“Báu vật sống” của nhã nhạc cung đình

“Báu vật sống” của nhã nhạc cung đình

Nặng lòng với lời dạy “dựng cái tiếng thì khó nhưng phá nó thì dễ”, gần 40 năm qua với biết bao thăng trầm, nghệ nhân Trương Hữu Hòa (phường Phú Hậu, TP Huế) vẫn miệt mài đẽo đục khúc gỗ tạo ra những cây đàn cổ như một sự hàm ơn. Những cây đàn do ông tạo ra đã và đang cùng những người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước sử dụng và bảo tồn như một phần giá trị nhân bản của Nhã nhạc cung đình Huế.

  • Cha truyền con nối
“Báu vật sống” của nhã nhạc cung đình ảnh 1
Nghệ nhân Trương Hữu Hòa và những sản phẩm tâm huyết của mình

Theo chân những người tham gia dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc cung đình Việt Nam”, chúng tôi có dịp mục sở thị xưởng chế tác đàn cổ Tân Văn nằm bên dòng sông Như Ý- đoạn chân cầu Vĩ Dạ, TP Huế.

Khác với suy nghĩ ban đầu, nghệ nhân Trương Hữu Hòa vừa là chủ cơ sở vừa là người trực tiếp chế tác ra bao cây đàn cổ nổi tiếng.

Sinh ra trong một gia đình nổi tiếng với nghề làm đàn cổ ở Huế, ngay từ nhỏ, Hòa đã được ông nội và người cha truyền thụ kiến thức về âm nhạc và những kỹ thuật chế tác từng cây đàn.

Đến năm 20 tuổi, Hòa không những tự chế tác hay chỉnh sửa, phục chế hàng trăm cây đàn cổ như tì bà, nhị, tam, nguyệt… mang phong cách riêng mà còn được cả dòng họ giao trọng trách tiếp tục bảo tồn, phát huy “thương hiệu” xưởng đàn gia truyền.

Nghệ nhân Hòa nhớ lại: “Cách đây 100 năm, nhờ chế tác những cây đàn cổ cho đội Đại nhạc và Tiểu nhạc thuộc hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế mà ông nội tôi được giới làm đàn cổ  trong Nam lẫn ngoài Bắc đặt cho danh hiệu “Chiêm Huế” tức Trương Hữu Chiêm - người làm nhạc cụ cổ tinh xảo nhất kinh thành Huế… Thời gian, đội nhạc công Nhã nhạc cuối cùng triều Nguyễn giải thể, người chơi nhạc cổ theo đó thưa dần. Sống chết với nghề, cha tôi được ông nội truyền nghề chế tác đàn cổ gia truyền và đàn guitar. Đến năm 1988, cha tôi quyết định truyền hết nghề lại cho tôi”.

  • Giá của sự đam mê 

Năm nay, nghệ nhân Trương Hữu Hòa vừa tròn 41 tuổi, cũng có thể nói chừng ấy tuổi nghề với biết bao kỷ niệm vui buồn khi chế tác những cây đàn cổ song hành cùng bước chân những nhạc công cuối cùng triều Nguyễn đi giao lưu, giới thiệu Nhã nhạc cung đình Huế với bạn bè quốc tế. Và, một kỷ niệm trở thành động lực giúp nghệ nhân Hòa tiến dài trên bước đường hoàn thiện, bảo tồn giá trị nhân bản của nghề làm đàn gia truyền.

Đó là, “năm 1995, qua giới thiệu của những người yêu nghệ thuật tại Huế, một nghệ nhân chơi đàn cổ người Pháp tìm gặp tôi với mục đích đặt làm cây đàn tì bà cổ. Ngạc nhiên khi thấy mình quá trẻ, ông ta e ngại… Ngay lập tức, tôi quả quyết rằng không chế tác được cây đàn theo ý ông, tự tay tôi phá xưởng - nghệ nhân Hòa kể thêm - Quả quyết là vậy nhưng thực sự từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ tôi thấy một cây đàn quá cổ như vị khách người Pháp mô phỏng”.

Hai tháng trời, cây đàn cổ cũng được làm ra. Thùng và cần cây đàn phải được làm liền nhau như hình quả lê bổ đôi nhưng phải nhẹ và xốp nên chỉ có thân cây ngô đồng dài 1m mới đáp ứng. Đặc biệt, muốn âm thanh vang vọng thì dây đàn phải làm bằng tơ tằm đem vuốt sáp ong cho mịn…

Đánh giá về tài nghệ chế tác đàn cổ của nghệ nhân Trương Hữu Hòa, nghệ nhân Trần Kích - “báu vật sống” của Nhã nhạc cung đình Huế vừa được Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam trao tước hiệu Hiệp sĩ Văn hóa và Nghệ thuật Pháp, cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhã nhạc Phú Xuân (Huế) - cho biết: 70 năm gắn bó với tất cả nhạc cụ Đại nhạc và Tiểu nhạc thuộc hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế nhưng tôi chưa thấy một ai chế tác những cây đàn cổ có âm vang phù hợp với Nhã nhạc Việt Nam như những cây đàn do nghệ nhân Hòa làm ra.

Vì vậy, trong tiến trình bảo tồn, phát huy di sản Nhã nhạc cung đình Huế, các đơn vị quản lý cần phải vạch ra được hướng đi để những nghệ nhân làm đàn cổ như nghệ nhân Hòa tích cực tham gia vào quá trình bảo tồn. Có như thế Nhã nhạc Việt Nam mới  thực sự tồn tại với giá trị nhân bản.

Vũ Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục