Nam bộ kháng chiến: Hào khí Nam bộ, hùng khí Việt Nam

Nam bộ kháng chiến: Hào khí Nam bộ, hùng khí Việt Nam

Đoạn cuối bản hùng văn “Tuyên ngôn độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945, vang rền: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Nam bộ kháng chiến: Hào khí Nam bộ, hùng khí Việt Nam ảnh 1

Nam Bộ kháng chiến, tranh sơn dầu của Cổ Tấn Hùng.

Chỉ 4 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, theo gót phái bộ quân sự Anh, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ở miền Bắc, quân Tưởng kéo vào Hà Nội, núp sau là lực lượng phản động “diệt cộng, cầm Hồ”. Vận mệnh đất nước đứng trước nguy cơ “ngàn cân treo sợi tóc”.

Với tinh thần yêu nước quật cường, nhân dân cả nước đã sẵn sàng đứng lên bảo vệ quyền tự do, độc lập. Nhân dân Sài Gòn - Gia Định, nhân dân Nam bộ thành đồng đã vùng lên “đi trước về sau” trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Ngày 23-9-1945 là ngày Nam bộ kháng chiến, mở đầu cho cuộc toàn quốc kháng chiến oanh liệt.

“Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến
Rền khắp trời, lời hoan hô, quân dân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền
Thuốc súng kém, chân đi không mà lòng người giàu lòng vì nước
Nóp với giáo, mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng
Cờ thắm tung bay ngang trời, sao vàng xao xuyến khắp nơi bưng biền, một lòng nguyện với tổ tiên”…
“Ta đem thân ta liều cho nước
Ta đem thân ta đền ơn trước
Muôn thu sau lưu tiếng anh hào
Người dân Việt lắm chí cao”…


…Đó là hùng khí của bài hát “Nam bộ kháng chiến”, là hào khí yêu nước của nhân dân Nam bộ, của dân tộc Việt Nam. Bài hát do nhà giáo Tạ Thanh Sơn sáng tác trong khí thế nhân dân Sài Gòn, nhân dân Nam bộ đứng lên bảo vệ quyền tự do, độc lập của dân tộc.

Hiện thực cách mạng Việt Nam có những điều độc đáo và văn hóa nghệ thuật Việt Nam cũng có những điều kỳ thú. Sau 2-9-1945, nhân dân Nam bộ và Sài Gòn - Gia Định hầu như không được hưởng quyền tự do, độc lập đã phải đứng lên tiếp tục chiến đấu.

Nhà giáo Tạ Thanh Sơn với một bài hát “Nam bộ kháng chiến” để đời, đã trở thành nhạc sĩ nhớ đời. Là một công dân Việt Nam yêu nước, ông lẫn vào phong trào cách mạng, lẫn vào khối đoàn kết toàn dân chống giặc ngoại xâm.

Tạ Thanh Sơn là nhà giáo, một trí thức, quê ở Trà Ôn Vĩnh Long, học ở Cần Thơ cùng với Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm… Lên Sài Gòn sinh sống, sau 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền Phong Nam bộ, giành chính quyền cách mạng và tham gia kháng chiến. Sau đó ông tích cực tham gia “Nghiệp đoàn quốc học”, “Hội giáo chức Sài Gòn”… Chính Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm phát hiện ra bài hát nổi tiếng “ Nam bộ kháng chiến” là sáng tác của Tạ Thanh Sơn.

Mấy năm trước đây, trong dịp kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến 23-9, Tòa soạn Báo SGGP có tiếp người đàn bà và một bé gái. Hai mẹ con nói là người nhà của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, từ dưới quê lên, nhờ tòa soạn cho xin bản nhạc, di ảnh và những bài báo viết về nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn để mang về thờ. Câu chuyện cảm động ấy khiến chúng tôi nhớ mãi.

Đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mất mát quá nhiều. Hôm nay chúng ta sống vì có quá khứ oai hùng của cha ông. Trong nỗi nhớ đó, chúng ta nhớ bài hát “Nam bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn.

Thực ra, bài hát “Nam bộ kháng chiến” có 2 lời ca, nhưng phổ biến chỉ có một. Hùng tráng, chân thật, dung dị, mộc mạc, bài hát “Nam bộ kháng chiến” khiến ta nhớ bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu:

“Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bao ngòi
Trong tay dùng một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỗ
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia
Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ
Chi nhọc quan quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không
Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”…


Sự nối tiếp giữa “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu và “Nam bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn là hùng khí của lòng yêu nước Việt Nam, là hào khí yêu nước Nam bộ. Từ 1994, TPHCM đã có ý tưởng xây dựng tượng đài kỷ niệm “Nam bộ kháng chiến”, thiết nghĩ chúng ta nên kết hợp lịch sử với những tác phẩm văn hóa giá trị này để tạo nên một “Dáng đứng Việt Nam”. 

SA NAM

Tin cùng chuyên mục