Nhà văn mạng - Nghề hái ra tiền ở Trung Quốc

Nhà văn mạng - Nghề hái ra tiền ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, số nhà văn trên mạng của nước này hiện đã vượt qua mốc 1 triệu người. Tuy nhiên con số này không thật sự ấn tượng hơn thông tin “trong số trên, có rất nhiều nhà văn kiếm được hàng trăm ngàn NDT hoặc thậm chí hơn 1 triệu NDT mỗi năm”. Nghề viết văn trên mạng đang thực sự là nghề “hot”, hái ra tiền ở Trung Quốc.

Những khoản thu... giật mình
 
Cuối năm 2009, văn đàn mạng Trung Quốc xôn xao trước thông tin cây bút trẻ ở tỉnh Tô Châu, Chu Hồng Chí, 22 tuổi, với bút danh khá hài hước “Tôi thích ăn cà chua”, kiếm được tới 2 triệu NDT (tương đương 300.000 USD) trong năm từ các cuốn tiểu thuyết đăng tải trên internet.

Chu Hồng Chí - chàng trai 22 tuổi kiếm được gần 150.000 USD trong năm ngoái nhờ viết văn trên mạng.

Chu Hồng Chí - chàng trai 22 tuổi kiếm được gần 150.000 USD trong năm ngoái nhờ viết văn trên mạng.

Mặc dù đích thân Chu Hồng Chí lên tiếng cải chính rằng đây là con số phóng đại, thực tế chỉ… hơn 1 triệu NDT (khoảng 2,8 tỷ đồng), nhưng khoản thu nhập này cũng khiến nhiều người giật mình.
 
Sau “hiện tượng” Chu Hồng Chí, số người viết văn trên mạng ngày càng sinh sôi nảy nở một cách nhanh chóng.

Từ một người làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu ở tỉnh Zhejiang và luôn không hài lòng với cuộc sống, cách đây 6 năm, chàng trai có bút danh “Sparkle” thử viết một tiểu thuyết ngắn trên mạng và giờ đây đã trở thành một nhà văn online chuyên nghiệp với đề tài về quân đội. Anh viết cho qidian.com, một nhà xuất bản trên mạng.

Lần bén duyên đầu tiên với nghiệp văn chương trên mạng đó, “Sparkle” đã rất bất ngờ vì anh không thể tưởng tượng anh có thể dễ dàng kiếm được 1.400 NDT - số tiền mà có thể nuôi sống anh trong 2 tháng từ một truyện ngắn viết trên website.
 
Còn đối với nhà văn sinh viên có bút danh trên mạng là “Flowers Laugh To Me”, cô bắt đầu tự viết tiểu thuyết bởi vì cô nhận thấy rằng những cuốn tiểu thuyết cô đang đọc chưa hay lắm. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cô không thu hút được bạn đọc, nhưng nửa năm sau đó, cô viết cuốn tiểu thuyết thứ hai và thành công đã vượt ngoài mong đợi.

Bạn đọc phản hồi liên tục và lượng truy cập tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, cô viết từ 3 đến 5 giờ/ngày và kiếm được 3.000 - 4.000 NDT/tháng. Tính các khoản thu từ việc phát hành sách và truyện cho các tạp chí trên mạng, hiện nay, cô kiếm được gần 100.000 NDT/năm, mặc dù còn đang là sinh viên.

Vì sao văn học mạng “đắt hàng”?

Thu nhập của các cây viết được tính theo số lượng bạn đọc đăng ký và mỗi người phải trả 1 hào (0,1 NDT) cho 5.000 từ. Trang web sẽ phải trả 50% - 70% số tiền thu được cho nhà văn. Nếu nhà văn “sản xuất” tác phẩm càng nhanh, tỷ lệ ăn chia càng cao.

Thông thường, nếu một tác phẩm được khoảng 20.000 người đọc và nhà văn đó viết khoảng 300.000 từ/tháng, họ có thể đạt thu nhập lên tới gần 100.000 NDT/tháng.

Chu là một trong những nhà văn hạng “bạch kim” trên mạng với hơn 20.000 fan sẵn sàng trả tiền để đọc tiểu thuyết của anh. Mỗi tháng Chu viết gần 300.000 chữ nên năm ngoái thu nhập hơn 1 triệu NDT là chuyện dễ hiểu.

Cũng không khó để trở thành một nhà văn mạng như nhiều người trong cộng đồng này nhận định. Người viết chỉ cần mở tài khoản với một website văn học, viết bất cứ điều gì họ thích, ngoại trừ nội dung khiêu dâm và một số điều cấm kỵ khác và rồi tải lên.

Bạn đọc chọn đọc tiểu thuyết trên mạng ngày càng tăng còn vì yếu tố tiện lợi và rẻ tiền. Một cuốn sách in với giá 30 - 40 NDT, thì một cuốn tiểu thuyết trên mạng chỉ có giá 4 - 5 NDT.
 
Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người trên văn đàn, cuộc sống của một nhà văn mạng cũng rất khó khăn và nhàm chán. Sự cạnh tranh trên văn đàn mạng ngày càng quyết liệt. Một tác phẩm được tung lên luôn có số phận mịt mờ vì nó phụ thuộc vào bạn đọc.

Và những nhà văn online cũng đối mặt với tương lai bất định bởi họ có thể bị chìm trong làn sóng người viết đông đảo hiện nay. Với chiếc laptop luôn kè kè bên cạnh mọi lúc, mọi nơi, họ buộc phải viết ngay lập tức mỗi khi có thời gian.

Họ viết cả trong khi đi mua sắm, khi ăn, hay thậm chí khi đang nằm nghỉ ngơi. Nhiều người thậm chí viết hơn 10 giờ/ngày. Ngay cả khi họ viết được một vài tiểu thuyết hay, họ cũng phải lo lắng về việc bị ăn cắp bản quyền, điều xảy ra thường xuyên ở nước này.
 
Nổi tiếng giàu có ở độ tuổi còn quá trẻ nhưng Chu Hồng Chí cũng thổ lộ rằng, những nhà văn online gặp không ít khó khăn, điều này mọi người khó mà biết được. Lời khuyên của tác giả “Tôi thích ăn cà chua” là “các bạn trẻ nên cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định bỏ việc hay bỏ học để trở thành nhà văn mạng”.


HẠNH CHI (Theo China Daily)

Tin cùng chuyên mục