Sáng nay, khai hội Yên Tử - Nhộn nhịp non tiên

Như chốn non tiên
Sáng nay, khai hội Yên Tử - Nhộn nhịp non tiên

Sáng nay, 4-2 (tức ngày mùng 10 tháng giêng Âm lịch), ngay tại sân chùa Giải Oan của khu di tích thắng cảnh Yên Tử (Quảng Ninh), đã diễn ra lễ khai hội Yên Tử xuân 2009. Hàng vạn chư tăng, tín chủ và khách hành hương từ khắp mọi miền đất nước kéo về đứng chật kín khu danh thắng để thưởng thức lễ khai hội. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tới dự.

Như chốn non tiên

Sáng nay, khai hội Yên Tử - Nhộn nhịp non tiên ảnh 1

Khai hội xuân Yên Tử. Ảnh: L.T.

Nghi lễ khai mạc được tổ chức khá quy mô, trang trọng ngay tại sân chùa Giải Oan vào hồi 9g. Mở đầu là lễ dâng hương tưởng nhớ các vị sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lễ cầu quốc thái dân an. Sau đó, ngoài các tiết mục như múa võ thuật, múa nghệ thuật, khai ấn đầu năm, màn khai hội còn được thể hiện bằng diễn cảnh sử thi mang tên “Hào khí non thiêng” gồm 3 trích đoạn thể hiện quá trình tu hành đắc đạo của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tầm 8g, 9g sáng, du khách từ dưới chùa Giải Oan bắt đầu lên đỉnh núi. Bên dưới, gió chỉ se se nhưng càng lên cao càng lộng gió, nắng vàng rực rỡ. Những rừng trúc, rừng tùng đứng trầm mặc trong sương sớm, lau cỏ bảng lảng khói nhang như một bức tranh thủy mặc.

Càng lên đến gần chùa Đồng, người với người càng chen chúc. Những hơi thở hổn hển, nghe như áp sát vào tai, lại có cả mùi mồ hôi, ngoảnh lại chẳng còn trông được chùa Giải Oan, Hoa Yên đâu nữa, chỉ còn là một dòng người cứ trải dài xuống phía dưới, vắt ngang qua các sườn núi rừng cây như một dải lụa khổng lồ, sặc sỡ.

Trên đỉnh chùa Đồng bao la rộng rãi không còn chỗ đặt chân. Nhiều người đành đứng ở xa bái vọng lên, chắp tay cầu nguyện. Không vào trong để đặt được “lộc” lên các bàn thờ, nhiều người đành tung tiền lên mái chùa Đồng, như một cách dâng lòng thành lên Đức Phật.

Chen chân vào ga cáp treo

Trong khi lễ khai hội đang diễn ra thì khu cáp treo đã kín mít người. Năm nay, giá vé cáp treo hầu như vẫn giữ nguyên như năm trước. Cụ thể, vé chiều lên đến chùa Hoa Yên (lưng chừng núi) là 45.000đ/người, nếu đi liền 2 chặng lên tận bãi đá An Kỳ Sinh (cách chùa Đồng khoảng 800m) là 90.000đ. Còn vé khứ hồi của cả 2 chặng là 150.000đ, tăng 10.000đ so với năm ngoái.

Do năm nay, ngay trong buổi sáng khai hội, lượng khách hành hương đã tăng một cách bất ngờ, vượt khỏi sức tưởng tượng của nhiều người, nên cả hệ thống cáp treo gần như là “toát mồ hôi” dù đã hoạt động hết công suất.

Sáng nay, khai hội Yên Tử - Nhộn nhịp non tiên ảnh 2

Đường lên chùa Đồng, Yên Tử. Ảnh: MINH ĐIỀN

Ông Vũ Kim Thành, một phật tử ở TP Nam Định, trong khi xếp hàng vào ga đi cáp treo, giãi bày: Những năm trước hầu như du khách đều cố gắng tránh ngày khai hội vì sợ tắc đường kẹt xe, chen chân xô đẩy nên khá thưa vắng. Song năm nay, ước chừng lượng khách tăng lên gấp khoảng 3-4 lần so với năm ngoái. Theo ban tổ chức lễ hội, do thời tiết đẹp nên ngay trong ngày khai hội năm nay, ước có tới 6 vạn người về trẩy hội.

Bởi vậy, nhiều phật tử dù đã có trong tay tấm vé đi cáp treo, song  vẫn không thể nào chen vào được. Thậm chí nhiều người đã xếp hàng cả tiếng đồng hồ vẫn đành bỏ cuộc, và chọn giải pháp leo lên đỉnh non thiêng ở độ cao hơn 1.000m bằng đường bộ.

Có nhiều cụ già dù đã lưng còng gối mỏi, tóc bạc như sương cũng gắng leo lên tận chùa Đồng để cầu nguyện. Một nhóm cụ đang ngồi tựa lưng dưới tấm đá lớn, cách chùa Đồng vài chục mét, tay lần tràng hạt đeo trên cổ. Cụ Mậu, ngoài 70 tuổi, ở Bắc Giang dù thấm mệt nhưng vẫn hỉ hả: “Thế là cũng được chiêm ngưỡng chùa Đồng. Bà con chúng tôi khởi hành từ trưa hôm qua, đêm qua phải ngủ trọ lại chùa Hoa Yên, giờ mới leo lên đến đây. Mệt nhưng bõ một lần đi Yên Tử”.

Còn cụ Tác, mặc dù đã 88 tuổi, mắt mờ, răng rụng, chân teo tóp như que củi nhưng vì tâm thành kính Phật, chỉ mong một lần được đặt chân lên đỉnh non thiêng, nên con cháu cũng không ngại bỏ ra 200.000đ để thuê 4 “cửu vạn” lực lưỡng thay ca nhau khiêng cụ từ chùa Giải Oan ở chân núi lên đỉnh Yên Tử như người vùng cao khiêng bệnh nhân đi cấp cứu.

Mặc dù còn những bất cập và yếu kém trong khâu tổ chức, cơ sở hạ tầng còn manh mún, chắp vá, nhưng nhìn biển người đổ về cõi Phật, đứng giữa đại ngàn chiêm ngưỡng kỳ công khai phá của đức Phật hoàng thuở trước, và nghĩ về niềm tín mộ dạt dào như sóng của hàng vạn khách hành hương chiêm bái, bất kỳ ai cũng thấy lòng mình ấm lại, yêu giang sơn, tổ tiên mình như một niềm mãnh liệt không dời đổi.

Theo Sở VH-TT và DL tỉnh Quảng Ninh, Yên Tử là một danh thắng nổi tiếng, còn được gọi là Bạch Vân Sơn, nơi có rừng tùng, rừng trúc và mai cổ thụ, nằm ở xã Thượng Yên Công (Đông Triều, Quảng Ninh), cách TP Hạ Long 40km.

Đây còn là cái nôi của thiền phái Trúc Lâm. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào “danh sơn đất Việt”.

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non, hòa với nét cổ kính và trầm mặc của hệ thống am, tháp, tùng, thông, đại, trúc, mai mọc ở hai bên tỏa bóng mát, làm khách thập phương quên đi nỗi mệt nhọc trên chặng đường dốc cheo leo. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ mùng 10 tháng giêng Âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 Âm lịch.

Văn Phúc Hậu
(SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục