Chị tôi

Chị tôi

Lần nào về quê tôi cũng đến thăm chị. Đầu đông năm nay, khi cái gió heo may làm ửng hồng đôi má các cô gái, tôi men theo con đỗi mỏng manh như sợi chỉ phủ đầy cỏ kim đến thăm chị. Chợ Hàng sáng sớm đã đông nghẹt người. Phố chợ lèo tèo mái lá ngày xưa, nay đã có dáng dấp một đô thị mới trên bến dưới thuyền. Chính trên cái nền sân trường tôi học cách đây hơn nửa thế kỷ, bây giờ là chợ. Thôi thì đủ thứ của ngon, vật lạ ở quê tôi: gạo tám xoan, gạo rự, nếp cái hoa vàng, cá thu, cá bẹ, cá giếc, cá rô gion và cả những con tôm càng xanh được vớt dưới chân cầu đá Ông Sư nữa, cũng được đem ra bày bán. Tôi hỏi, giọng mấy bà mau mắn:
– Chú lại đến thăm chị Thơm phải không? Cô ấy vẫn ngồi góc khuất đó.

Tôi đứng hồi lâu mà chị không nhận ra. Hôm nay đắt hàng đến thế. Chờ cho khách đi vãn, tôi mới cất tiếng:
– Em chào chị. Chị không nhận ra em sao?
Chị Thơm vồn vã: – Ối, cậu đến lúc nào vậy. Chờ chị một chút nhé?
Nhưng lần nào cũng vậy, làm sao mà chờ chị một chút được. Dường như chị rất mát tay, nên gian hàng bán đồ nhựa của chị lúc nào cũng tấp nập người vào ra.
– Thôi, để tối em sang thăm. Chị cứ bán hàng đi.

Tôi lại lần theo con đỗi mỏng manh như sợi chỉ phủ đầy cỏ kim về nhà. Đã gần 40 năm nay, tôi có thói quen như thế, thích đi trên những con đường ở quê hương đã gắn với tuổi thơ đẫm tràn kỷ niệm. Chính trên con đường này, 40 năm về trước, chị Thơm đã tiễn tôi lên đường nhập ngũ. Tôi nhớ, đêm đó, bà con làng xóm đến tiễn tôi thật đông. Khi khách về hết, chị em tôi đi bách bộ trên con đường mỏng manh ngập tràn hoa cỏ này. Ánh trăng tháng tư bàng bạc. Hương lúa ngạt ngào. Có tiếng rúc rích của chú chuột đồng nào đó bên gò mả cao.

– Cậu đi nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Chiến tranh còn dài… Chị dừng lại nắm chặt bàn tay gầy guộc của tôi, giọng chị lạc đi: - Nhưng chị tin là cậu sẽ trở về, không như anh ấy…

Chị nói đến anh ấy là tôi hiểu ngay. Lúc đó, tôi mới bước sang tuổi 18. Không biết cặn kẽ, nhưng phần nào tôi hiểu được hoàn cảnh và tâm trạng của chị. Một người con gái nết na, xinh đẹp, chân yếu, tay mềm, nhưng khi trai làng đi đánh giặc hết chị phải đứng ra đảm trách công việc. Mới hơn 20 tuổi chị đã được bà con giao làm đội trưởng đội sản xuất của hợp tác xã. Tôi nhớ mãi, công việc đồng áng lúc ấy sao mà vất vả đến thế. Tất bật ngày đêm, nào là làm sao đủ thóc, đủ gà, đủ lợn đóng nghĩa vụ cho nhà nước để nuôi quân; nào là làm sao động viên cho đủ trai làng bổ sung cho chiến trường. Anh ấy cũng là một người như thế. Không biết anh chị quen nhau đã lâu chưa? Nhưng tôi nghe mẹ tôi nói, hôm đặt trầu cau ăn hỏi chị, anh ấy không về và không bao giờ về nữa. Anh ấy đã ngã xuống trên đường Trường Sơn khi hành quân vào chiến trường. Chị Thơm héo mòn, tưởng như không gượng dậy được.

Và cũng chính lúc ấy, chị lại tiễn lớp trai làng mới ra trận. Buổi chia tay, giữa đêm tháng tư năm ấy, tôi nhớ mãi đôi mắt sâu thẳm, nhưng đẫm lệ của chị. Đôi mắt lấp lánh ánh trăng ấy cứ theo tôi đằng đẵng các chiến trường.

Anh ấy đi xa không bao giờ trở về đã ràng buộc cả cuộc đời của chị. Kết thúc chiến tranh, chị vẫn thế, không đi xây dựng gia đình nữa. Mẹ tôi bảo, tội nghiệp cô ấy cứ nhường nhịn, chia sẻ hết cho người khác, chẳng nghĩ đến bản thân mình. Hết làm chủ nhiệm hợp tác xã, lại sang công tác chính quyền. Có bao nhiêu người đàn ông: nhỡ nhàng có, trai tơ có, đến với chị. Chị đều khước từ. Hình như trên cõi đời này chị chỉ có anh ấy, mà anh ấy thì mãi mãi đi xa…

Trên mảnh vườn của cha ông để lại bên cạnh cánh đồng lúa ở phía cuối làng tôi, chị dựng một mái nhà, nuôi đứa cháu gọi bằng cô và chăn dắt đàn gà, đàn vịt. Chưa hết, chị còn thuê gian hàng nhỏ ngoài chợ, cho khuây khỏa tháng ngày. Mỗi lần gặp chị, thấy mái tóc chị phủ đầy sương và quanh đôi mắt lấp lánh ánh trăng hơn 40 năm về trước, nay đã chằng chịt nốt chân chim…, tôi bỗng thấy trái tim mình thắt lại. Năm tháng đi qua, nhưng nỗi đau chiến tranh không thể đi qua… Mái tóc chị tôi ngày thêm bạc trắng

TRẦN NGUYÊN TRANG

Tin cùng chuyên mục