Xây dựng khu phố văn hóa: Cần sự chung sức của toàn xã hội

Vừa qua, 22 quận huyện đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa (1999-2009), khen thưởng các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong quá trình hoạt động xây dựng hiệu quả các khu phố văn hóa (KPVH) ở các địa phương, góp phần bài trừ tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vật chất cho nhân dân ở các khu dân cư. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì xung quanh các KPVH vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại…
Xây dựng khu phố văn hóa: Cần sự chung sức của toàn xã hội

Vừa qua, 22 quận huyện đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa (1999-2009), khen thưởng các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong quá trình hoạt động xây dựng hiệu quả các khu phố văn hóa (KPVH) ở các địa phương, góp phần bài trừ tệ nạn xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vật chất cho nhân dân ở các khu dân cư. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được thì xung quanh các KPVH vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại…

  • 10 năm: Nỗ lực và tồn tại

Hiện nay TPHCM có gần 2.000 khu phố, ấp, trong đó có hơn 700 khu dân cư (KDC) đã được công nhận đạt chuẩn KPVH, Ấp văn hóa. Đó là kết quả mới nhất, ghi nhận sự nỗ lực của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” các quận, huyện trong 10 năm qua.

Trên hết, đây là công sức và tâm huyết các cô chú lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí trong Ban vận động và Chi bộ các khu phố, những người trực tiếp tham gia hoạt động nhiệt tình, luôn mong muốn góp sức, cống hiến, để dần nâng cao đời sống tinh thần của bà con các khu dân cư. Chính uy tín, sự nhiệt tình sự quan tâm sâu sát của chi bộ các khu phố và hoạt động tích cực của các cán bộ lão thành cách mạng trong nhiều năm liền đã góp phần nâng dần chất lượng đời sống người dân, tình hình an ninh trật tự ổn định hơn.

Với các KPVH, phải mất 3 năm liên tục phấn đấu mới được cấp bằng đạt danh hiệu KPVH, đó là cả một quá trình tích cực tham gia, vận động, hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, xây nhà tình thương, bài trừ tệ nạn xã hội, xóa mù chữ, giảm hộ đói nghèo… với sự hưởng ứng của nhiều ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, các chợ, trường học. Đặc biệt, thời gian gần đây, ban vận động các địa phương đã kéo được một số cán bộ đương chức tham gia vào Ban vận động.

Hàng quán bày bán choán lối đi tại một khu phố văn hóa trên đường Cống Quỳnh, quận 1. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Hàng quán bày bán choán lối đi tại một khu phố văn hóa trên đường Cống Quỳnh, quận 1. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tuy nhiên, nhiều nơi đã được công nhận đạt chuẩn nhưng thực tế đang diễn ra còn nhiều vấn đề rất đáng lo ngại. Dễ thấy nhất là cảnh buôn bán lấn chiếm lề đường, lòng đường, mặt tiền các con hẻm – nơi thường trưng bảng hiệu tuyên truyền, giới thiệu trang trọng “Khu phố văn hóa…”, “Nhân dân khu phố… quyết tâm giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa”, “Khu phố… - tích cực thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…

Ở nhiều khu phố tại quận 3, 4, 5, 10, 11 và Gò Vấp... trước tiên đập vào mắt mọi người là hình ảnh các hàng quán mua bán, ăn uống xô bồ, chưa kể bên trên là bảng hiệu KPVH thì phía dưới là chợ “chồm hổm”, tấp nập kẻ mua người bán, vệ sinh môi trường nhếch nhác. Chuyện rác thải hiện là vấn đề nan giải vì không ít người dân còn kém ý thức trong việc giữ gìn mảng xanh sạch đẹp cho đường phố, KDC.

Bên cạnh chương trình “ba giảm” đã tạo được một số hiệu quả nhất định, nhưng các loại tệ nạn xã hội khác như số đề, ma túy, bài bạc… vẫn còn diễn ra lúc âm ỉ, lúc lén lút, lúc công khai ở nhiều địa phương. Riêng nạn mại dâm chèo kéo, mời gọi khách đi đường hiện đang lộng hành công khai gây bức xúc cho người dân ở các KDC, KPVH trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (giáp ranh quận 5 và quận 10), ngã tư Ngô Quyền - Đào Duy Từ (quận 10), Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Tú Xương (quận 3)…

Hàng quán ăn uống lấn chiếm hẻm ở khu phố văn hóa 3, phường 6, quận 3.

Hàng quán ăn uống lấn chiếm hẻm ở khu phố văn hóa 3, phường 6, quận 3.

Sau nhiều năm, những tình trạng trên vẫn còn tồn tại, chưa thể giải quyết dứt điểm. Một cán bộ hưu trí sống trên đường Nguyễn Chí Thanh, phường 3 quận 10 cho biết: “Đừng bảo việc dẹp tệ nạn xã hội, mại dâm đường phố ở khu vực này không làm được vì thiếu nhân lực hay thiếu kinh phí. Chỉ cần kiên quyết, chịu làm đến nơi đến chốn thì việc gì cũng có thể giải quyết dứt điểm. Chuyện chốt chặn, đẩy đuổi chỉ là biện pháp đối phó, tạm thời, không hiệu quả về lâu dài. Tôi sống ở đây đã 30 năm, biết rằng có cô làm nghề này đến hơn 20 năm, sau này lại dắt “em út” ra làm khiến cho “thị trường” mua bán mại dâm khu vực này thêm ồn ào, phức tạp.

Trên hết, tình trạng mại dâm đường phố công khai, dai dẳng trong nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa khu dân cư, nhất là trong việc giáo dục trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên đang sinh sống, học tập ở một số trường học, ký túc xá trong khu vực này”.

  • Đi tìm lời giải

Không ít đơn vị thừa nhận những nguyên nhân (khách quan lẫn chủ quan) những hạn chế trong nhiều năm qua là do sự phối hợp giữa các ban ngành, các cấp đôi lúc chưa đồng bộ; một số ban chỉ đạo phường và KDC chưa kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình và những bức xúc của nhân dân tại KDC để giải quyết nhanh chóng; vai trò một số thành viên Ban vận động KDC chưa rõ; hoạt động còn mang tính hình thức…

Bên cạnh, các vấn đề tiêu cực, văn hóa phẩm đồi trụy, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn ra; việc lập lại an toàn giao thông trên một số tuyến đường, tuyến hẻm vẫn còn bất cập; còn tình trạng kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng lề đường; ý thức vệ sinh môi trường của người dân kém; việc bình chọn gia đình văn hóa ở nhiều nơi còn đại khái, qua loa, chưa chú trọng đến chất lượng…

Ông Lý Thế Đường, Tổ trưởng tổ dân phố 39 phường 14, quận 5 cho biết: “Khó khăn của KPVH hiện nay là vấn đề vệ sinh môi trường, vì ý thức chưa cao nên một số hộ còn quăng rác ra lòng lề đường. Chưa kể hoạt động mua bán đĩa sao chép không tem nhãn ở các cửa hàng băng đĩa trong khu vực này ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng KPVH, văn minh đô thị của khu phố”.

Một cán bộ hoạt động phong trào chia sẻ: “Bên cạnh sự nỗ lực đáng quý của những người làm công tác vận động với mong muốn hoàn thiện hơn cuộc sống ở các KDC thì hiện tượng nhếch nhác và bệnh thành tích trong việc công nhận danh hiệu KPVH còn tồn tại ở nhiều nơi”.

Để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm đến một số đơn vị văn hóa với mong muốn có thêm những thông tin cụ thể, phỏng vấn những cán bộ đầu ngành về vấn đề xây dựng KPVH với những thành quả, những tồn tại và tìm ra các phương hướng giải quyết sao cho rốt ráo, để hoạt động xây dựng KPVH không phải chỉ làm theo phong trào, chạy theo thành tích…

Thế nhưng, chúng tôi chỉ nhận được sự đón tiếp qua điện thoại với các lý do: đây là vấn đề nhạy cảm, đang trong thời điểm nhạy cảm (thành phố chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11-2009), vừa có những quy định mới trong tiếp xúc và trả lời phỏng vấn báo chí, hay cán bộ xuống cơ sở hết rồi không còn ai tiếp… Buồn thay!

Đường hẻm thành chợ tấp nập mua bán ở đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp. Ảnh: TH.BÌNH
Đường hẻm thành chợ tấp nập mua bán ở đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp. Ảnh: TH.BÌNH

Việc xây dựng KPVH không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà là việc làm lâu dài với sự chung tay góp sức của nhiều người, nhiều tập thể và của cả xã hội. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, TPHCM còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có các vấn đề về giao thông, xử lý rác thải, thiếu điều kiện cần và đủ để người dân có thể tuân thủ và thực hiện đúng theo đường hướng đã đề ra.

Một khi cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, các điều kiện xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân sẽ khiến người dân không thể phát huy hết vai trò lẫn trách nhiệm trong việc góp sức xây dựng đời sống văn hóa, văn minh

THÚY BÌNH – TÂN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục