những cái mới và được hòa mình trong dòng chảy cuồn cuộn của âm nhạc đương đại. Song, chính họ cũng phải trả giá đắt nếu dễ dãi với lao động nghệ thuật, bị lóa mắt vì sự lấp lánh giả tạo và “đạo nhạc” là một trong những cám dỗ ngọt ngào mà không phải nhạc sĩ trẻ nào cũng có thể vượt qua.

Công chúng am hiểu hơn về âm nhạc

Theo nhạc sĩ An Thuyên, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chính việc dư luận phát hiện và quan tâm tới các vụ đạo nhạc là tín hiệu đáng mừng vì người dân đã nghe nhiều và am hiểu âm nhạc nhiều hơn. Vì thế chính họ đã phát hiện ra sự giống nhau giữa tác phẩm này với tác phẩm khác.

Ông nhớ lại, chỉ vài năm trước đây, những người tâm huyết hết sức lo lắng bởi nền âm nhạc lúc bây giờ chỉ tồn tại hai dòng là âm nhạc chính thống (nhạc bác học) và dòng nhạc thị trường có tiếp thu những cái mới của âm nhạc nước ngoài, nhưng cũng có cả những “rác thải” của âm nhạc thế giới, được du nhập vào nhạc Việt.

Song giờ đây, đời sống âm nhạc đang manh nha xuất hiện dòng nhạc thứ 3 là sự đan xen, tổng hợp thế mạnh của hai dòng nhạc trên, vừa chăm chút về nghệ thuật, vừa thu hút được công chúng. Điều đó chứng tỏ công chúng yêu nhạc đã không còn chấp nhận nghe nhạc xô bồ, họ đã thưởng thức âm nhạc bình tĩnh hơn.

Song nhạc sĩ An Thuyên cũng khẳng định, âm nhạc không chỉ đơn thuần là nốt nhạc vì bản nhạc nào cũng vậy, chỉ là sự biến hóa từ 7 nốt Đồ, Rê, Mi, Pha, Son, La, Si. Nhạc không lời, nhạc giao hưởng là triết học, là tư tưởng, do đó nốt nhạc hay những cái liên quan tới âm nhạc chỉ là công cụ, là điều kiện để tạo thành tác phẩm đó mà thôi. Do đó, không thể chỉ đem nốt nhạc ra để so sánh và kết luận về đạo nhạc.

Cái quan trọng để đánh giá tác phẩm không phải là nốt mà là việc sử dụng, là nội hàm, là hơi thở của tác phẩm, hay nói một cách hình ảnh hơn, chính là cái thần toát lên từ bản nhạc đó. Cũng là những nốt nhạc đó xếp cạnh nhau nhưng hát nhẹ ra chất khác, hát nhấn nhá lại khác, căn cứ bản nhạc trên giấy khác, khi nghe tổng thể lại khác hơn.

Với ca khúc thì còn phải xét thêm yếu tố về ca từ… Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào việc hai bài hát có 12 nốt nhạc liên tục giống nhau mà kết luận là đạo nhạc thì không đúng. Việc xác định chính xác tác phẩm nào đạo nhạc là khó khăn song không phải là không làm được.

Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, thì chỉ cần bỏ thời gian thu thập đầy đủ tài liệu trên giấy (nốt nhạc, lời hát), trên băng, đĩa (âm thanh), cấu trúc, tinh thần của bản nhạc… thì có thể xác định tương đối chuẩn xác là có hiện tượng sao chép hay không.

Nhạc sĩ trẻ đừng dễ dãi trong lao động nghệ thuật...

Nếu trong kinh tế người ta thường ví thương trường như chiến trường, thì trong văn hóa nghệ thuật tại thời điểm này, thị trường âm nhạc cũng là một chiến trường. Đó là sự tranh chấp, chiến đấu giữa cái thật, cái giả, nhạc sĩ An Thuyên khẳng định.

Bên cạnh những sáng tạo đích thực thì vẫn tồn tại những tác phẩm được gia công, được sao chép, làm nhái, cóp nhặt; người nhạc sĩ không đưa được dấu ấn sáng tạo nghệ thuật riêng vào trong tác phẩm của mình.

Bởi vì đó là sự lao động nhẹ nhàng nhất, cám dỗ nhất, bởi những vinh hoa, vật chất mà không phải tác giả nào cũng có thể vượt qua được. Hơn lúc nào hết, thời điểm này, nhạc sĩ trẻ cần phải có sự bình tĩnh cần thiết để hiểu được đâu là giá trị đích thực của quá trình lao động nghệ thuật.

Thực tế, một số nhạc sĩ đã lấy phần nhạc được mặc định đựng sẵn trong một hộp riêng, gọi là music box, nghiễm nhiên đưa vào làm phần dạo đầu bản thu của mình.

Nhạc sĩ An Thuyên cho rằng trong thời đại công nghệ tiên tiến, người sáng tác có điều kiện tiếp cận với âm nhạc thế giới nhanh hơn, dễ dàng hơn, được hưởng thụ nhiều lợi ích từ khoa học kỹ thuật mang lại bao nhiêu thì họ cũng đồng thời phải đối mặt với nhiều cám dỗ bấy nhiêu.

Chính sự thiếu nền tảng văn hóa, thiếu lăn lộn, trải nghiệm thực tế là những yếu tố khiến người sáng tác hay sa vào những lối mòn tư duy, dẫn đến việc cho ra đời những sản phẩm na ná nhau.

Theo nhạc sĩ An Thuyên, cái đáng trọng nhất của người làm nghệ thuật là danh tiếng. Nếu nhạc sĩ trẻ tự cho phép mình dễ dãi bằng việc cóp nhặt của người khác thì đó cũng là cách tự đào thải mình. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục