Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009: Quy định thời lượng vở diễn không hợp lý

“Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc” (về kịch nói và cải lương) sẽ diễn ra tại TPHCM từ cuối tháng 9-2009, thế nhưng đến nay vẫn còn những bất cập khiến không ít nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật ngại tham gia…
Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009: Quy định thời lượng vở diễn không hợp lý

“Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc” (về kịch nói và cải lương) sẽ diễn ra tại TPHCM từ cuối tháng 9-2009, thế nhưng đến nay vẫn còn những bất cập khiến không ít nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật ngại tham gia…

Những ngày này, mỗi khi đến Hội Sân khấu TPHCM sẽ nghe những lời bàn tán và sự ngạc nhiên của nghệ sĩ về quy chế “Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc”, cả cải lương và kịch nói. Đó là quy định về thời lượng của một tác phẩm dự thi có độ dài tối thiểu 90 phút và tối đa không quá 120 phút. Theo quy chế này, không ít đơn vị nghệ thuật có chất lượng của TPHCM đành đứng ngoài hội diễn, dù rất muốn tham gia. Bởi lâu nay, hầu hết những vở diễn của các đơn vị nghệ thuật ở TPHCM hiếm khi dưới 120 phút, trừ phi đó là… kịch ngắn!

Nếu quy chế không được điều chỉnh, hầu hết vở diễn của các đơn vị nghệ thuật đều không thể tham gia, chứ không riêng gì vở “Ngàn năm tình sử”. Ảnh: VÂN AN

Nếu quy chế không được điều chỉnh, hầu hết vở diễn của các đơn vị nghệ thuật đều không thể tham gia, chứ không riêng gì vở “Ngàn năm tình sử”. Ảnh: VÂN AN

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương, tâm sự: “Lúc đầu, đơn vị nghệ thuật chúng tôi dự tính không tham gia. Nhưng sau đó, những lời động viên của nhiều đồng nghiệp và để không tự tách rời mình khỏi “dòng chảy” chung của sân khấu, chúng tôi hăng hái đăng ký hai vở Ngàn năm tình sử (tác giả Nguyễn Quang Lập, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc), Hợp đồng mãnh thú (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn Vũ Minh). Tuy nhiên, cả hai vở đều không hợp quy chế vì có thời lượng dài hơn 120 phút. Cả hai vở diễn này đều đã được phúc khảo, biểu diễn phục vụ đông đảo công chúng xem. Nếu như, chỉ vì để hợp quy chế phải cắt ngắn hai vở lại còn 120 phút/vở, thì sợ rằng sẽ không đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Cho nên để đảm bảo chất lượng vở diễn, cũng như thương hiệu của mình, chúng tôi sẽ không tham gia hội diễn”.

Không riêng đơn vị nghệ thuật của “bầu” Tuấn, rất nhiều đơn vị khác cũng chung cảnh ngộ. Chẳng hạn như Sân khấu Kịch Phú Nhuận, Kịch Hồng Vân của NSƯT Hồng Vân, đã chuẩn bị hai vở Mẹ và người tình (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Minh Nhí), Nỏ thần (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Đức Thịnh) khá công phu, nhưng cũng đều quá 120 phút/vở. Đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ: “Khi dàn dựng một vở diễn, chúng tôi luôn chủ động làm sao ngắn gọn, hấp dẫn khán giả, nhưng hầu hết cũng phải kéo dài hơn 120 phút, chứ không thể nào ngắn hơn…”.

Ở loại hình nghệ thuật kịch nói đã khó như thế, cải lương lại càng khó thực thi hơn nữa. Theo đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, trước đây chị dàn dựng vở cải lương Vợ và tình được xem là ngắn, chỉ có ba diễn viên, nhưng thời lượng cũng tốn hết 2 giờ 15 phút, bởi trong một vở cải lương, nghệ sĩ đâu chỉ có diễn, có thoại mà còn ca nữa. Cho nên, quy chế đưa ra từ 90 đến 120 phút/vở thì chắc chắn khó có vở cải lương nào “đủ chuẩn” tham dự hội diễn. Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM kiến nghị: “Theo tôi, các tác phẩm tham gia hội diễn có thời lượng từ 120 phút đến 150 phút là tốt nhất, hợp lý nhất”.

Với những “tâm tư” của các nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật ở TPHCM, rõ ràng quy chế của “Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc” (cả cải lương và kịch nói) cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của đời sống sân khấu, không nên cứng nhắc, vì như thế sẽ làm ảnh hưởng đến sự phong phú và tính hấp dẫn của hội diễn. 

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục