Dọc đường góp nhặt

Dọc đường góp nhặt

Thái Lan đã quá quen, nhưng không có nghĩa là cũ rích, vẫn có những điều trông thấy ở xứ người, để rồi… giật mình.

Chuyện thứ nhất: Thật chẳng thể nào quên khung cảnh công viên thanh bình nằm bên cạnh Hoàng cung, với hàng đàn chim bồ câu quẩn quanh chân người. Ngay giữa lòng đô thị, người Thái dám dành hẳn một khoảng đất rộng để già trẻ chơi thả diều, thả sự tưởng tượng lên trời cao. Nếu theo lối tính toán “tấc đất tấc vàng”, thực dụng, ai lại bỏ trống khoảng đất béo bở đến thế, bét lắm thì cũng mở ra một khu giải trí gì đó để… thu tiền vé. Nhưng không, ở đây, miễn phí. Chợt nhớ, Mạc Can đã… lãng mạn đến xót xa về giấc mơ cánh đồng diều trong truyện ngắn của anh (cũng là giấc mơ của nhiều người).

Một thắng cảnh ở Bangkok. Ảnh: C.T.V.

Một thắng cảnh ở Bangkok. Ảnh: C.T.V.

Chuyện thứ hai: Chùa Sự Thật tọa lạc ngay mũi Rachvate nhìn ngắm ra biển cả xanh ngắt (ở Pattaya), cao 100m, tương đương với cao ốc 20 tầng, nội thất rộng 2.115m², kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ chạm trổ tỉ mỉ. Những cụm tượng gỗ khắc nên một số hình tượng từ hai trường ca Mahabharata và Ramayana. Đặc biệt, 4 tháp hình chóp mang các biểu tượng: hoa sen (biểu tượng sự hình thành Đạo), cuốn sách (biểu tượng sự liên tục và bất tử của triết học), chim bồ câu (biểu tượng hòa bình), đứa bé (biểu tượng về dòng chảy của sự sống). Trên đỉnh của tháp cao nhất có hình tượng con ngựa, biểu tượng cho Phra Sri Ariyametrai, một Bồ Tát đem lại ánh sáng. Trong cõi nhân sinh, chợt khao khát biết bao một bến bờ của tấm lòng sáng hơn, trong hơn…

Chuyện thứ ba: Ở quãng giữa đại lộ Rajdamnoen Klang, nối Hoàng Cung với khu vực Hoàng gia mới Dusit, hiện ra oai nghiêm một cụm điêu khắc rất khoáng đạt. Đó là công trình mang tên Đài kỷ niệm Dân chủ. Tôi hỏi anh Kittipart, một doanh nhân người Thái, về “lai lịch” Đài Dân chủ.

Kittipart sốt sắng, cho biết: Đài được xây dựngï nhằm kỷ niệm cuộc cách mạng năm 1932. 4 cánh của tháp với chiều cao 24m ám chỉ ngày 24-6 (thời điểm của sự thay đổi hiến pháp) và 75 khẩu thần công quanh vành đai nhắc đến mốc năm 2475 Phật lịch (tức năm 1932). Thực hiện những bức điêu khắc của tượng đài là Corrado Feroci, một điêu khắc gia người Ý được Vua Rama VI mời đến Thái Lan. Tuyệt thật! Tôi nhìn thấy một “bằng chứng” mở cửa cho sáng tạo và tài trí từ nơi khác đến, miễn làm đẹp cho bản xứ, cho quê hương.

Trong lịch sử làm nên Sài Gòn xưa và TPHCM nay, không dễ nơi đâu trong cả nước có truyền thống dày đặc như ở Sài Gòn trước năm 1975, với hàng loạt phong trào đấu tranh của tầng lớp trí thức, sinh viên học sinh, của các bà má, các chị buôn thúng bán bưng. Những phong trào đấu tranh dân sinh và dân chủ được dát bằng máu xương, dát bằng trí tuệ trong những trang thơ văn, trang nhạc hừng hực lửa. Còn dát bằng tượng đài, quảng trường - để kỷ niệm tầm vóc bất khuất của phong trào hát cho đồng bào tôi nghe, của tinh thần dậy mà đi?

Tôi đang có một giấc mơ sâu lắng, từ những chuyện dọc đường góp nhặt.

Việt Thư

Tin cùng chuyên mục