Tạp bút

Bà ơi, bán cho con lon nén!

Bà ơi, bán cho con lon nén!

1. Sài Gòn là thành phố chợ. Không tính những siêu thị hiện đại mọc lên nhan nhản gần đây, Sài Gòn có xấp xỉ 200 chợ lớn nhỏ, có những ngôi chợ tồn tại rất lâu, thậm chí trên 200 năm như chợ Kim Biên. Chợ nổi tiếng thì nhiều, ngoài Kim Biên còn có các ngôi chợ lừng danh khác: chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Bà Chiểu... Nhưng với tôi, ngôi chợ độc đáo nhất là chợ Bà Hoa ở Tân Bình.

Chợ Bà Hoa được xem như ngôi chợ Quảng Nam giữa lòng Sài Gòn. Ở đó, có thể tìm thấy hầu như không thiếu một thứ gì của xứ Quảng: đường bát, khoai lang khô, bánh tổ, bánh nổ, dưa gang... Mì Quảng là món ăn đặc trưng và nổi tiếng nhất của Quảng Nam, nhưng người ta có thể tìm thấy quán mì Quảng ở nhiều nơi trong thành phố, ngay cả sợi mì Quảng các bà nội trợ vẫn có thể mua ở chợ Bến Thành quận 1 hay chợ Nguyễn Tri Phương quận 5. Nhưng với các món tôi vừa kể trên, chỉ có thể tìm thấy ở chợ Bà Hoa.

Các món đặc trưng xứ Quảng ở chợ Bà Hoa: mít trộn (ở trên, bên trái), bánh tổ (ở trên, bên phải), bánh rò (ở dưới, bên trái), lòng xào nghệ (ở dưới, bên phải). Ảnh: VIỆT QUÊ

Các món đặc trưng xứ Quảng ở chợ Bà Hoa: mít trộn (ở trên, bên trái), bánh tổ (ở trên, bên phải), bánh rò (ở dưới, bên trái), lòng xào nghệ (ở dưới, bên phải). Ảnh: VIỆT QUÊ

2. Nhưng đường bát, khoai lang khô hay dưa gang vẫn chưa phải là “hàng độc”. Dĩ nhiên chỉ chợ Bà Hoa mới có mấy thứ đó, nhưng người Sài Gòn nhìn vô biết ngay đường bát tức là đường, khoai lang khô tức là khoai lang, cũng như dưa gang tức là... dưa. Chỉ có củ nén, người miền Nam chẳng biết nó là thứ gì đã đành, cũng chẳng biết nó... dùng để làm gì: “Củ này là củ gì vậy bà?”, “Củ này dùng để làm gì vậy bác?”... Thấy củ nén, trăm người như một mắt đều trố lên như nhau và miệng đều hỏi những câu giống nhau.

Chưa kể, trong chợ Bà Hoa chỗ này bày đường bát thì chỗ kia bày dưa gang, thức nào chỗ đó. Riêng nén, gặp mùa, cứ đi vài ba bước dọc chợ lại thấy một thúng nén nằm phơi mình trong nắng. Cả chợ trắng xóa, ấn tượng vô cùng!

3. Ở thôn quê Quảng Nam, hầu như nhà nào cũng trồng vài vạt nén. So với hành, nén dễ trồng, dễ chăm sóc hơn nhiều. Trồng nén cũng không cần lên vồng cao như trồng khoai lang, chỉ cần vạt đất cao chừng nửa gang tay để phòng ngập nước lúc trời mưa. Nén để làm gì? Trước tiên là đề khử dầu. Người Sài Gòn hay khử dầu bằng tỏi. Người Quảng khử bằng nén.

Đặc biệt, nén mà dùng để khử dầu phụng thì hết ý. Dầu phụng khử nén dùng nấu mì Quảng hay các món chiên xào, hương vị thơm ngon khó tả. Có người mê nén đến mức thứ gì cũng ướp nén, kể cả... bánh tét. Nén còn dùng để nấu chè, gọi là chè nén, có tác dụng giải cảm. Nén nấu cháo hay ngâm rượu cũng có tác dụng tương tự.

4. Củ nén thuộc họ hành, còn gọi là hành tăm hay hành hoa. Nói về công dụng và cách thức chế biến củ nén (cả lá nén) để trị bệnh thì nhiều, nói không khéo lại sa đà vô lãnh vực của các nhà y học. Thực sự tôi chỉ nhớ nhất món cá chuồn chiên dồn củ nén. Hồi bé những lúc đói bụng tôi hay luẩn quẩn trong bếp xem mẹ tôi làm thức ăn, càng xem bụng càng đói thế mà vẫn cứ khoanh tay ngang bụng ngồi thu lu xem.

Tôi nhớ mồn một cảnh mẹ tôi cắt vi cá chuồn, làm sạch bụng cá rồi cho củ nén, tỏi, hành, ớt, củ nghệ vào cối giã cho nát, xong nhét vào bụng cá. Sau đó, gập con cá làm đôi, bắc chảo lên chiên vàng cả hai mặt. Cá chuồn chiên dồn củ nén mà ăn với nước mắm Nam Ô giã ớt tỏi, chỉ nghĩ tới thôi đã thấy nước bọt ứa đầy khe răng!

Mì Quảng là món ăn đặc trưng và nổi tiếng nhất của Quảng Nam. Ảnh: C.T.

Mì Quảng là món ăn đặc trưng và nổi tiếng nhất của Quảng Nam. Ảnh: C.T.

5. Củ nén còn gợi tôi nhớ đến những ngôi chợ quê, vào cái thời mà người ta còn bán bằng đơn vị lon. Gạo, ốc ruốc, quả sim, nhộng, nén... thứ gì cũng bán lon. Hồi nhỏ mỗi lần xin được tiền của mẹ, tôi sung sướng nắm chặt tờ giấy bạc trong tay, chạy ù xuống chợ, hổn hển trước các mủng mẹt: “Bán cho con một lon sim”, “Bán cho con một lon ốc ruốc”... Bây giờ, hầu hết các mặt hàng đã chuyển qua bán bằng đơn vị kilogam, riêng củ nén vẫn thấy bán bằng lon.

Bán theo lon có khác với bán theo kilogam? Có, nhưng điểm khác biệt rất khó nhận ra, lại không liên quan gì đến lãnh vực thương mại. Bán theo kilogam, lúc bắt lên cân, cây kim trỏ hơi lố một chút, người bán lập tức bớt lại cho đúng số lượng, không nghĩ ngợi - như một phản xạ. Sòng phẳng, chính xác, rạch ròi, xét về mặt kinh doanh thì không có gì đáng phàn nàn, nhưng xét về tình cảm có chút gì đó hơi lạnh lùng.

Bán theo lon lại khác: khách mua một lon ốc ruốc, một lon nhộng, một lon tiêu, một lon nén, bà hàng thấy người mua lịch sự hoặc có giọng nói nhỏ nhẹ ngọt ngào hoặc có nét mặt hiền lành, dễ ưa (như tôi hồi nhỏ?) bao giờ cũng tự động bỏ thêm một nắm, cho lon vun cao lên một chút, mắt hấp háy còn miệng thì cười móm mém: “Bà thêm cho con nè”.

Câu nói đó, ánh mắt đó, miệng cười đó, đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in và hiện nay bạn vẫn có thể tìm thấy nếu một ngày đẹp trời nào đó bạn ghé chợ Bà Hoa, lần bước tới sạp hàng bày các thúng chứa thứ củ gì tròn tròn, nho nhỏ, trăng trắng và nói với bà hàng trông giống hệt bà nội bạn ở nhà: “Bà ơi, bán cho con lon nén”, mặc dù cho đến lúc đó có thể bạn chưa từng nhìn thấy củ nén bao giờ!

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục