Đền Rồng là công trình kiến trúc cổ?

Đền Rồng là công trình kiến trúc cổ?

Gần đây, dư luận bức xúc trước một số thông tin cho rằng di tích lịch sử đền Rồng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng, tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đang bị trùng tu theo kiểu “đập bỏ để xây mới”. Song thực tế, đền Rồng vừa được “hạ giải” có phải là kiến trúc cổ được xây cất từ thế kỷ XIII?

Nặng giá trị tưởng niệm hơn giá trị kiến trúc

Đền Rồng là công trình kiến trúc cổ? ảnh 1

Thực trạng tu bổ đền Rồng.

Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng, vị vua thứ 9 triều Lý được khởi dựng từ thế kỷ XIII trên khu đất rộng chừng 9.300m², nay thuộc thôn Long Vỹ, phường Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh). Trải qua nhiều biến động lịch sử, khuôn viên đền Rồng giờ chỉ còn khoảng 3.000m².

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thạc Vinh, Chủ tịch UBND phường Đình Bảng, cho biết, đền Rồng vì đã từng bị coi là địa chỉ nguy hiểm với chính quyền thực dân nên năm 1919, Pháp đã cho phá hủy hoàn toàn ngôi đền. Đến năm 1921, Hồng lô tự Thiếu khanh Lê Tiến Hường, một vị quan triều Nguyễn quê gốc ở Đình Bảng, phát tâm xây dựng ngôi đền nhưng không xây dựng theo đúng mẫu xưa. Dần dà về sau, mỗi khi có người phát tâm, đền lại được tu bổ, sửa chữa một cách chắp vá, vì thế cho tới thời điểm trước khi tu bổ lần này, ngôi đền không còn mang nhiều giá trị về mặt kiến trúc mà đã lai tạp, với nhiều nét kiến trúc phương Tây như hiên Tây, tường hoa chắn mái, nền lát bằng gạch hoa, cửa cuốn tò vò...

Ông Vinh khẳng định, không còn dấu vết của các kiến trúc cổ. Thực tế, trong quá trình thi công, số gạch thất (loại gạch cũ) thu được từ công trình không quá 1%, còn 99% còn lại là gạch lỗ, sản xuất thời hiện đại. Mặt tiền của đền là bê tông, cốt thép, có dáng dấp của một kiến trúc thời Pháp thuộc. Toàn bộ gỗ thu được từ đền cũ đều không có chạm khắc, gỗ toàn bào trơn, đóng bén, và rất nhiều trong số đó đã bị mối mọt. Tuy nhiên, với mong muốn vẫn giữ được chút phong thái của đền xưa, ban quản lý vẫn cố gắng gia cố, xử lý mối mọt và trả về đúng vị trí cũ. Nhưng đáng tiếc là do sự xâm hại của thời gian, số kèo cột còn lại không nhiều.

Ông cũng khẳng định, thông tin cho rằng phá bỏ những kiến trúc cổ là không chính xác. Như cổng đền hiện nay, cùng với tường bao và nhà khách nằm 2 bên của đền là công trình hoàn toàn mới, được xây dựng khoảng 10 năm trở lại đây do một số người dân địa phương đứng ra quyên góp.

Ông Nguyễn Thạc Nhân, Trưởng tiểu ban Di tích đền Rồng, bày tỏ, việc tu bổ đền là nguyện vọng của nhân dân, khi nhiều hạng mục của đền đã xuống cấp và quan trọng hơn cả là kiến trúc của đền không mang dáng dấp truyền thống và tâm hồn của người Việt.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Duy Nhất, Giám đốc Ban quản lý Di tích tỉnh Bắc Ninh, cho biết, khi xây dựng hồ sơ, tiêu chí chủ yếu đề nghị công nhận là nhằm tưởng niệm danh nhân chứ không phải là bảo tồn kiến trúc nghệ thuật khi đền đã qua quá nhiều lần trùng tu và kiến trúc.

Giáo sư Trần Lâm Biền sau khi khảo sát thực địa, cũng nhận định giá trị nghệ thuật của đền thờ Lý Chiêu Hoàng thấp hơn nhiều so với giá trị về tâm linh vì đây là di tích được xây dựng lại trong thế kỷ XX...

Vẫn thiếu cơ sở để tu bổ

Theo ông Nguyễn Thạc Vinh, do đây là công trình tu bổ có kinh phí là 2,7 tỷ đồng (dưới 3 tỷ đồng)  nên địa phương đã phải thực hiện đầy đủ quy trình thủ tục theo đúng trình tự xây dựng cơ bản với nhiều bước khảo sát, lập dự án, xin ý kiến của Ban Tôn giáo tỉnh, Sở VH-TT-DL tỉnh...

Phương án kiến trúc hiện nay do Công ty Kiến trúc và Công nghệ mới thiết kế trên cơ sở kiểu dáng kiến trúc ngôi đền cổ trước khi bị thực dân Pháp phá hủy năm 1919 do các cụ cao tuổi địa phương cung cấp. Điều này có nghĩa là kiến trúc của đền Rồng đang được xây dựng cũng không có nhiều cơ sở để có thể khẳng định là đã được làm theo đúng với kiến trúc cổ trước đây.

Việc tu bổ, phục dựng di tích văn hóa không chỉ giống như việc xây dựng một công trình kiến trúc đơn thuần mà phải có một quá trình khảo sát kỹ lưỡng, tham khảo nhiều ý kiến của các chuyên gia về lịch sử khảo cổ bên cạnh các tư liệu sưu tầm trong dân gian. Vì thế, mặc dù việc tu bổ đền Rồng là phù hợp với nhu cầu thực tế và nguyện vọng của người dân, song liệu việc phục dựng ngôi đền mà chỉ căn cứ vào trí nhớ của các bậc cao niên ở địa phương có phải là căn cứ xác thực?

Thêm nữa, nếu chỉ tu bổ theo ước muốn đơn thuần của người dân là muốn có được nơi thờ tự, hành lễ được rộng rãi khang trang hơn trước thì liệu có giữ được ý nghĩa đích thực của công tác tu bổ. Mặt khác, mặc dù quyết định phê duyệt dự án tu bổ đền Rồng có trước khi đền được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh, nhưng việc dỡ bỏ và tiến hành tu bổ được tiến hành sau này cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Hiện công trình tu bổ di tích đền Rồng vẫn đang được tiến hành dưới sự giám sát của địa phương, song với một di tích có nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử như vậy, nên chăng các nhà chuyên môn và cơ quan chức năng nên họp bàn, đưa ra các ý kiến đóng góp tâm huyết để đền Rồng mới thực sự là công trình kiến trúc, tâm linh, xứng với vua bà Lý Chiêu Hoàng, có thể hoàn thành trước ngày hội đền 23-9 Âm lịch năm nay.

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục