Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nước ta chưa văn chương hóa được lịch sử

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã hoàn thành bộ tiểu thuyết đồ sộ (4 tập, chưa in), khoảng hơn 3.000 trang về triều nhà Lý (Lý Bát Đế). Như vậy, sau bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về triều đại nhà Trần, Hoàng Quốc Hải (ảnh) gần như là nhà văn đầu tiên của nước ta đã viết hai bộ tiểu thuyết về nhà Lý, nhà Trần, với khoảng thời gian lịch sử tới 400 năm...
Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Nước ta chưa văn chương hóa được lịch sử

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã hoàn thành bộ tiểu thuyết đồ sộ (4 tập, chưa in), khoảng hơn 3.000 trang về triều nhà Lý (Lý Bát Đế). Như vậy, sau bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ về triều đại nhà Trần, Hoàng Quốc Hải (ảnh) gần như là nhà văn đầu tiên của nước ta đã viết hai bộ tiểu thuyết về nhà Lý, nhà Trần, với khoảng thời gian lịch sử tới 400 năm...

Nhà văn cho rằng, các quốc gia như Nga, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc... được nhiều nước, nhiều người trên thế giới biết khá kỹ bởi họ đã văn chương hóa được lịch sử của dân tộc mình. Ví dụ, Trung Quốc có các bộ tiểu thuyết như: Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử... Chúng ta thì sao! Dân tộc ta từ khi dựng nước đến nay trải bao cuộc chiến tranh chống ngoại xâm lừng lẫy. Có thể nói, từng địa danh, từng tấc đất của tổ quốc đều thấm đẫm lịch sử và máu; và ông cha xưa đã vô cùng nhọc nhằn để giữ từng mét đất. Thế nhưng, giới văn chương nước nhà từ xưa tới nay chưa văn chương hóa lịch sử. Những trang lịch sử vốn khá khách quan và khô khan, nhưng nếu như được văn chương hóa bởi các tài năng văn học, sẽ trở thành những tác phẩm phục vụ cho việc phổ cập hóa lịch sử khá thuận lợi. Và nếu như tác phẩm hay, nó sẽ sống lâu bền cùng thời gian.

Nhóm Ngô Gia Văn Phái viết Hoàng Lê nhất thống chí, phản ánh một giai đoạn lịch sử đầy những biến động, biến cố, với khoảng thời gian 38 năm, trải từ thời Lê mạt sang Nguyễn (Quang Trung) tới Nguyễn (Gia Long). Hoàng Lê nhất thống chí chưa thể là tiểu thuyết mặc dù ngồn ngộn tư liệu lịch sử, mà gọi chính xác có lẽ là ký sự lịch sử, nhưng đóng góp của tác phẩm này là vô cùng lớn.

Văn chương hóa lịch sử. Đúng quá. Nhưng vì sao người nước Nam ta xưa nay chưa làm hay không làm. Thưa nhà văn?

Mấy trăm năm trước nhóm Ngô Gia Văn Phái không phải không có tài, mà theo tôi các cụ ta xưa đã bị hẫng hụt về tư liệu lịch sử, bởi thế kỷ 15 giặc Minh sang xâm lược đã tàn phá, hủy hoại tất cả những gì thuộc về văn hóa, lịch sử của dân tộc ta, chúng muốn đồng hóa và thôn tính chúng ta. Những người lỗi lạc như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Gia Thiều, Lê Quý Đôn... tư liệu lịch sử cũng bỏ ngỏ nhiều vấn đề.

Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, đã có một số tác giả quan tâm đến lịch sử, viết về lịch sử như cụ Phan Bội Châu viết Trùng Quang tâm sử; Nguyễn Huy Tưởng viết Lá cờ thêu 6 chữ vàng, An Tư công chúa; Chu Thiên với Bóng nước hồ Gươm; Hà Ân với Người Thăng Long; Nguyễn Triệu Luật Bà Chúa Chè, Cánh buồm thoát tục; Hoàng Yến với Câu thơ yên ngựa; Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly... Có thể nói, hơn 200 năm nay những tác giả viết tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Mỗi tác giả có cách tiếp cận và khai thác lịch sử khác nhau. Thực chất nhiều người rất muốn viết tiểu thuyết lịch sử, muốn dựng lại lịch sử thông qua văn chương, nhưng đi vào công việc này rất khó khăn, phần đòi hỏi tư liệu, vốn sống, vốn kiến thức và hơn hết là cần sự bền bỉ, hy sinh thầm lặng...

Ông đã bỏ ra 30 năm ròng rã để viết nên hai bộ tiểu thuyết lịch sử. Bộ tiểu thuyết về triều đại nhà Trần được công chúng, giới văn nghệ hoan nghênh, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội thảo về tác phẩm này. Để làm nên thành công của một tác phẩm văn chương khai thác đề tài lịch sử, hẳn là...?

Đã theo nghiệp văn chương thì bất cứ thể tài nào cũng khó khăn cả. Tôi nghĩ người viết, nhất là viết về lịch sử, thì điều quan trọng nhất là phải toàn tâm toàn ý, khách quan, công tâm với lịch sử. Viết về lịch sử đòi hỏi nhiều thứ, chẳng hạn anh phải am hiểu về văn hóa của thời đại mà mình viết, thời đại mình đang sống. Ví dụ, viết về thời đại Lý, Trần phải hiểu rõ thời đại đó tồn tại 3 thứ đạo là: Phật, Nho, Lão và 3 đạo ấy lại cùng phát triển trên cơ sở “tam giáo đồng nguyên”. Đó là chỗ linh diệu, cao siêu của các nhà trị quốc nhằm dung hòa như thế nào để 3 thứ đạo ấy đều phục vụ cho con người, cho dân tộc Việt. Định hướng xã hội thời đó là: Xã hội Nho, Tâm linh Phật, Thiên nhiên Đạo (Lão) đã tạo nên một chỉnh thể ý thức hệ dân tộc Việt.

Người viết về tiểu thuyết lịch sử cũng cần phải có kiến thức và nắm bắt được tương quan lịch sử của dân tộc mình và các dân tộc khác; nếu không sẽ sa vào kỳ thị dân tộc, chỉ biết ta, đề cao ta...

Giải mã được lịch sử, tôi nghĩ đó là thiên chức của các nhà văn viết về lịch sử. Muốn giải mã được lịch sử thì phải đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, gạn lọc trong trùng điệp biết bao vỉa quặng của lịch sử, để rồi ngõ hầu rũ lớp bụi thời gian mà có thể đưa phát lộ nó ra, có thể làm thay đổi quan niệm... Điều này không đơn giản, mà đòi hỏi trí lực, nhãn tuệ của người viết đến đâu, như thế nào...

Viết những truyện xưa để thổi hồn thiêng sông núi và nâng tầm khí phách dân tộc cho hôm nay, đó mới là người đọc cần. Do vậy, bất cứ sự xuyên tạc hay bóp méo lịch sử vì mục đích này nọ, thông qua sự hư cấu của văn chương đều là có tội với tổ tiên.

Chỉ khi nào nền văn học văn chương hóa được lịch sử thì người dân của dân tộc đó mới thấu hiểu được nhiều hơn về lịch sử, mới thấm được nhiều hơn khí phách dân tộc...

CAO MINH thực hiện

Tin cùng chuyên mục