Đạo diễn Đào Bá Sơn: Trăn trở với “Long thành cầm giả ca”

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Trăn trở với “Long thành cầm giả ca”

Kịch bản “Long thành cầm giả ca” của tác giả Văn Lê, đoạt giải nhất cuộc thi viết về 1.000 năm Thăng Long (do Bộ VH-TT-DL và UBND TP Hà Nội tổ chức) đã được nhà nước đặt hàng cho Hãng phim Giải Phóng sản xuất, NSƯT Đào Bá Sơn là đạo diễn của bộ phim này. Theo dự kiến phim sẽ chính thức bấm máy vào tháng 10 tới để kịp tiến độ giao phim vào tháng 6-2010. Nhưng đến thời điểm này, anh hầu như không muốn nói nhiều về bộ phim, phần vì thời gian gấp rút, bận rộn và phần vì trong anh còn đầy những băn khoăn, trăn trở…

° Anh có bị áp lực bởi bộ phim hay không?

° Tôi bị thuyết phục bởi kịch bản ngay từ khi đọc nó dưới cương vị của một thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật của Hãng phim Giải Phóng. Khi ấy, tôi chưa hề nghĩ mình sẽ được giao làm. Đọc kịch bản, tôi hình dung ngay ra vẻ đẹp thơ mộng của thành Thăng Long, của những số phận con người trong thời khắc biến thiên lịch sử nghiệt ngã ấy. Giờ đây khi trở thành đạo diễn của bộ phim này, tôi thấy mình là một người may mắn. Bộ phim là một thách thức lớn đối với tôi vì tôi chưa bao giờ làm phim lịch sử, nhưng tôi nghĩ mình sẽ vượt qua dù nó khó khăn và gian nan… Thời kỳ đầu khi viết kịch bản phân cảnh, tôi hoàn toàn bị ám ảnh bởi câu chuyện, tôi viết phân cảnh trong một trạng thái vừa thích thú, vừa khó khăn, vừa lôi cuốn.

° Anh sẽ thực hiện nó thế nào?

° Trên tinh thần tôn trọng kịch bản của tác giả Văn Lê, đây là một phiên bản của thi hào Nguyễn Du, nên dù sáng tạo, thêm bớt gì thì tôi vẫn giữ vững thần thái ấy. Ý định của tôi là kể câu chuyện giống như một bức tranh lụa đẹp và buồn. Nhưng trên hết là sự tôn trọng sự thật lịch sử, những bối cảnh mang đậm dấu ấn văn hóa. Phim sẽ tránh tối đa kịch tính, xung đột, sắc độ tương phản. Tôi muốn tìm sự hấp dẫn theo kiểu nhẹ nhàng, trữ tình. Điều đó đòi hỏi sự thống nhất, hài hòa trong tổng thể từ kịch bản, quay phim, ánh sáng, diễn xuất của nhân vật, âm nhạc, vũ đạo…

° Anh đã tìm được diễn viên cho bộ phim?

° Tìm diễn viên cho bộ phim này khá vất vả. Đó phải là những diễn viên chuyên nghiệp, bởi các nhân vật đòi hỏi khả năng diễn xuất tốt. Nhân vật nữ chính trong phim phải mang vẻ đẹp cổ điển của những phụ nữ Việt Nam xưa: “mỏng mày hay hạt”, mắt một mí. Ngoài ngoại hình đẹp, nhân vật còn cần biết đàn, biết hát. Tôi đã từng phát hiện ra “cô ấy”, một diễn viên có ngoại hình hoàn toàn giống yêu cầu đặt ra, nhưng rất tiếc là cô ấy đã từ chối vì có kế hoạch cá nhân. Hiện nay tôi cũng nhắm được 1-2 gương mặt và cũng đã gửi kịch bản để các bạn đó đọc và chuẩn bị thử vai. Vai nam chính yêu cầu thần thái thông minh, nhân hậu, người đó phải có dáng vẻ nho nhã, đó là phẩm chất của Nguyễn Du… Một diễn viên nữa khá quan trọng trong phim đó là vai cô bé Cầm khi còn nhỏ. Cô bé này sẽ chiếm ¼ thời lượng phim. Tôi cũng đã tìm ra cô bé ấy.

° “Cầm giả ca”  - bài ca về người gảy đàn, ngay cái tên của bộ phim cũng cho thấy yếu tố âm nhạc và ca khúc trong phim đóng vai trò quan trọng?

° Âm nhạc đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong bộ phim này. Nó chính là diện mạo của bộ phim. Để làm nhạc cho phim đòi hỏi người nhạc sĩ phải am tường âm nhạc dân tộc, có thể sáng tác tốt những giai điệu, ca khúc đủ sức làm lay động lòng người. Tôi đã tìm được 2 nhạc sĩ giỏi để làm điều này. Kinh phí dự trù để làm được nhạc cho phim vào khoảng 500 triệu đồng…

Đạo diễn Đào Bá Sơn trong quá trình đi làm một bộ phim tài liệu tại Ninh Thuận.

Đạo diễn Đào Bá Sơn trong quá trình đi làm một bộ phim tài liệu tại Ninh Thuận.

° Có một số phim truyện nhựa và truyện truyền hình cũng được đặt hàng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Được biết kinh phí dành cho các tác phẩm này không nhỏ…

° Tôi nghe nói bộ phim truyền hình “Trần Thủ Độ” kinh phí hơn 50 tỷ đồng, còn đạo diễn Lưu Trọng Ninh nghe đâu sẽ không nhận làm “Chiếu dời đô” nếu kinh phí dưới 60 tỷ đồng. Tôi chỉ ao ước bộ phim này của mình có được 10 tỷ đồng để thực hiện. Những bộ phim lịch sử luôn tốn kém.

° Nhắc tới những bộ phim lịch sử là nhắc tới bối cảnh, đạo cụ, trang phục… Bộ phim truyền hình “Trần Thủ Độ” cũng đang thực hiện, thiết kế cho bộ phim này rất hoành tráng, anh có thể “mượn tạm” để giảm bớt chi phí cho “Long thành cầm giả ca”?

° Trước tiên phải nói là tôi rất xúc động và cảm ơn anh em, đồng nghiệp ở Hà Nội. Mọi người ai cũng nhiệt tình và tạo mọi điều kiện để chúng tôi làm việc. Hãng phim Hội Điện ảnh cho mượn văn phòng để casting diễn viên. Hãng phim Truyện 1 cho phép chúng tôi thoải mái vào kho đạo cụ để lựa chọn những gì phù hợp với “Long thành cầm giả ca”… Tuy nhiên, những thứ thực sự tốn kém thì chúng tôi lại không thể dùng chung do hai thời kỳ lịch sử hoàn toàn khác nhau. Bộ phim của chúng tôi ở vào giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn, còn bối cảnh trong “Trần Thủ Độ” lại thuộc triều Lý. Những trang phục dành cho vua, quan, chúng tôi phải may mới toàn bộ; những chiếc kiệu dành cho vua, quan… cũng khác nhau và phải đặt đóng mới có. Chỉ tính riêng chi phí cho bối cảnh, đạo cụ cũng lên tới trên 2 tỷ đồng, chưa kể trang phục khoảng 500 triệu đồng. Khi ra Bắc tìm bối cảnh cho “Long thành cầm giả ca”, tôi có dịp ghé thăm phim trường của “Trần Thủ Độ”, phải thú thực là tôi thèm và mơ ước bộ phim của tôi cũng có được điều kiện tốt như thế. Bộ phận sản xuất của họ rất năng động và chuyên nghiệp…

° Điều anh lo lắng nhất hiện nay đối với bộ phim “Long thành cầm giả ca”?

° Đó là tiến độ của bộ phim. Để kịp thời gian, bộ phim buộc phải bấm máy trong tháng 10. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn đang còn một số khúc mắc chưa được giải quyết. Trong khi đó, mọi thứ phải thống nhất thì đoàn phim mới có thể bắt tay vào công đoạn đầu tiên là may trang phục cho diễn viên. Nên biết, ở bộ phim này, dù là một diễn viên quần chúng cũng cần quần áo và hóa trang. Trách nhiệm của chúng tôi là phải tạo ra được không khí lịch sử, một không khí của thành Thăng Long đẹp và buồn dựa trên nền tảng văn hóa thuần Việt… Điều mà tôi mong muốn nhất hiện nay đó là “Long thành cầm giả ca” sẽ được tạo điều kiện tốt về bối cảnh, phục trang, đạo cụ và linh hồn của tác phẩm - âm nhạc - để có thể xây dựng nên một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục