Thời tiết chuyển mùa: Nhiều dịch bệnh... tấn công

Thời tiết chuyển mùa: Nhiều dịch bệnh... tấn công

Trong khi dịch tả, viêm não-viêm màng não chưa có dấu hiệu suy giảm thì nhiều dịch bệnh khác cả ở trẻ em lẫn người lớn đang có xu hướng gia tăng. Đó là dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, Rubella, hô hấp đang khiến nhiều bệnh nhân phải nhập viện. Thời tiết bắt đầu chuyển mùa từ nắng nóng kéo dài sang có mưa, được các chuyên gia y tế nhận định là nguyên nhân phát sinh nhiều dịch bệnh. Ghi nhận ngày 23-4 cho thấy tình trạng trên.

Bỗng dưng... đổ bệnh

Đã 7 tháng tuổi, bụ bẫm, khỏe mạnh nhưng cách nay 3 ngày, cháu L.V.T, ngụ quận 10,  bỗng dưng bỏ ăn, quấy khóc, miệng nổi mụn đỏ và liên tục nôn ói. Tưởng rằng cháu bị ngộ độc thức ăn, gia đình đưa vào BV Nhi đồng 1 nhưng qua xét nghiệm cho kết quả cháu T. đã bị mắc bệnh tay chân miệng. “Từ nhỏ đến giờ chưa khi nào cháu bị bệnh như vậy. Thường ngày cháu ăn, ngủ tốt lắm”, chị Vân, mẹ cháu T. nói. Hiện đang được điều trị tại khoa Nhiễm-Thần kinh BV Nhi đồng 1, cháu T. đã dần cải thiện sức khỏe nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi, đề phòng những biến chứng thần kinh có thể xảy ra.

Thời tiết chuyển mùa: Nhiều dịch bệnh... tấn công ảnh 1

Số trẻ chờ khám tại BV Nhi đồng 1 (TPHCM) tăng vọt. Ảnh: C.T.V.

BS cho rằng, dịch bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác trong năm nhưng có xu hướng gia tăng vào các tháng 4, 5 và 6. Để hạn chế dịch bệnh này, BS Khanh khuyến cáo phụ huynh chăm sóc vệ sinh cho con em mình và nhận thấy trẻ sốt cao, nổi mụn bóng nước ở bàn tay, bàn chân thì đưa ngay đến cơ sở y tế. Tại khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 2 cũng đang có nhiều cháu được điều trị do mắc bệnh tay chân miệng. “Thời tiết nắng nóng kéo dài, vệ sinh kém đang khiến dịch bệnh tay chân miệng gia tăng”, một bác sĩ cho biết.

Trong khi đó, sau một thời gian lắng xuống, dịch sốt xuất huyết bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. BS Lê Bích Liên, PGĐ BV Nhi đồng 1 cho biết, tuy số ca chưa tăng nhiều, nhưng vẫn có những trường hợp biến chứng xuất huyết nặng. “Khi bắt đầu có mưa xuống, phụ huynh nên triển khai ngay các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy kín  lu, vại, dẹp bỏ các vật chứa nước khác như vỏ xe cũ, gáo dừa, lọ hoa; và ngừa không cho trẻ bị muỗi đốt bằng cách mặc áo dài tay, ngủ mùng, thoa kem chống muỗi. Thấy trẻ sốt cao liên tục từ hai ngày trở lên mà chưa tìm thấy nguyên nhân gây bệnh thì đưa đến bệnh viện…” - BS Liên nói.

Cùng với đó, các bệnh sốt siêu vi, hô hấp cũng đang tăng cao do thời tiết thay đổi. “Trẻ em rất dễ bị viêm đường hô hấp. Đa số  là bệnh nhẹ với các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi…”, BS Lê Anh Tuấn, Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 cho biết. Ghi nhận trong tuần qua, BS Tuấn nói rất nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện do viêm đường hô hấp, viêm tiểu phế quản. Tại BV Nhi đồng 1 trong ngày hôm qua cũng có hơn 180 cháu được theo dõi mắc các bệnh về đường hô hấp, tăng hơn các tuần trước.

Cẩn trọng Rubella ở phụ nữ mang thai

Vừa được nạo phá thai cách nay 4 ngày nhưng chị Lý Thị B. ngụ Long Thành, Đồng Nai vẫn chưa hết bàng hoàng và sức khỏe chưa được cải thiện mấy. Cách nay một tuần, chị B. bỗng mệt mỏi, lên cơn sốt và nổi lấm tấm các nốt ban đỏ trên da. Đang mang bầu hơn 3 tháng, chị B. rất hoang mang và đã lên Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm. Tại đây các bác sĩ nghi ngờ chị B. bị mắc Rubella và đề nghị chị nên “giải quyết” bào thai. Tuy nhiên, để chắc ăn, chị B. qua BV Bệnh Nhiệt đới xét nghiệm. Kết quả là chị B. mắc Rubella và cũng được các bác sĩ khuyên phá bỏ thai nhi. “Thật đau đớn. Hôm trước trời đổ mấy cơn mưa, em đã thấy trong người khó chịu. Ai ngờ lại mắc bệnh nguy hiểm”, chị B. tâm sự.

BS Trần Văn Ngọc, BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, gần đây khá nhiều phụ nữ mang thai đến bệnh viện khám và đề nghị xét nghiệm Rubella. “Đây là một bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch và thường có những biểu hiện như sốt phát ban. Rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai như có thể gây sẩy thai hoặc thai nhi khi sinh ra dị tật, thiểu năng trí tuệ”, BS Ngọc nói.

Ban mọc lúc đầu ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân, thường không tuần tự như sởi. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính chừng khoảng 1-2mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Trong vòng 24 giờ ban mọc khắp người, chỉ sau 2-3 ngày là bay hết. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần lưu ý những biểu hiện bệnh để nhanh chóng đến cơ sở y tế điều trị.

Để phòng ngừa Rubella cho phụ nữ đang ở tuổi sinh đẻ, các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm ngừa vaccine. Khi tiêm ngừa vaccine Rubella phải sử dụng các biện pháp tránh thai hữu hiệu trong 3 tháng liên tục, gồm 1 tháng trước khi tiêm và 2 tháng sau khi tiêm.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục