Gặp gỡ đầu năm với đạo diễn Đỗ Thanh Hải

Không đặt mục đích làm phim ngắn tập

ảnh
Không đặt mục đích làm phim ngắn tập

Nhắc đến phim của Trung tâm sản xuất phim Đài truyền hình Việt Nam (VFC), khán giả nhớ ngay đến những bộ phim gây được chú ý tốt trong thời gian qua như Chạy án, Ma làng, Gió làng Kình… Trong những ngày đầu năm mới 2009, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi cởi mở với đạo diễn Đỗ Thanh Hải (ảnh) – Quyền Giám đốc VFC, về những dự án làm phim cho năm 2009 và chút tâm tư của anh trong cương vị mới.

- Kế hoạch sản xuất của VFC trong năm 2009 có gì mới không, thưa anh?

Không đặt mục đích làm phim ngắn tập ảnh 1
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải

VFC là một đơn vị chủ chốt sản xuất phim cho VTV, chúng tôi vẫn đảm nhận dòng phim chính luận để  phát sóng trên VTV1. Từ năm 2008, chúng tôi đã hợp tác làm phim với một đơn vị tư nhân theo mô hình xã hội hóa và bộ phim Những người độc thân vui vẻ là kết quả của sự hợp tác này.

Sang năm 2009, chúng tôi hợp tác với Công ty Thiên Ngân và cho ra đời chương trình Văn nghệ cuối tuần với thời lượng 65 phút/chương trình, phát sóng vào chiều thứ bảy và chiều chủ nhật hàng tuần trên VTV3.

Sẽ có nhiều chuyên mục giải trí trong chương trình này,  chủ yếu mang tính dí dỏm, vui vẻ cho phù hợp với những ngày cuối tuần. Phim phát sóng trong chương trình cũng đi vào vấn đề tâm lý xã hội và chú ý đến yếu tố giải trí nhẹ nhàng. Tính trung bình, một năm chúng tôi có 200 giờ phát sóng trên VTV1 và 5 buổi/tuần trên VTV3.

- Thời gian gần đây, VFC bắt đầu tập trung nhiều cho phim dài tập?

Chúng tôi không đặt mục đích làm phim ngắn tập, trừ khi có kịch bản tốt, đạo diễn có phương án sản xuất tốt và thấy được đó là một phương án khả thi. Đó phải là một phim nghệ thuật, nếu không chí ít thì cũng phải là bộ phim hấp dẫn công chúng, đạt được tính giải trí, lúc đó chúng tôi sẽ đầu tư. Chúng tôi không chạy theo việc làm phim để có phim phát sóng.

Mô hình làm phim truyền hình dài tập được chúng tôi chú trọng và triển khai đồng bộ trong năm 2009 này. Trước đó, vì có Giờ Vàng cho phim Việt (20g trên VTV1 và 21g trên VTV3), nên chủ yếu chỉ lấy những phim có sẵn để phát sóng. Nhưng năm nay, chúng tôi sẽ căn chỉnh và định hướng cho phù hợp với tên gọi của chương trình.

Phim trên VTV1 tới đây sẽ là Ngõ lỗ thủng (19 tập, đạo diễn Quốc Trọng), được chuyển thể từ tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh. Đi qua bóng tối (20 tập, đạo diễn Vũ Minh Trí). Trên VTV3 vẫn là dòng phim sitcom: Những người độc thân vui vẻ. Còn trong chương trình Văn nghệ cuối tuần sẽ phát sóng các bộ phim: Người đàn bà thứ hai (24 tập, đạo diễn Vũ Hồng Sơn), Vũ điệu xì tin (34 tập, đạo diễn Vũ Trường Khoa) và sau tết chúng tôi cho bấm máy bộ phim Truy đuổi (36 tập, đạo diễn Lưu Trọng Ninh)…

- Khối lượng giờ phát sóng là không nhỏ, vậy nguồn kịch bản và nhân lực của VFC liệu có đảm đương nổi?

Kịch bản bao giờ cũng là vấn đề phải lo lắng. Để có kịch bản làm phim phát sóng rất dễ dàng và chúng tôi có thể lo được. Nhưng việc có kịch bản có chất lượng lại là vấn đề rất khó khăn, nhất là với phim dài tập. VFC phải đặt hàng các nhà văn viết kịch bản hoặc mua bản quyền các tiểu thuyết rồi chuyển thể. Chúng tôi có một đội ngũ nhà văn “ruột” của mình như Trung Trung Đỉnh, Như Phong… đã cộng tác với VFC từ nhiều năm nay. Hiện VFC có 15 đạo diễn, một nửa số đó là đạo diễn trẻ. Với khối lượng công việc và nhân lực như thế, đó cũng là vấn đề chúng tôi phải lo lắng.

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, chúng tôi bố trí để các đạo diễn trẻ cùng làm việc với các đạo diễn lớn tuổi để họ có thêm kinh nghiệm thực tế và cách làm này cũng đạt được hiệu quả tốt; như thời gian qua có Ma làng (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Hoàng Lâm), Gió làng Kình (Nguyễn Hữu Phần và Thọ Thịnh). Ngoài ra, chúng tôi cũng mời một số đạo diễn các nơi khác về làm phim.

- Đang là đạo diễn được xem là rất “sung sức”, nay chuyển sang công tác quản lý, anh thấy có khó khăn gì không và cảm nghĩ của anh sau một tháng đảm nhiệm vai trò Quyền Giám đốc VFC?

Một tháng qua, tôi bị công việc chuyên môn kéo đi (làm phim và các chương trình tết), nên cũng chưa thấy có gì khó khăn trong vai trò mới. Vốn “xuất thân” từ sản xuất nên tôi cũng có chút ưu tiên cho bộ phận sản xuất, nhưng tới đây phải điều chỉnh để mọi bộ phận đều có sự quan tâm như nhau.

Trước đó tôi đã làm phim cũng quen với việc tổ chức công việc. Tuy nhiên, dù chỉ mới có một tháng, nhưng tôi có một cảm nhận rất rõ đó là đôi khi thấy mình rất cô đơn. Làm phim là môi trường gắn kết tập thể với cả một ê kíp, nhưng trong việc quản lý không phải việc gì mình cũng chia sẻ được. Có những việc mình phải tự đối mặt và tự mình đưa ra quyết định. Cảm giác cô đơn là vậy.

- Ở cương vị mới, liệu anh còn có thời gian để làm phim?

Nếu việc quản lý nhanh chóng vận hành tốt, chắc chắn tôi sẽ làm phim, nhưng không làm được phim dài tập.

Như Hoa

Tin cùng chuyên mục