Lấp lánh dù kê

“Tôi luôn mang vào lòng một tình cảm sâu sắc rằng, dù kê không thể phai nhạt và mất đi…”, Thạch Si Phonl của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu trải lòng như vậy. Và đó cũng là mong mỏi của nhiều người.
Lấp lánh dù kê

“Tôi luôn mang vào lòng một tình cảm sâu sắc rằng, dù kê không thể phai nhạt và mất đi…”, Thạch Si Phonl của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu trải lòng như vậy. Và đó cũng là mong mỏi của nhiều người.

        Độc đáo dù kê

Dù kê còn có tên gọi khác Lakhon Bassac, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassac (vùng sông Hậu). “Đó là sáng tạo của người Khmer trên đất Nam bộ. Cần phải hiểu rõ, khẳng định xuất xứ dù kê như vậy để không nhầm lẫn với các loại kịch hát khác, của quốc gia khác”, ông Lý Xinh, Phó ban Tôn giáo TP Cần Thơ, nhấn mạnh.

Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp bao gồm cả ca, múa, nhạc, kịch, mỹ thuật... ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20, chỉ sau sân khấu cải lương một thời gian ngắn. Các diễn viên “diễn kịch” qua lời hát kết hợp với những động tác múa uyển chuyển trên nền nhạc cụ cổ truyền với tiết tấu, giai điệu thể hiện đủ tâm trạng yêu thương, giận dữ, đau khổ, biệt ly… Cái hay, độc đáo của dù kê ở cốt chuyện nhân văn, truyền tải đạo đức; ở diễn xuất cũng có ca ra bộ (như cải lương); phục trang, sân khấu rất “bắt mắt”, công phu… Các vở dù kê Nghĩa tình trong giông tố, Giữ Đền cô Hia, Bông hồng Trà Vinh, Mối tình Bôpha - RạngXây… không chỉ “hút hồn” bà con Khmer trong vùng mà còn giành được nhiều giải cao trong các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và công diễn ở một số quốc gia khác.

Một tiết mục dù kê.

Một tiết mục dù kê.

Dù kê ra đời dựa trên trí tuệ, tình yêu cái đẹp, hướng thiện của bà con lao động Khmer nhưng cũng là di sản văn hóa của cả dân tộc bởi tính giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng. Vừa kế thừa nghệ thuật Robam (Khmer) đã được dân gian hóa vừa kết hợp với hát Tiều, hát Quảng của người Hoa, hát bộ, cải lương của người Việt… Theo TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, “Lakhon Bassac đã nhiều lần sang Campuchia biểu diễn và được người dân và Hoàng gia đất nước Chùa Tháp đón nhận nồng nhiệt; trở thành một môn học tại Trường Nghệ thuật Hoàng Gia Campuchia”.

Chính nét đặc sắc của nghệ thuật dù kê mà loại hình này thu hút cả bà con người Việt, người Hoa, người Chăm và được Bộ VH-TT-DL xếp trong 8 loại hình nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, được đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) đại diện của nhân loại, dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận giai đoạn 2012 - 2016.

        Mai một di sản

Ông Thạch Muni, thuộc Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đồng thời là soạn giả của nhiều vở dù kê cho biết “nghệ thuật dù kê phát triển mạnh từ năm 1980 về trước, cứ 2 - 3 ấp có một đội dù kê, nhưng sau yếu dần, hiện chỉ còn vài đội không chuyên, chủ yếu ở Sóc Trăng. Một số tỉnh có đông đồng bào Khmer (Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang) có đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của nhà nước nên được quan tâm, đầu tư còn diễn loại hình này”.

Nhà báo Phạm Phi Thường, Giám đốc Đài VTV Cần Thơ, nhận xét: Trên thực tế, sức hấp dẫn của dù kê ít nhiều giảm sút do sự chi phối của hoàn cảnh kinh tế - xã hội, sự lấn át của các loại hình truyền thông giải trí hiện đại… Trong đó, đáng quan tâm nhất là kịch bản. Trong số gần 90 vở dù kê đã được VTV thu hình (từ 1990 đến nay), chỉ có 2 vở viết về xã hội đương đại, còn lại đều là tuồng cổ. Trong những năm gần đây, một số đoàn nghệ thuật xây dựng không quá 2 vở dù kê/năm, có đơn vị không xây dựng được một vở nào…

Đội ngũ tác giả soạn giả, “linh hồn” của dù kê, cả vùng đếm chưa hết hai bàn tay, hơn 30 năm qua vẫn chỉ những tên tuổi quá quen thuộc như Thạch Chân, Ngô Khị, Sơn Lương, Đào Chuôn, Thạch Mu Ni… Các hoạt động bảo tồn dù kê chủ yếu thông qua các đơn vị nghệ thuật, trung tâm thông tin cấp tỉnh nên hạn hẹp về quy mô, hạn chế về kinh phí. Đội ngũ nắm giữ tinh hoa nghệ thuật này (nhạc công, diễn viên, biên đạo…) thiếu hụt về số lượng lẫn chất lượng, chủ yếu vẫn qua truyền nghề từ các nghệ nhân trong khi số này ngày càng mỏng...

        Làm gì để bảo tồn, phát triển dù kê?

Nhà báo Phạm Phi Thường cho biết, một số kênh truyền hình của nước bạn Campuchia cũng đã xin phép in sang các vở dù kê của VTV để phát sóng cho thấy nhu cầu thưởng thức dù kê rất lớn. Tuy nhiên, để nghệ thuật dù kê phát triển lên tầm cao mới cần đầu tư đúng mức, định hướng rõ ràng từ quản lý nhà nước. Xã hội hóa dù kê rất khó khả thi. Cần chú ý xây dựng kịch bản, thù lao cho tác giả, đạo diễn, âm nhạc, mỹ thuật tương xứng; chú trọng đào tạo lực lượng biểu diễn trẻ; định kỳ mở trại sáng tác…

“Muốn dù kê phát triển còn cần cả lực lượng khán giả; do vậy, phải bắt đầu từ giáo dục, đưa vào chương trình học đường, trước hết là các trường dân tộc nội trú”, TS Mai Mỹ Duyên (Trường Đại học Văn hóa TPHCM) khẳng định. Đại đức Lý Hùng, trụ trì chùa Khôsa Răngsây (Cần Thơ) trăn trở: “Muốn bảo tồn, phát huy loại hình này không thể không quan tâm, chú trọng đến vai trò của chùa cùng các vị chức sắc, sư sãi, bởi chùa chiền là đời sống tâm linh, văn hóa tinh thần Phật giáo Nam tông của người Khmer Nam bộ”…

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam, cho biết, Liên hoan Sân khấu dù kê Khmer Nam bộ lần thứ nhất - Sóc Trăng mới đây có 10 đơn vị nghệ thuật của 6 tỉnh trong vùng tham gia là một nỗ lực trong việc bảo tồn nghệ thuật dù kê Nam bộ. Đây là dịp để các địa phương và các đơn vị nghệ thuật “rà soát” lại lực lượng và cũng là dịp để các nghệ nhân giao lưu trao đổi, các nghệ sĩ trẻ học hỏi kinh nghiệm. “Chúng ta cần sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá loại hình này rộng rãi đồng thời tiến tới tổ chức liên hoan sân khấu dù kê 2 năm/lần”, ông Lê Tiến Thọ nói.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục