Hưởng lợi từ văn hóa

Đêm Trung thu vừa rồi tại Nhà hát Tây Đô xảy ra một hiện tượng lạ, cả 10 năm nay mới có: “cháy” vé chương trình văn nghệ Mùa trăng yêu thương. Nội dung chương trình khá phong phú. Ngoài nhóm văn nghệ của Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều còn có sự tham gia của nhóm “Ngôi nhà tuổi thơ” thuộc Nhà hát Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần - TPHCM.

Đêm Trung thu vừa rồi tại Nhà hát Tây Đô xảy ra một hiện tượng lạ, cả 10 năm nay mới có: “cháy” vé chương trình văn nghệ Mùa trăng yêu thương. Nội dung chương trình khá phong phú. Ngoài nhóm văn nghệ của Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều còn có sự tham gia của nhóm “Ngôi nhà tuổi thơ” thuộc Nhà hát Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần - TPHCM.

Trời mưa nhưng 427 vé được bán hết veo. Kết thúc chương trình mà người lớn cũng chưa muốn về. “Lạ nghe. Dân đồng bằng thu nhập đâu như dân TP, bỏ cả trăm ngàn đồng coi hát phân vân lắm. Ông nhớ lại những buổi công diễn khác chưa? Băng rôn cờ quạt trước cả tuần, loa trên xe quảng cáo “nghệ sĩ lớn” oang oang khắp ngõ phố nhưng bàn vé trước cửa nhà hát sát giờ diễn vẫn lặng lẽ muốn khóc”, ông Sơn ôm đứa cháu, né dòng người đi ra nói vậy. 

“Truyền hình, băng đĩa vô từng căn hộ nên để khán giả chịu bỏ cả trăm ngàn đồng đến coi, mình phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng buổi diễn. Tính chuyên nghiệp không chỉ ở “thương hiệu” đoàn hát, cá nhân nghệ sĩ mà ngay từ khâu giới thiệu “treo gì phải có nấy”, đúng, đủ tên tuổi nghệ sĩ tham gia cho đến chọn lựa nội dung từng chương trình, tiết mục phù hợp. Khán giả được yêu cầu tránh ăn mặc phản cảm, ngồi đúng số ghế… Lòng tin sẽ bắt đầu từ những việc rất cụ thể đó”, anh Lê Thanh Dũng, phụ trách Phòng Tổ chức biểu diễn Nhà hát Tây Đô chia sẻ. 

Đặc biệt, Nhà hát Tây Đô đang từng bước thực hiện việc “chuyển giao công nghệ” biểu diễn. Các diễn viên kịch Nhà hát Tây Đô sẽ diễn kết hợp cùng diễn viên Nhà hát kịch 5B TPHCM, sau đó sẽ nhận vai phụ, tiến dần tới đảm đương vai chính. Đây là bước đi “khôn ngoan” vừa giữ được chất lượng chương trình, giữ được khán giả lại tạo dần nội lực cho mình. Việc chuyển giao sẽ mở rộng thêm loại hình (cải lương, ca múa nhạc…) và cả âm thanh, ánh sáng. Hoạt động này mở ra khả năng liên kết với các địa phương bạn, nhất là TPHCM.

“Cả Nhà hát Tây Đô lao ra đường mỗi khi có chương trình. Anh em tự đi ra chợ, các điểm trường, khu dân cư… phát tờ rơi. Cán bộ thì tìm kiếm, vận động nhà tài trợ. Tất cả cho sân khấu luôn đỏ đèn”, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô Trần Văn Thiện chia sẻ. Gần đây, bên cạnh các đơn vị trực thuộc như Đoàn ca múa nhạc Lưu Hữu Phước, Đoàn cải lương Tây Đô… Nhà hát Tây Đô vừa thành lập thêm Câu lạc bộ Âm nhạc truyền thống để đưa đờn ca tài tử, câu hò điệu lý đến với du khách phương xa. Một luồng sinh khí mới, cùng nhìn về một hướng đã xuất hiện. Người Cần Thơ được “hưởng lợi văn hóa” nhiều hơn từ sự năng động đó.

Hiện tượng cháy vé chương trình văn nghệ “Mùa trăng yêu thương” tại Nhà hát Tây Đô hé lộ phần nào hướng đi tươi sáng hơn cho ngành văn hóa nghệ thuật Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục