Ngày hội tụ văn hóa Việt Nam

Hoành tráng, tràn đầy cảm xúc

Hoành tráng, tràn đầy cảm xúc

Sáng 18-4, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã khai mạc tại Trung tâm làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô – Ba Vì – Hà Nội). Diên Hồng văn hóa – Cũng có thể gọi là cuộc biểu dương bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam! Bởi lẽ, tinh hoa văn hóa nghệ thuật của 54 dân tộc anh em hội tụ lung linh, tràn đầy xúc cảm…

Ngay từ sáng sớm 18-4, bà con các vùng lân cận đã nô nức về khu trung tâm của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Các khu hội và chợ đều đông nghẹt người đủ mọi lứa tuổi. Sau lễ chào cờ Tổ quốc, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái đọc diễn văn khai mạc và cùng bà con dự lễ hướng về lá cờ Hội rộng hơn chục mét vuông được kéo lên trang trọng trên đỉnh đồi.

Biểu diễn rối nước tại lễ hội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Biểu diễn rối nước tại lễ hội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Sân khấu đồi và sân khấu bãi đã diễn ra quang cảnh vô cùng thú vị, bởi hàng ngàn nghệ nhân trong sắc phục dân tộc đã tỏa ra cùng giao lưu với các dân tộc anh em. Từng tốp liền anh, liền chị hát quan họ giao duyên; từng nhóm thanh niên Dao, H’Mông thổi khèn, múa gậy; các thiếu nữ Thái gẩy đàn tính, các nghệ nhân Tày, nùng hát then, hát lượn.

Tại đây, các bộ môn nghệ thuật không chỉ diễn tích trò, mà còn trình diễn cả tài năng của nghệ nhân. họ giúp khán giả hiểu rõ hơn cách điều khiển rối nước; cách thực hiện khéo léo nghề truyền thống qua các chi tiết, họa tiết của sản phẩm.

Cuộc đại trình diễn văn hóa này cũng cho người dân không có điều kiện đến các vùng xa được hiểu rõ về Khan qua giọng kể của chính nghệ nhân Tây Nguyên; được biết đến Đẻ đất đẻ nước qua chính nghệ nhân Mường kể; được biết tiếng cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên và các điệu múa của người Thái, người Tày, người Chăm, người Ê đê…

Dân tộc Lô Lô (Điện Biên) với điệu múa Vui được mùa.

Dân tộc Lô Lô (Điện Biên) với điệu múa Vui được mùa.

Trong không khí lễ hội, dường như ai cũng xúc động và đầy lòng tự hào, khi nhìn lá cờ tung bay với dòng chữ Tổ quốc Việt Nam – Diên Hồng văn hóa. Rất nhiều chiến sĩ trẻ đứng bên nhau thưởng thức các màn trình diễn với niềm xúc động trào dâng. Cái tên Diên Hồng gợi cho những người dự ngày hội văn hóa nghĩ về Hội nghị Diên Hồng của cha ông ta thuở nào!

Chương trình văn nghệ cũng đan xen bằng các mốc lịch sử của mỗi vùng văn hóa dọc theo chiều dài đất nước. Qua mỗi chặng lịch sử, lời của các vị anh hùng dân tộc vẫn âm vang sông núi đến ngày nay. tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” của Lý Thường Kiệt; lời Bình Ngô đại cáo của Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi; lời Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn… và lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Tất cả đều tạo nên sự sâu lắng trong tình yêu, niềm tự hào đối với đất nước và niềm tin vào sức mạnh đoàn kết toàn dân.

Bản hợp xướng có ca từ viết theo lối kể chuyện, nhưng tha thiết, sâu sắc và dẫn dắt người nghe đến từng chặng đường phát triển của dân tộc ta. Đan xen các màn diễn xướng, sau hồi trống rộn rã, chỉ còn tiếng gió thổi, tiếng chân rầm rập của hàng trăm tráng sĩ cầm đuốc từ rừng cọ bước ra mép đồi, tản ra mọi miền. Bắt đầu với “Đây Văn Lang, đây Đẻ đất đẻ nước, đây Đam San, đây giang sơn gấm vóc…Trải mấy ngàn năm, nước Việt mến yêu đi qua dông tố, ngọn triều dâng lịch sử, cả tình yêu và khát vọng dâng Mẹ Việt Nam”.

Quang cảnh Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam.Ảnh: MINH ĐIỀN

Quang cảnh Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam.Ảnh: MINH ĐIỀN

Bên cạnh các chương trình nghệ thuật, đại diện cho nhân sĩ, già làng, trưởng bản của 54 dân tộc Việt Nam đã có cuộc tọa đàm về bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Một số nhân sĩ, nghệ nhân, già làng, trưởng bản đã nêu thẳng vấn đề “Thế nào là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc?” khi các nhà quản lý và cơ quan truyền thông lâu nay vẫn kêu gọi “phát huy, bảo tồn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”…

Mục tiêu lễ hội là tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, cụ thể là môi trường nhân văn của Việt Nam. Lễ hội rồi cũng kết thúc, nhưng môi trường nhân văn được bảo tồn và phát triển.

Sự lan tỏa của Diên Hồng văn hóa thêm một lần khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam! Một thềm văn hóa rộng lớn, sâu sắc, không chỉ một dân tộc mà là nền văn hóa của 54 dân tộc anh em làm nên. Đó là nền tảng vững chắc cho sự phát triển đất nước.

Ngay từ ngày 17-4, đường lên xứ Đoài nhộn nhịp hẳn lên. Dù đường Láng-Hòa Lạc đang thi công, nhưng người lên Làng văn hóa dự hội vẫn đông vui nườm nượp. Ngay từ ngã ba rẽ vào khu Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, cổng chào màu sắc tươi rói, cờ hội treo hai bên đường bay phất phới làm lòng người nao nức, hồ hởi.

Chiều và tối 17-4 chưa khai hội, khách đã chen nhau trước sườn đồi xem tổng duyệt chương trình văn nghệ của hai ngày 18, 19. Trên ngọn đồi được sử dụng làm sân khấu, một cột cờ uy nghiêm, sừng sững với lá cờ đỏ sao vàng bay lồng lộng giữa trời.

Phía sau ngọn cờ, bức tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời như hút vào mây trắng. Không gian được mở rộng với cảnh trí của ruộng bậc thang, của guồng nước miền núi, nhà rông, nhà sàn, con kênh, rặng dừa, chợ Bến Thành, thủy đình diễn rối nước v.v… tất cả đều mô tả rõ nét đặc trưng bản sắc văn hóa của từng vùng miền Việt Nam.

THỦY VÂN

Tin cùng chuyên mục