Tản văn - Tháng tư, đến Cổng trời

Tản văn - Tháng tư, đến Cổng trời

1- Trời vô hạn. Đất có hạn. Chắc chắn là vậy. Càng lên cao, thấy trời vẫn cao xanh. Thấy rõ hơn cái hạn hẹp của đất.

Đứng chân trên khúc gấp cao nhất của con đường từ Sapa về Lai Châu, người dân địa phương gọi là cổng trời, tôi thấy ra nhiều thứ. Hóa ra, tầm nhìn của người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng là thời tiết. Nơi cổng trời, mịt mù sương gió. Mọi thứ chỉ nhìn thấy mờ mờ theo hình khối lớn. Con đường cheo leo ở trước ở sau như một vệt màu trắng mờ ảo lửng lơ giữa những hình khối núi xanh đen, xanh xám và xanh bạc.

Tôi nhớ lại lời một nhà nghiên cứu nghệ thuật khi bàn về nghệ thuật vẽ tranh. Ông cho rằng cái duyên của tranh là ở đường nét. Cái đẹp của tranh là ở màu sắc. Tranh giống như phụ nữ, phải có duyên, phải đẹp. Có người phụ nữ đẹp nhưng vô duyên nhưng hết thảy phụ nữ có duyên đều đẹp. Đẹp có duyên là cái đẹp hoàn chỉnh.

Trên cổng trời Hoàng Liên Sơn, anh bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh đi cùng tôi ba lần đưa máy lên rồi lại hạ máy xuống. Cho dù máy của anh cực kỳ hiện đại với ống tê lê dài ngất ngưởng: “Thua, không thấy gì rõ cả”. Anh than. Ở cổng trời, có thể các máy ảnh bất lực nhưng sẽ là vùng không gian rực rỡ nhất cho các họa sĩ.

Ở đây, đường nét phân chia các màu sắc rất mỏng manh, rất mờ ảo, gợi mở rất nhiều chiều cho trí tưởng tượng. Khối hình nào cũng đầy ắp sự quyến rũ. Lớn quyến rũ nhiều. Nhỏ còn quyến rũ hơn. Không có một đơn vị đo lường nào thể hiện được sự quyến rũ một cách cụ thể. Có chăng, chỉ là những phân tầng bí ẩn. Nơi cổng trời, người ta đối diện với cái đẹp, cái duyên của sự bí ẩn...

Nét đẹp của phụ nữ Sapa. Ảnh: MINH ĐIỀN

Nét đẹp của phụ nữ Sapa. Ảnh: MINH ĐIỀN

2- Anh chàng lái xe thuộc thế hệ 7X, từng lái xe tải chạy đường dài, bảo: “Tin ở mắt mình, tin ở cảm nhận của mình và tin ở chiều rộng con đường”. Chàng ta nói về chuyện lái xe leo qua cổng trời. Vậy là phải tin ở ta, tin ở người. Cái bất hạnh lớn nhất của cuộc sống khi người ta không tin mình, không tin người khác. Niềm tin cũng như hy vọng là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu trong cuộc sống.

Một chuyện xảy ra trên đường đi. Không có gì đặc biệt trong tình hình hiện nay. Ở đoạn đường mới bị sạt lở đầy rẫy cạm bẫy bởi sình lầy và những hố voi. Dòng xe hai chiều phải xếp hàng chờ nhau để bò qua một lối rãnh giống như con suối giữa hai bờ đất lầy.

Rồi bỗng nhiên một chiếc xe tải chở hàng bị sa lầy chắn lối. Chiếc xe tải cũ kỹ này dù đã tăng hết ga, gầm rú liên hồi vẫn không bò đi được. Hai bánh xe quay tít, tung tóe bùn đất. Vấn đề không phải ở lốp mòn không có ma sát. Cái chính là lực của động cơ không đủ mạnh để vượt qua. Người lái xe già phân trần: - “Hàng phải đưa đi gấp. Xe mới hết. Đành phải lôi cổ con ngựa già này”.

Ai cũng thông cảm. Giữa trưa, trời nắng gay gắt. Hết thảy lái xe trên con đường độc đạo này đều xắn quần tháo giày lội bùn tới chỗ xe tải bị nạn. Giúp người cũng là giúp mình. Nếu không giải thoát cho xe tải, tất cả các xe đều không đi được. Người ta xúm nhau lại nạo bùn, chèn đá, kê kích. Trong lúc hoạn nạn, tâm địa con người thể hiện rõ bản chất.

Khi các lái xe vật lộn với đất bùn để cứu giúp xe tải, một gã lái xe du lịch, vẫn sang trọng bảnh bao với giày đen áo trắng thắt cà vạt, đứng trên đất cao sa sả mắng chửi: “Già còn ham hố! Cái đồ bỏ đi lẽ ra phải vứt vào bãi rác, đi trên đường làm xấu mặt đường, còn gây tai nạn làm khổ người khác”. Hết chửi người lái xe tải, gã chửi dân giao thông làm đường: Ai cũng ngu, cũng dốt, cũng vô tích sự cả. Gã chỉ biến đi khi người lái xe tải lấm lem bùn đất hét lên: - Đậy cái mồm thối của mày lại!

Cuối cùng dân lái xe thống nhất phương án nối cáp nhờ xe chở xăng dầu lùi lại. Kéo chiếc xe tải thoát lầy. Mãi tới 2 giờ chiều (3 giờ tắc lối) chiếc xe tải mới được kéo ra khỏi con đường độc đạo để mở cho các xe ì ạch bò qua.

Chàng lái xe 7X hể hả nói: “Dân lái xe luôn thuộc lòng lời dặn cổ xưa, ở nhà nhờ cha mẹ, ra đường nhờ anh em”. Thiên hạ ngày nay luận bàn nhiều về sự vui sướng. Ngẫm ra, cảm giác khi vượt qua khó khăn thoát khỏi tai nạn luôn được xếp hàng đầu trong sự vui sướng. Giai điệu hành khúc trong bài hát “Qua miền Tây Bắc” lại vang lên.

Từ trong ra ngoài. Từ ngoài vào trong. “Qua miền Tây Bắc, núi ngút ngàn trùng xa. Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua...”. Trên đỉnh đèo Phađin, tôi nhận ra ấn tượng về những người đàn ông đẩy xe vượt lầy là những cơ bắp lưng vai được căng lên hết cỡ, nhễ nhại mồ hôi. Trong tổng thể những cơ bắp tràn trề sinh lực ấy còn có những da thịt xương vai gầy guộc của hai lái xe cựu chiến binh. Nhớ lại hình ảnh một số tượng đài tôi đã biết. Hình như ở các tượng đài của chúng ta còn ít da thịt con người. Tượng đài là để sống với thời gian. Đã sống phải có da có thịt.

3- Lên Tây Bắc trong tiết thanh minh (tháng 3 Âm lịch) mới thấy rõ được cái đẹp hùng vĩ bạt ngàn, trữ tình sâu lắng của Tây Bắc. Ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú và tinh tế. Theo đường số 6, lên Tây Bắc đến Điện Biên rồi qua cổng trời. Theo đường ngược lại, người ta nói lên Tây Bắc qua Lào Cai đến Cổng trời về Điện Biên.

Lẽ ra, theo cách nói thường tình từ vùng cao đến vùng thấp người ta gọi là xuống. Chênh lệch về độ cao thấp từ Điện Biên đến cổng trời hàng ngàn mét, vậy mà dân ta gọi hai điểm ấy là đến và về. Cách nói này gợi mở cho người nghe về ý nghĩa của tầm mức, ý nghĩa của độ cao và chiều sâu, ý nghĩa của lịch sử và địa lý.

Điện Biên hôm nay, tràn ngập ánh sáng. Ban ngày nắng trời. Ban đêm ánh điện. Không gian đồng bằng thoáng rộng, dường như điện sáng hơn. Đêm ngủ ở Điện Biên, trong cơn mơ, tôi thấy con sông Nậm Na chảy về Mường Lay, Điện Biên bị rất nhiều tàu khai thác vàng đào xới. Đủ các loại tàu lớn, nhỏ, bò cả lên sườn núi, lổm ngổm như những con khủng long. Chúng biến dòng Nậm Na mềm mại uốn lượn quanh co dưới chân núi ngút ngàn cây xanh và lất phất bông lau thành một con sông bê tông hóa thẳng băng, đục ngầu và cuộn sóng. Tôi kinh hãi kêu lên: Không được làm thế! Cũng may, chỉ là một cơn mớ!

4- Theo lẽ tự nhiên, về biển nhìn xa, đến núi non nhìn lên cao. Chưa nhìn thấy ngọn, chưa thấy núi. Ông bạn nhiếp ảnh liên tục hướng máy ảnh lên cao. Ông bảo: “Không có mây bay, không ra đỉnh núi”.

Lên Tây Bắc thấy núi cao vời vợi, để cảm nhận cái đẹp vời vợi. Cái đẹp của tiết cuối xuân đậm đà sâu lắng như sắc đẹp của hoa Trẩu, như sắc đẹp của người phụ nữ chuẩn bị bước sang tuổi 40. Người ta bảo, đàn bà ở tuổi “cuối băm, đầu bốn” là đàn bà nhất, là đỉnh điểm của đàn bà. Ở tuổi ấy, đàn bà biết mình muốn gì, là gì trong chốn nhân gian. Trước khi tàn phá nhan sắc, thời gian đã tạo dựng lên vẻ đẹp của đàn bà.

Ở trạm xe bus trên đường từ Hát Lót đến Cò Mòi của Lai Châu có người phụ nữ vai đeo túi xách, tay phải bế con nhỏ, tay trái dắt con lớn tất tả lên xe. Thời gian quá nhanh song cũng đủ cho tôi nhận ra cái đẹp đằm thắm mà mạnh mẽ ở hai cánh tay của người đàn bà. Thiên hạ ngày nay chỉ chú ý đến chân dài, để quên cánh tay. Thiếu hoàn chỉnh, thật đáng tiếc!

Mùa này, hoa Trẩu thay hoa Ban. Bạt ngàn, nhấp nhô trên núi rừng Tây Bắc một màu trắng mịn hoa Trẩu, màu của sữa bò thuần chủng Mộc Châu.

5- Nơi Cổng trời ăn trứng nướng, thấy cái vị béo bùi. Ở một bản người Tày vùng Lào Cai ăn vịt nướng thấy cái vị béo ngọt. Người Tày bảo, có thể thiếu mọi thứ nhưng không thể thiếu lửa. Trong nhà, nơi bếp ăn luôn có lửa. Đồ ăn thức uống của người vùng cao luôn có lửa.

Một thầy giáo người Tày ở vùng sâu của Lào Cai kể về công việc của mình: “Phải biết nhiều thứ để dạy dỗ đám trẻ, lại phải có sức khỏe, có kiến thức để giúp người lớn”. Anh kể một chuyện đã làm. Nhà nọ ở chon von trên núi cao. Có người đau đẻ dữ dội. Một ca đẻ khó phải phẫu thuật. Người chồng mời thầy mo đến cúng.

Thầy giáo họ Cổ biết chuyện vượt núi chạy tới. Anh thuyết phục người chồng đưa sản phụ đến bệnh viện huyện. Không có người khiêng cáng, thầy Cổ cùng người chồng cáng sản phụ đến bệnh viện. Băng rừng vượt suối trong đêm. Cũng may, còn đến kịp. Sản phụ sinh đôi. Cả bản mổ lợn ăn mừng. Hai con “lợn cắp nách” (loại lợn nhỏ chỉ nặng đến 12kg là cùng). Thầy Cổ vui vẻ bảo: “Mừng lắm, mừng rớt nước mắt”. 35 tuổi, sức sống căng tràn trên đôi vai thẳng, trên bắp chân cuồn cuộn của thớ thịt nâu sạm rắn chắc. Tiện miệng, tôi hỏi: - Làm thế nào để có sức khỏe tốt vậy?

Thầy giáo Cổ cười, nói: “Không biết giải thích đâu. Mình chỉ biết phải làm nhiều để trong nhà có nhiều gạo, ngô, ngoài vườn có nhiều lợn, lắm gà, bếp lửa thường cháy để nấu rượu, nướng thịt đãi khách. Vui nhiều, khỏe nhiều!”

Chân lý luôn đơn giản đến bất ngờ. Những chàng trai cô gái người Dao, người Mông, người Tày... ở vùng Tây Bắc có cái đẹp của lửa. Tây Bắc là vùng lạnh nhất của cả nước nhưng có lẽ cũng là vùng nhiều lửa nhất của cả nước. 

TRẦN VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục