Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh nặng nợ với đề tài chiến tranh

Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh nặng nợ với đề tài chiến tranh

Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh vừa nhận giải thưởng  Prince Claus (giải thưởng Quỹ Hoàng thân Claus – Hà Lan). Đây là giải thưởng cao quý dành cho những nghệ sĩ có nhiều đóng góp và thành tựu nổi bật trong lĩnh vực văn hóa.

Tác phẩm nạn nhân chất độc da cam của nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh.

Tác phẩm nạn nhân chất độc da cam của nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh.

Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh (SN 1968) theo gia đình di cư sang Mỹ lúc 10 tuổi và theo đuổi ngành nghệ thuật khi rất trẻ. Anh đã nghiên cứu và sáng tạo ra kỹ thuật tạo hình tân tiến, dựa trên kỹ thuật thủ công truyền thống của Việt Nam để tạo nên các hình ảnh đan dệt mang nhiều ý nghĩa.

Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật tại ĐH Santa Barbara và thạc sĩ nghệ thuật ngành nhiếp ảnh và truyền thông tại Trường Nghệ thuật trực giác ở New York, sau đó anh trở về Việt Nam vào năm 1993 và tiếp tục khám phá nghệ thuật. Đặc biệt, anh thường chọn đề tài chiến tranh để bày tỏ suy tư, trăn trở, đồng thời thông qua các tác phẩm để nói lên thông điệp hòa bình. Trong nhiều tác phẩm khác, anh lên án tội ác diệt chủng, vẻ hào nhoáng giả tạo của sự xa hoa và quảng bá Việt Nam là một thiên đường du lịch lý tưởng.

Một trong những tác phẩm ấn tượng gần đây nhất là video Biển Đông Pishkun (2009), một hoạt cảnh 3D tái hiện cảnh một chiếc máy bay trực thăng của quân đội Hoa Kỳ rơi xuống biển Đông khi đang tháo chạy khỏi Sài Gòn vào năm 1975.

- PV: Thuộc thế hệ nghệ sĩ trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm về những năm tháng chiến tranh, vì sao anh lại chọn đề tài này ?

>> NS LÊ QUANG ĐỈNH: Tôi đã xem nhiều bộ phim về chiến tranh Việt Nam do người Mỹ thực hiện. Các bộ phim này chỉ nói về những mất mát đau khổ của người Mỹ mà quên đi những mất mát đau thương to lớn gấp hàng trăm lần của nhân dân Việt Nam. Cấu trúc những câu chuyện, bộ phim của họ làm bỏ qua vai trò của nhân dân Việt Nam – xem nhân dân Việt Nam chỉ là người đứng bên lề cuộc chiến. Điều đó cho thấy phim chiến tranh mà người Mỹ đã làm rất thiên lệch và chưa nói được đầy đủ những chi tiết và yếu tố cần thiết để thông tin khách quan đến công chúng thế giới về cuộc chiến tại Việt Nam. Mặt khác, lúc nhỏ ở Việt Nam, tôi cảm nhận được chiến tranh là sự chết chóc, thế nên, trong ký ức, chiến tranh Việt Nam ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến suy nghĩ của tôi. Đó là tâm tư, là lý do để tôi mặn mòi với đề tài chiến tranh trong các tác phẩm của mình.

- Hoạt động nghệ thuật gần đây nhất của anh?

Tôi đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về lịch sử Việt Nam. Trong dự án nghệ thuật mới, tôi đã gặp các họa sĩ lão thành cách mạng: Huỳnh Phương Đông, Vũ Giáng Hương, Quách Phong… để dựng phim và dự tính sẽ tổ chức một chương trình triển lãm tranh biếm họa của các họa sĩ lão thành cùng video clip tôi.

- Sau khi nhận giải thưởng vinh dự này anh tâm tư điều gì cho nghề và anh có hoạch định gì cho hoạt động của Sàn ART?

Văn hóa là nhu cầu cơ bản, nó không phải là cái gì đó xa hoa, nó rất gần gũi và cần thiết cho cuộc sống, đó cũng là động lực giúp tôi tiếp tục theo đuổi niềm say mê nghệ thuật không ngừng nghỉ. Sàn ART thành lập năm 2007, là tổ chức phi lợi nhuận nên giải thưởng này sẽ hỗ trợ về kinh phí để Sàn ART có thể thực hiện được các dự án trong năm tới. Trong những năm qua, Sàn ART cũng tổ chức được nhiều buổi triển lãm, giao lưu giữa các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam và bước qua năm 2012, cứ mỗi 6 tháng, sàn ART sẽ chọn 6 họa sĩ trẻ, tiêu biểu của cả nước, trong đó có 1 hoặc 2 họa sĩ trong khu vực Đông Nam Á, để hỗ trợ, giúp các họa sĩ trẻ có thể mạnh dạn sáng tạo những tác phẩm mới, sau đó tổ chức triển lãm giới thiệu các tác phẩm đến công chúng.

Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh đã trưng bày các tác phẩm của mình rộng rãi trên thế giới, trong đó có các trưng bày cá nhân: Tấm thảm hồi ức tại Bảo tàng nghệ thuật Bellevue, bang Washington; Đích đến cho một thiên niên kỷ tại Trung tâm Xã hội Á châu, New York… Ngoài ra, các tác phẩm của anh hiện đang được trưng bày tại các bảo tàng ở San Francisco, Los Angeles, Bảo tàng Nghệ thuật Phần Lan, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Bảo tàng Nghệ thuật châu Á Fukuoka…

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục