Vĩnh biệt nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp

Sau một thời gian lâm bệnh, do tuổi cao, sức yếu, nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12 giờ 45 phút ngày 9 – 1, tại TPHCM.
Vĩnh biệt nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp

(SGGPO). – Sau một thời gian lâm bệnh, do tuổi cao, sức yếu, nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12 giờ 45 phút ngày 9 – 1, tại TPHCM.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1-10-1931, quê quán ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông bắt đầu sáng tác năm 17 tuổi. Đến năm 26 tuổi, ông tập kết ra Bắc, học Trường Âm Nhạc Việt Nam và sau đó sáng tác ca khúc "Câu hò bên bờ Hiền Lương" (viết chung với nhạc sĩ Đằng Giao vào năm 1957).

Từ năm 1955 đến 1975, ông sống ở Hà Nội và viết khá nhiều ca khúc cho dòng nhạc cách mạng. Ngoài bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương", còn có các ca khúc nổi tiếng khác như: Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Đất quê ta mênh mông, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Lá Đỏ.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Hiệp trở về miền Nam sinh sống và làm việc, viết, phổ thơ rất nhiều ca khúc nổi tiếng và đa dạng thể loại đề tài cho nền âm nhạc nước nhà như: Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội, Sao anh không kể, Tổ Quốc mà không có, Đồng Nội, Khúc thơ tình cho người lính biển, Thành phố tôi yêu, Hoa hồng, Trở về dòng sông tuổi thơ, Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em, Về phía ấy tình yêu, Đánh mất, Chiều ấy...

Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bến Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và vợ tại lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và vợ tại lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.

Khi nói về đặc điểm sáng tác của mình, ông nhìn nhận luôn trung thành với bản thân ngay từ đầu. Ông cho rằng mình đã tạo được phong cách cấu tứ riêng, tận hưởng ít nhiều âm hưởng nhạc dân tộc cũng như phối hợp âm hưởng nhạc hiện đại phương Tây.

Ông hiểu nhạc mình. Ông có tài phổ thơ. Hơn 70% lời nhạc của ông trở thành nổi tiếng được phổ từ thơ. Ông nói: "Tôi đã gặp những bài thơ khi đang nuôi nguồn cảm xúc về đề tài nào đó" và chính sự gặp gỡ đó là định mệnh cho sự kết hợp giữa thơ và nhạc, làm lay động lòng người.

Được biết, ngày 8 – 1 – 2013, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã được trao Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. 

Khi nhắc về nhạc sĩ Hoàng Hiệp, không chỉ nhiều thế hệ công chúng yêu thích những ca khúc của ông mà ngay cả những người trong giới âm nhạc cũng quý mến và đánh giá cao tài năng sáng tác của ông. Chính vì thế, sự ra đi về cõi vĩnh hằng của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã để lại bao tiếc thương trong lòng đồng nghiệp, công chúng mến mộ. Và chắc chắn một điều rằng, nhớ về nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp, bao thế hệ ca sĩ, công chúng sẽ vẫn mãi ngân nga: “Nhớ về Hà Nội”, “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây”,“Em vẫn đợi anh về!”…

Hiện, linh cữu của nhạc sĩ Hoàng Hiệp được quàn tại Nhà tang lễ TPHCM (25 Lê Quý Đôn, TPHCM). Sau đó sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang TPHCM.

Đỗ Hạnh (tổng hợp)
 
 

Tin cùng chuyên mục