Lãng mạn Trường Sơn

Lãng mạn Trường Sơn

LTS: Những ngày này là thời khắc cả nước nhớ về những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhớ về Trường Sơn, nơi lưu giữ biết bao chiến tích hào hùng, nhớ về bước chân thần tốc của những người xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, tiến về Sài Gòn thống nhất đất nước… Họ, các chàng trai cô gái ngày ấy, mỗi người đi qua Trường Sơn đều có những ký ức của riêng mình và giờ đây những ký ức trong họ lại ùa về.

1.
Cái lãng mạn của Trường Sơn nằm trong cái lãng mạn của toàn dân tộc. Hào khí Trường Sơn nằm trong hào khí của non sông. Cái lãng mạn, cái hào khí khi nước nhà có biến ấy không phải bỗng dưng mà có, không phải tự nhiên mà hình thành. Nó được kết tủa, sàng lọc từ ngọn gió lịch sử hàng ngàn năm chống ngoại xâm ào ạt thổi về, ngọn gió tâm linh, ngọn gió kiên trung này thổi mạnh đến nỗi nếu một ai đó còn lành lặn chân tay mà phải hay được ở lại hậu phương với gia đình, với người yêu thì cảm giác mình có tội, mình có điều gì không phải với cộng đồng xã tắc. Thanh niên trai tráng trong các bản làng ngõ phố đi hết cả rồi, sao mình vẫn còn ở lại thế này? Và em, nếu tôi ở lại thì em mừng lắm, vui lắm, hạnh phúc lắm, tất nhiên, nhưng không hiểu sao ánh mắt em nhìn tôi cứ hanh hao dần, cứ lùi dần theo những đoàn quân ra trận, vậy thì tôi cũng gác bút nghiên làm cú vượt Trường Sơn như bạn bè để mắt em được bình an, yên tĩnh.

Lãng mạn Trường Sơn ảnh 1

Diễn viên múa Thanh Hà, đoàn văn công Trường Sơn thời chiến tranh. Ảnh: T.L.

Và Trường Sơn, con đường độc đạo, tuyến đường chiến lược, cái động mạch chủ, tọa độ nhân văn của toàn bộ cuộc kháng chiến đã trở thành nơi hội tụ của dòng chảy lãng mạn. Vâng, nếu chỉ có lòng yêu nước, chí căm thù địch không thôi mà không có sự lãng mạn dâng đến khôn cùng ấy thì con người làm sao có thể chịu đựng nổi cả cuộc chiến tranh dặc dài, khốc liệt dường ấy. Đường ra trận mùa này đẹp lắm/Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây… Đó là tinh túy tâm hồn, là toàn bộ giá trị tinh thần, phẩm cách của một dân tộc không chịu được cảnh mất nước, cảnh làm nô lệ.

2.
Ta đi trong ánh lửa từ trái tim mình... Đồng cảm với người nhạc sĩ tài hoa đã quá cố, đường hành quân vạn dặm gian khổ và gian nguy chúng tôi đã hát vang lời ca ấy. Đó chính là ngọn lửa lãng mạn ủ dấm sẵn trong tim chứ không hẳn chỉ là sự giác ngộ lý trí trong đầu.

Và nếu chỉ có những con dốc dựng trời, những hố bom lở loét, những đồng đội nằm lại, những bữa ăn chỉ có cơm vắt chấm xì dầu, những trận sốt rét rung võng, những căn bếp Hoàng Cầm âm ỉ khói như nỗi buồn chia ly, những nôn nao chênh vênh trong mắt khi chiều về, những bãi khách âm thầm, thì con đường Trường Sơn năm ấy, con đường mòn huyền thoại mang tên vị lãnh tụ vĩ đại, ngoài vẻ bi tráng và bi hùng ra, nó sẽ trở nên quạnh quẽ vô cùng. Quạnh quẽ như tiếng vượn hú nơi cửa rừng, như tiếng chim từ quy kêu nơi đầu núi. Bởi Trường Sơn chỉ thực sự là Trường Sơn khi dòng chảy của nó còn thấp thoáng biết bao những điều trữ tình, mềm mại khác nữa.

Mềm như những cánh võng giăng giữa rừng chiều cho những mái đầu trai trẻ cúi xuống đắm chìm, mộng mơ bên dòng nhật ký. Dọc đường hành quân, nhật ký bỗng trở thành giá đỡ tình cảm, thành tiếng vọng thầm thì trong trái tim đa cảm của người lính xông pha. Cứ mười người là có tới trên phân nửa có nhu cầu độc thoại, tự sự với chính mình. Phải chăng đó chính là văn hóa chiến hào, là thế giới tâm hồn đòi hỏi được trang trải vào mênh mông nếu một mai không trở lại, là hơi thở lãng mạn tạo nên sức mạnh tinh thần. Phải chăng do thế mà cuộc chiến tranh mới tồn tại nhịp đập chân thật trong trái tim Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Xuân Giá và hàng ngàn, hàng chục ngàn những trái tim khác nữa nhưng cuộc đời chưa kịp tôn vinh.

Mềm như dáng cô bác sĩ trong đoàn Dân chính đi trước đoàn lính chiến bụi bặm chúng tôi. Sợ vướng gai góc, dây chằng, cô khẽ xắn quần lên đến bọng chân. Chao ôi là cái bắp chân thanh nữ hôm nao vào trận vốn trắng thế, trắng chao nghiêng cả rừng già, mà sao giờ đây mỗi sáng hành quân cứ xanh dần theo màu lá rừng. Thức ăn thiếu dần, gian khổ tăng lên, thân gái dặm trường, làm sao chân em có thể trắng mãi được. Nhưng dù thế, cái màu xanh kiêu hãnh và tội tình kia vẫn mãi là cọc lộ tiêu huyền hoặc để chúng tôi đi theo như một sự vẫy gọi ngọt ngào. Đường càng đi càng mù mịt, càng đi quân số càng hao khuyết dần, trong chúng tôi đã có những chàng trai sốt rét, đã có những chàng trai nản lòng, nhưng màu trắng xanh xao kia vẫn bền bỉ như thì thầm, như khẽ gọi ở phía trước, như mỉm cười: phụ nữ chúng tôi đi được mà đàn ông trai tráng các anh lại ở lại hay sao. Thế là lại lên đường, chống gậy mà đi tiếp cuộc hành trình máu lửa.

Làm thân con gái đi qua cánh rừng… Dáng hình cô bác sĩ ấy, cô giao liên, tải đạn, cô cứu thương, cô lái xe Buồng lái xe là buồng con gái… kia đã làm mềm đi tính khốc liệt của trận mạc, làm xanh lại những cánh rừng úa héo. Thử hỏi trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại và tàn bạo nhất hành tinh này, không có dáng hình các em, không có bắp chân trần, không có bộ bà ba đen với chiếc khăn rằn bay tung trên đôi vai mảnh gầy ấy, thì nó sẽ nghèo đi biết chừng nào.

3.
Rồi đến lượt chính tôi cũng phải nằm lại ba ngày trong một cơn sốt rét ác tính ập đến. Ngày thứ tư, đáng lẽ có thể được quay về do chức năng dẫn quân nhưng tôi cứ đi, hai tay hai gậy mà đi, đi lẻo khẻo, đi mộng du, đi mơ hồ để rồi khi đuổi kịp được đơn vị, sáng ra không thấy cái màu trắng xanh lãng mạn ấy đâu, hỏi, liền được trả lời: Cô ấy rẽ về địa bàn miền Trung với người yêu rồi!!! Buồn đến tan hoang, rừng xanh thế mà trở nên tối sẫm…

Nữ bác sĩ ơi, em là ai, giờ em ở đâu, em còn hay đã ngã xuống? Nếu em còn sống, nếu đọc được những dòng này, em hãy cứ tin rằng cuộc đời dù còn vất vả, nhiều trái ngang thế nào chăng nữa thì ngày ấy, năm ấy, trong cuộc chiến tranh ấy, hình ảnh em vẫn mãi mãi là giá trị tinh thần, là ngọn gió lãng mạn, là điểm tựa linh hồn cho cuộc đời, cho Trường Sơn, cho những chàng trai trẻ chúng tôi.

Những chàng trai ấy bây giờ đã về già, đã thành những người lính già, nhưng hoài niệm về một thời lãng mạn vẫn còn trẻ mãi, tươi nguyên.

Trường Sơn… Tháng 3-2009. 

CHU LAI

Tin cùng chuyên mục