Đầu năm lễ chùa

Đầu năm lễ chùa

Tại TPHCM, sau giao thừa, khi mà pháo hoa ngừng bắn tại các điểm, hòa vào dòng người chúng tôi nhắm hướng các ngôi chùa. Chưa tới đường Mai Thị Lựu nhưng con đường cắt ngang nó đã tấp nập người. Ngôi đền thờ Ngọc Hoàng nổi tiếng.

Đền, chùa tại TPHCM: Lớn, nhỏ đều đông...

Dân phòng địa phương được cắt cử ra tận 2 đầu đường Mai Thị Lựu để điều phối giao thông. Rất đông thanh niên khác trong trang phục dân phòng đứng trước đền thờ Ngọc Hoàng để làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự chung.

Khá khó khăn chúng tôi mới băng qua được dòng người đổ về đền. 0 giờ 30, cánh cổng đền vẫn khép im ỉm. Phía ngoài cổng, các phật tử xì xụp khấn vái, khói nhang mù mịt cả đoạn đường dài.

Đầu năm lễ chùa ảnh 1

Người dân lễ chùa đầu năm. Ảnh: AN DUNG

Rời đền Ngọc Hoàng, chúng tôi tới Lăng Ông Bà Chiểu. 2 mặt cổng Lăng Ông chật kín người. Cảnh sát giao thông được huy động đến để giải tỏa bớt kẹt xe phía trước lăng.

Từ xa, người đi đường đã thấy từ lăng một cột khói cao hàng chục mét. Đó là khu vực hóa vàng trong lăng. Trong lăng, ai nấy mắt đỏ hoe vì khói nhang, không khí đặc quánh, mù mịt.

Người người chen nhau nhích từng bước tới khu vực chánh điện… Chiếc chiếu ở khu vực xin xăm đông chật người xếp hàng chờ đến lượt mình gieo quẻ.

Chúng tôi rời lăng trong tiếng loa nhắc nhở liên tục về việc giữ gìn trật tự, quy định chỉ đốt 1 nén nhang tượng trưng khi vào lễ…

Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa lớn nhất thành phố. Và đây cũng là ngôi chùa đông đúc nhất mỗi dịp rằm, mùng 1. Đêm giao thừa, mùng 1 Tết cũng không ngoại lệ. Suốt con đường Nguyễn Văn Trỗi từng đoàn người nối đuôi nhau trên tay cầm những cây nhang lớn cháy đỏ rực.

Hà Nội: Đi chùa trong giá rét!

Đêm giao thừa và mùng 1 Tết, Hà Nội rét. Nhưng cũng không ngăn nổi người dân đi lễ chùa vào thời khắc linh thiêng của trời đất. Người dân kinh Bắc có thói quen về nghi lễ nhất so với các vùng miền khác trong cả nước. Đó cũng là lý do đầu năm đi chùa là điều không thể thiếu đối với nhiều gia đình. Với người lớn tuổi, đầu năm phải đi đủ 10 chùa (thập tự) đã trở nên một thông tục.

Dạo quanh các ngôi đền Đức Thánh Trần, chùa Hà, Trấn Quốc… đâu đâu cũng chen chúc. Những lá sớ được nhà chùa soạn sẵn, khách chỉ việc rút quẻ là lấy sớ ra coi vận hạn. Với những du khách lần đầu đến Hà Nội thì việc dịch vụ khấn thuê là vô cùng xa lạ. Tuy nhiên, có mặt ở Bia Bà sẽ có dịp chứng kiến hình ảnh này.

Những bà cụ ngồi sẵn ở chỗ đặt lễ, sẵn sàng khấn hộ cho ai không biết khấn. Những bài khấn vần điệu, trầm bổng được các bà ngâm nga nhuần nhuyễn. Giá cho dịch vụ này là 20.000 đồng/bài khấn. Từ mùng 5 Tết trở ra, người dân Hà Nội trẩy hội về Cổ Loa, Yên Tử, chùa Hương, chùa Thầy…

Chùa ở Đà Lạt: Trang nghiêm và yên ả...

Thời tiết ở Đà Lạt càng về khuya càng trở lạnh, 24 giờ 18 phút từng cặp đôi thanh niên nam nữ kéo nhau đi hái lộc đầu năm tại các đền, chùa trong khu vực trung tâm thành phố. Mùng 1 Tết, gần như đã trở thành thói quen, các gia đình ở Đà Lạt đều đi chùa để cầu mong một năm mới an lành cho mọi người thân trong gia đình và cầu cho một năm gặt hái được nhiều thành công trong công việc làm ăn.

Mới 6 giờ sáng, sương mù còn giăng khắp lối đi nhưng dòng người đã kéo nhau trên mọi ngả đường dẫn vào các ngôi chùa nổi tiếng tại Đà Lạt như Thiền Viện Trúc Lâm, chùa Linh Sơn, chùa Tàu, chùa Quan Âm…

Không ồn ào, chen chúc nhau đi viếng chùa như ở các chùa tại TPHCM cũng không quá đông đúc vì cảnh buôn bán nhang đèn, chim, hoa trước cổng chùa, đi lễ chùa ngày mùng 1 Tết tại Đà Lạt thật nhẹ nhàng và trang nghiêm. Người đi lễ được các sư trong chùa phát 2 cây nhang để vào lễ Phật. Lễ Phật xong, mọi người dắt nhau ra ngồi trên các tam cấp ngoài sân chùa để trò chuyện hoặc để bàn kế hoạch du xuân.

Đi lễ chùa ngày tết đã trở thành tục lệ hàng năm của người dân Việt Nam, ngày đầu năm đứng trước tượng Phật ai cũng mong năm mới sẽ sung túc hơn, yên lành hơn. Tuy nhiên, ai cũng mong rằng phong tục mang tính tâm linh của người Việt Nam sẽ ngày một đẹp hơn bởi sự thanh lịch, trật tự, bớt đi những xô bồ không nên có ở nơi tôn nghiêm.

Mong những hình ảnh cây cối trong chùa chỉ sau đêm giao thừa trở nên tan hoang do ý thức người dân chưa cao, coi chuyện hái lộc lớn hơn sự phá hoại, sẽ dần giảm đi. Hình ảnh chặt chém giá giữ xe cũng có thể kiểm soát được. Đội ngũ bán nhang dạo, những ấn phẩm bói toán công khai chen chúc trước cổng chùa cũng có thể dẹp được…

Trong khi những cảnh chưa đẹp vẫn còn, nhiều người bảo nhau: để tránh cảnh chen lấn trong những ngày cao điểm, nên đi những ngôi chùa nhỏ gần nhà. Vừa có thể bớt được khoản tiền gửi xe, vừa có thời gian thư thái để tĩnh lặng tâm hồn mình, hướng về cõi tâm linh cầu xin cho gia đình và người thân những điều tốt lành trong năm mới.

Người nhà Phật có câu: “Phật tại tâm”, thì không việc gì phải chen nhau, phải chịu những xô bồ, biến tướng ở những nơi cần tính tôn nghiêm cao như đền chùa lăng tẩm… 

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục