Khai hội chùa Hương

° Ngày đầu tiên của lễ hội có khoảng 60.000 du khách
Khai hội chùa Hương

° Ngày đầu tiên của lễ hội có khoảng 60.000 du khách

Khai hội chùa Hương ảnh 1
Ước tính có hơn 60.000 người trẩy hội trong ngày đầu tiên.

Hôm qua 31-1 (mùng 6 Tết Kỷ Sửu), chùa Hương đã khai hội tại sân Thiên Trù, thuộc quần thể danh thắng Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với sự tham dự của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Sau lời chúc “Xuân phong hòa khí” – chúc cho đất nước, nhân dân, phật tử một mùa xuân an lạc của Đại đức Thích Minh Hiền - là lễ niêm hương tại chính điện, kỳ nguyện cầu chúc cho quốc thái dân an, cho lễ hội thành công tốt đẹp.

Được coi là lễ hội văn hóa dài ngày nhất và có quy mô lớn nhất miền Bắc, lễ hội chùa Hương luôn là một trong những điểm được du khách lựa chọn nhất khi du xuân lễ phật đầu năm. Đây cũng là mùa hội đầu tiên kể từ khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội.

Theo kế hoạch, lễ khai hội chùa Hương 2009 sẽ được tổ chức tại sân Thiên Trù vào lúc 9 giờ. Ước tính trong ngày đầu tiên của lễ hội có khoảng 60.000 du khách  đổ về khiến cho giao thông trên suối Yến ách tắc trầm trọng. Đến hơn 10 giờ vẫn chưa khai thông được mạch giao thông đường thủy trên suối Yến. Vì thế mà các đoàn múa lân, múa rồng và ngay cả nhiều cán bộ của thành phố cũng không đến kịp giờ quy định nên lễ khai hội chậm trễ – đến 10 giờ sáng.

Cảnh hỗn loạn ách tắc còn xảy ra tại khu vực bến cáp treo lên động Hương Tích. Chị Nguyễn Ngọc Lan, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cùng đứa con học lớp 5 của mình trong dáng vẻ phờ phạc sau hơn 1 giờ chờ đợi trong vô vọng, đã quyết định bán lại cặp vé cáp treo cho “cò vé” ở ngay tại sân ga với giá 50.000 đồng/chiếc, dù chị đã phải xếp hàng rất lâu mới mua được với giá là 70.000 đồng. Dù không muốn nhưng nhiều người cũng làm như chị Lan.

Khai hội chùa Hương ảnh 2
Những chiếc đò quá tải thế này vẫn ngang nhiên hoạt động trên suối Yến.

Dù là lễ hội được chờ đợi nhiều nhất, nhưng không phải mọi thứ diễn ra đều như mong đợi. Mặc cho loa truyền thanh mắc dọc suối Yến ra rả yêu cầu các chủ kinh doanh dịch vụ trong khu vực di tích chùa Hương phải tuân theo các nội quy về việc niêm yết giá hợp lý và đúng theo quy định, nhưng thực tế, giá cả bị các hộ kinh doanh điều chỉnh theo hướng tăng - có lúc tăng gấp 10 lần.

Nhiều điểm trông xe máy tại bến Đục đã tăng giá tới 30.000 đồng/xe so với ngày thường là 3.000 đồng/xe.

Đối với dịch vụ vận chuyển đò, ngoài phần vé phải mua bắt buộc là 25.000 đồng/người thì khách muốn lên đò tới Thiên Trù phải trả thêm 50.000 - 100.000 đồng/người.

Mặc dù mức giá tăng đến chóng mặt như vậy song nhiều người vẫn lang thang trên bến vì không tìm được đò để ghép cùng. Không chỉ thế, hơn 3.000 chiếc đò sắt vẫn oằn mình chở khách trên suối Yến với công suất gấp 2 - 3 so với tiêu chuẩn kiểm định nhưng không thấy chiếc đò nào bị lực lượng chức năng hỏi han gì.

Được biết, trong suốt 3 tháng lễ hội, tại đây diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, đáng chú ý nhất là những ngày húy nhật tổ Đệ Thập (12 tháng giêng Âm lịch) và ngày lễ Khánh Đản Đức Quán Thế Âm Bồ Tát (ngày 19-2 Âm lịch). Cũng trong đêm Khánh Đản, 2.009 ngọn hoa đăng sẽ được thả trôi trên dòng suối Yến và 2.009 ngọn nến sẽ được thắp sáng trong động Hương Tích.

Nhiều nơi mở hội

Sáng 31-1 (tức mùng 6 Tết Kỷ Sửu), Huyện ủy - UBND huyện Mê Linh, TP Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 1.969 năm ngày Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Cùng ngày, tại Khu di tích lịch sử đền Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã dâng hương đền Hùng và phát động Tết trồng cây đời đời ơn Bác. Tại đền Lạc Long Quân, nơi Trung ương Đoàn phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức trồng cây, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác là một trong những hoạt động thiết thực tốt đẹp của nhân dân ta mỗi độ xuân về. 49 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ muôn vàn kính yêu phát động Tết trồng cây với nhân dân cả nước, việc này tốn kém ít nhưng lợi ích rất nhiều. Chiều cùng ngày, đoàn thắp hương tại đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa) và dự lễ khai mạc Chương trình du lịch về cội nguồn năm 2009 tại Khu di tích lịch sử đền Hùng.

Hôm qua, lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh) và lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) cũng đã khai mạc theo nghi lễ truyền thống.

Còn tại xã Động Đạt, huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra lễ hội xuân đền Đuổm. Đây là một trong những lễ hội xuân lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên  nhằm tưởng nhớ vị anh hùng người dân tộc Tày Dương Tự Minh - người con của vùng đất Quan Triều, phủ Phú Lương vào thời nhà Lý (thế kỷ XII). Ông có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Tống, giữ yên bờ cõi vùng biên ải phía Bắc, xây dựng phủ Phú Lương phồn thịnh và là người duy nhất trong lịch sử được hai lần phong làm Phò mã lang.

Cùng ngày, như thông lệ, sới vật tại đình làng Thủ Lễ (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đã tưng bừng khai hội vật truyền thống đầu năm.

Nhóm PV

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục