Bóng đá TPHCM - sống để mà tin

Bài 2: Khi mọi thứ rối như canh hẹ

1.
Bài 2: Khi mọi thứ rối như canh hẹ

1. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) ra đời năm 1989 thay thế vai trò của Hội bóng đá Việt Nam (thành lập từ năm 1960), để điều hành các hoạt động bóng đá quốc gia. Từ cái mốc này, bóng đá Việt Nam từng bước hội nhập, gắn bó ngày càng chặt chẽ với các tổ chức bóng đá quốc tế từ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đến Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF).

Trước khi VFF ra đời, Hội bóng đá chỉ tồn tại về mặt danh nghĩa, còn mọi hoạt động đều do Tổng cục TDTT tổ chức và điều hành. Về cơ bản, FIFA không muốn nhà nước can thiệp trực tiếp vào các hoạt động chuyên môn; từ quan điểm đó VFF ra đời như một sản phẩm tất yếu của cuộc chơi để bóng đá quốc gia quay cùng quỹ đạo với bóng đá thế giới. VFF được sinh ra theo đúng quy luật nên không phát sinh những vướng mắc, các bên liên quan đều hài lòng. FIFA giúp đỡ, tài trợ VFF khá nhiều, rót tiền xuống để VFF xây dựng các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, thậm chí để xây trụ sở. 

Từ ngày VFF đứng ra điều hành các hoạt động bóng đá, gánh nặng trên vai Tổng cục TDTT nhẹ đi nhiều (ông trưởng bộ môn bóng đá của tổng cục hiện nay rảnh rỗi đến mức có thể kiêm nhiệm luôn vai trò HLV của Bình Dương là một ví dụ). Tổng cục vui vẻ “đứng ở phía sau”, chỉ quản lý về mặt nhà nước, báo chí thỉnh thoảng nhắc đến vai trò của tổng cục khi họ phê duyệt danh sách các đội tuyển, ký giấy triệu tập cầu thủ hoặc hỗ trợ kinh phí cho các đợt tập huấn nước ngoài hoặc chi trả lương cho HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Tóm lại, VFF càng làm được việc, tổng cục càng khỏe. Nếu cần “qua mắt” FIFA (thực ra tổng cục không cần), tổng cục hoàn toàn có thể “cài cắm” người của mình vào ban lãnh đạo VFF một cách nhẹ nhàng. Kết luận được rút ra: VFF ra đời từ một cuộc hôn nhân chính đáng, bên ngoại (FIFA, AFC, AFF) và bên nội (Tổng cục TDTT) đều thỏa mãn, cùng sẵn lòng chung tay chăm sóc “đứa con chung”. Chưa hề nghe thấy điều tiếng gì trong mối quan hệ giữa Tổng cục TDTT và VFF. Hiển nhiên, trong môi trường thuận lợi như thế VFF sống khỏe, lớn nhanh, làm được nhiều việc. 

Đội bóng CLB TPHCM: Con của ai?

Đội bóng CLB TPHCM: Con của ai?

2. Khác với VFF, các liên đoàn bóng đá địa phương ra đời không xuất phát từ một đòi hỏi bức thiết nào. SHB Đà Nẵng là đương kim vô địch V-League, nhưng địa phương này hiện không có liên đoàn bóng đá. Nghệ An, đệ tam anh hào, cũng không có, trong khi lại có liên đoàn bóng đá Phú Yên, Kon Tum, Yên Bái, mới đây nhất là Lạng Sơn.

Các tổ chức này không phải là một thiết chế bắt buộc, cho nên không hề có sự gắn bó hữu cơ giữa VFF và các liên đoàn thành viên, như mô hình mẫu mực FIFA - VFF. Thực tiễn cho thấy dưới mắt VFF, các liên đoàn địa phương giống như những “đứa con ngoài giá thú”, VFF chẳng giúp đỡ, tài trợ gì đáng kể, đã thế còn hục hặc, tranh chấp như đã từng xảy ra giữa VFF và Liên đoàn Bóng đá TPHCM. 

Bỏ qua một bên mối quan hệ lỏng lẻo giữa VFF và các liên đoàn “con”, người viết bài này vẫn tự thuyết phục mình tin rằng sự ra đời của các liên đoàn địa phương (kể cả ở các bộ môn bóng chuyền, quần vợt, điền kinh, võ thuật, bơi lội, xe đạp...) là động thái xã hội hóa sự nghiệp thể dục thể thao theo xu thế mới. Chủ trương này không có gì sai. Chỉ bất cập ở chỗ tư duy của những nhà lãnh đạo thể thao thành phố đã không theo kịp thực tiễn: sự hợp tác giữa Sở TDTT (bây giờ là Sở VH-TT-DL) và các liên đoàn thường xuyên xảy ra cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, dẫn đến thành tích thể thao ngày càng đi giật lùi, nếu bảo là yếu kém toàn diện cũng không phải là ngoa ngôn.

Một thành phố từng là trung tâm thể thao số một của cả nước, bây giờ thất bát về mọi mặt. Chỉ cần nhìn vào sự đóng góp ít ỏi đến mức xấu hổ của các vận động viên thành phố vào thành tích chung của cả nước qua các kỳ SEA Games gần nhất thì rõ. Trách nhiệm hiển nhiên thuộc về lãnh đạo Sở VH-TT-DL, không thể đổ lỗi cho ai khác. 

3. Ở SEA Games Chiang Mai 1995, đội tuyển bóng đá quốc gia có hàng loạt cầu thủ thành phố góp mặt: Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Liêm Thanh, Nguyễn Chí Bảo, Đỗ Khải, Lư Đình Tuấn. Bây giờ bói cũng không tìm ra lấy một người. Việc đội bóng cuối cùng của TPHCM bị xóa tên trên bản đồ V-League là hậu quả tất yếu của việc quản lý, điều hành kém cỏi nhiều năm liền của Sở VH-TT-DL - cơ quan quản lý nhà nước về TDTT, nơi những người ăn lương từ ngân sách để làm việc này.

Nếu chúng ta nhấn mạnh quá nhiều đến trách nhiệm của Liên đoàn Bóng đá thành phố, vô tình chúng ta xem nhẹ trách nhiệm và vai trò chủ đạo của Sở VH-TT-DL đối với sự thăng trầm của thể thao thành phố, bởi bóng đá không phải là trường hợp cá biệt trong sự suy thoái chung về mặt thành tích của thể thao TPHCM. Để xảy ra tình trạng thành tích tụt hậu thê thảm, tình trạng bất đồng trong công việc giữa sở và các liên đoàn, tình trạng chính sách, chế độ lẫn cách đối xử không công minh và công bằng, tình trạng các trường năng khiếu tê liệt, tình trạng hàng loạt vận động viên các bộ môn “xin chào tạm biệt thành phố yêu dấu” để đầu quân cho các địa phương khác, đó là trách nhiệm của Sở VH-TT-DL. 

4. Do đặc thù của hoàn cảnh, Sở TDTT thành phố trước đây có những giai đoạn sáng chói. Dĩ nhiên chúng ta không thể quay lại cách quản lý của thời bao cấp, nhưng nếu chúng ta quản lý điều hành nền thể thao xã hội hóa bằng lối tư duy bao cấp thì hệ quả còn tệ hại hơn, dẫn đến việc cơ thể của nền thể thao sẽ nảy sinh ra các loại bệnh tật mới. 

Cứ cho rằng các liên đoàn ra đời với mục đích chia sẻ trách nhiệm với Sở VH-TT-DL trong việc điều hành và phát triển các hoạt động chuyên môn, nhưng nếu lãnh đạo sở không biết tham mưu một cách thông minh cho chính quyền thành phố nhằm tạo ra được một hành lang thông thoáng, thuận lợi để các liên đoàn có thể vận động hiệu quả thì cả hai chẳng ai giúp ích được gì cho ai, thậm chí còn ngáng cẳng lẫn nhau.

Rồi đến lượt các liên đoàn loay hoay và bế tắc trong việc đề ra một chính sách hấp dẫn nhằm thu hút sự góp sức của xã hội, cụ thể là các doanh nghiệp thì rõ ràng mọi thứ ngày càng rối như canh hẹ. Lỏng lẻo trong quan hệ cả chiều dọc (VFF) lẫn chiều ngang (Sở VH-TT-DL), không khéo vai trò của Liên đoàn Bóng đá thành phố lại giống như một khúc ruột thừa. Hình ảnh đó cũng đang vận vào chính CLB TPHCM vừa rớt hạng đó thôi. Thân phận đội bóng này gần giống một “đứa con vô thừa nhận”, sống lay lắt hết năm này qua năm khác, khi nó đói bụng kêu khóc thì mỗi người cho bú một tí, nhưng hỏi nó là con ai - Liên đoàn Bóng đá thành phố, Thép Miền Nam hay Cảng Sài Gòn - ai là người có trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng nó thì thiên hạ đều lắc đầu, chỉ tay đi phía khác... 

>> Bóng đá TPHCM - sống để mà tin: Bài 1: Thời hoàng kim

CHU ĐÌNH NGẠN 
 

Tin cùng chuyên mục