Căn cứ địa cách mạng vững chắc giữa lòng dân (*)

Căn cứ địa cách mạng vững chắc giữa lòng dân (*)

LTS: Tối 15-12, tại Khu di tích Gò Tháp (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), Tỉnh ủy Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố và phát hình bộ phim tài liệu lịch sử Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại. Báo SGGP xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của đồng chí PHAN VĂN KHẢI, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, tại buổi lễ.

Với tình cảm “uống nước nhớ nguồn”, với lòng tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng, buổi lễ trọng thể công bố và phát hình bộ phim tài liệu lịch sử Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại do Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức hôm nay, làm cho chúng ta rất vui mừng và xúc động.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã trôi qua 68 năm, hôm nay những nhà làm phim của Đài Truyền hình TPHCM đưa chúng ta đi ngược dòng thời gian để trở về với quá khứ hào hùng trong những năm tháng không thể nào quên trên mảnh đất quê hương “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”. Trước hết, chúng ta xin biểu thị sự tri ân đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp, trước đây đã chiến đấu quên mình để xây dựng Đồng Tháp Mười thành vùng “đất thánh cách mạng”, thành “thủ đô kháng chiến”. Ngày nay, thành tích ấy đang được tiếp nối phát huy trong việc bảo tồn và tôn tạo chiến khu xưa.

Một góc khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nơi Xứ ủy Nam bộ từng đóng căn cứ. Ảnh: H.TRỌNG

Một góc khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nơi Xứ ủy Nam bộ từng đóng căn cứ. Ảnh: H.TRỌNG

Quyển sách hồi ký kháng chiến Xứ ủy Nam bộ với chiến khu Đồng Tháp Mười huyền thoại do Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp ấn hành, đã được đông đảo bạn đọc đón nhận. Giờ đây, bộ phim tài liệu lịch sử Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại đang được công chiếu nhằm phục dựng lại những góc nhìn toàn cảnh bức tranh hoành tráng trong 4 năm đầu kháng chiến chống Pháp giữa chốn bưng biền (1946 - 1949).

Thông qua những thước phim lịch sử sống động, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta sẽ thấy rõ hơn sức mạnh vô địch của cuộc chiến tranh nhân dân, đời đời biết ơn Bác Hồ và Trung ương Đảng đã dành cho mảnh đất “Thành đồng Tổ quốc” muôn vàn tình thân yêu.

Chúng ta đã biết, sau Ngày Toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946, từ núi rừng Việt Bắc đến vùng đất Mũi Cà Mau, cả nước ta có hàng chục khu căn cứ địa cách mạng. Thế nhưng vì sao Đồng Tháp Mười đã được nổi danh là “Chiến khu huyền thoại”. Bởi vì, trong vùng hoang địa mênh mông với 700.000 mẫu đất sình lầy mọc đầy cây hoang cỏ dại, nơi “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lềnh như bánh canh” hoàn toàn không có “rừng sâu, núi hiểm”. Ấy vậy mà bằng sức mạnh của ý chí đấu tranh bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn, quân dân ta đã biến bưng biền Đồng Tháp Mười thành “vùng đất thánh” và “thủ đô kháng chiến” nằm ngay sát nách thành phố Sài Gòn nơi trung tâm sào huyệt của địch.

Chất huyền thoại và sự sáng tạo độc đáo trong việc xây dựng chiến khu bưng biền Đồng Tháp Mười là Xứ ủy Nam bộ đã thiết lập được căn cứ địa cách mạng vững chắc giữa lòng dân. Dấu ấn huyền thoại còn được quân dân ta thể hiện đậm nét trong việc xây dựng chiến khu thành một “xã hội kháng chiến”, trước hết là kháng chiến về mặt quân sự, nhằm dốc toàn lực để tổ chức thực hiện khẩu hiệu chiến đấu do Đại hội đại biểu lần thứ 1 của Xứ đảng bộ Nam bộ đã đề ra: “Mỗi công dân là một chiến sĩ, mỗi làng mạc là một chiến hào”. Do vậy, ngay trong những năm đầu kháng chiến, quân dân ta đã từng đập tan ảo tưởng của tên tướng Pháp Leclerc nhiều lần huênh hoang tuyên bố sẽ bình định Nam bộ trong 3 tháng cuối năm 1945 và trong mùa thu 1947.

Chúng ta đã thấy rõ trong phim, hoạt động của các lực lượng vũ trang nhân dân ở chiến khu Đồng Tháp Mười không phải chỉ được thể hiện trong những trận đánh lớn của quân chủ lực. Tại khắp các địa phương đã liên tục khơi dậy những phong trào hành động cách mạng sôi nổi của quần chúng nhằm tiến hành việc trừ gian diệt tề, phá tan bộ máy chính quyền tay sai của địch ở nông thôn, vận dụng chiến thuật chiến tranh du kích đánh giặc bảo vệ xóm làng, xây dựng xã chiến đấu, đắp cản hàn kênh, cắm chông để ngăn chặn sự hoạt động của các loại máy bay, tàu chiến và chiến xa của địch. Do vậy, Đảng ta đã tạo ra được một mô hình xã hội kháng chiến độc đáo giữa bưng biền; quân đội có một lực lượng vũ trang không ngừng phát triển, bà con nông dân tạo dựng được cuộc sống ngày càng ấm no, các tầng lớp nhân dân được hưởng thụ một nền văn hóa, giáo dục và y tế kháng chiến đầy tính ưu việt. Đó là hình mẫu của một xã hội đã được đồng chí Võ Văn Kiệt lúc sinh thời hết lời ca ngợi.

Ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt gợi mở nhiều điều đáng để cho chúng ta suy ngẫm. Vì sao trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Xứ ủy Nam bộ đã xây dựng được một xã hội in đậm màu sắc “đời sống mới” trong nông thôn vùng giải phóng? Ở đây, không có nạn trộm cắp, cờ bạc, hút xách, rượu chè, đĩ điếm. Không có nạn bạo hành trong gia đình, những hủ tục trong cưới xin, giỗ chạp, ma chay, đình đám, hội hè… cũng như mê tín dị đoan trong việc chữa bệnh đã được xóa bỏ. Thế nhưng tại sao ngày nay, trong điều kiện hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, việc xây dựng “làng văn hóa”, “ấp văn hóa” ở nông thôn cũng như “khu phố văn hóa” trong các thành phố, thị trấn tiến hành trầy trật và chưa đạt hiệu quả cao.

Phim Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại còn ghi thêm trong ký ức chúng ta 2 sự kiện quan trọng. Một là, chính quyền cách mạng đã phát động mạnh mẽ phong trào bình dân học vụ “chống giặc dốt” để xóa nạn mù chữ cho hơn 90% dân số trong nông thôn vùng giải phóng. Hai là, lần đầu tiên trong lịch sử, những hộ nông dân nghèo không mảnh đất cắm dùi, nay được Đảng và chính quyền cách mạng cấp ruộng vườn để trồng trọt, cấy cày ngay trong thời gian kháng chiến. Có một hiện tượng rất đặc biệt là, vì ở Đồng Tháp Mười lúc đó đất rộng người thưa, nên mỗi hộ nông dân được cấp cho một diện tích rộng tới “trăm ngang ngàn dọc (tương đương với 10ha). Đây chính là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy người nông dân ngày càng tích cực đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Sở dĩ chúng ta thiết lập được một chiến khu huyền thoại, một thủ đô kháng chiến nổi tiếng giữa bưng biền Đồng Tháp Mười, là vì Đảng ta có một đội ngũ cán bộ tài ba trong cơ quan lãnh đạo đầu não cuộc kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu là các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Kỉnh. Quân dân ta mãi mãi tri ân các đồng chí ấy. Chúng ta cũng không bao giờ quên công lao lịch sử của Luật sư Phạm Văn Bạch, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ; Trung tướng Nguyễn Bình, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam bộ; Khu bộ trưởng Khu 8 Trần Văn Trà và nhiều cán bộ lãnh đạo ưu tú khác.

Đối với chúng ta, việc công bố và phát hành bộ phim tài liệu lịch sử Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại không phải là sự hoài cổ, mà là thực hiện một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng - đó là “ôn cố để tri tân”, “lấy xưa để giáo dục nay”. Vì vậy tôi mong rằng, Đảng bộ, nhân dân và thế hệ trẻ tỉnh Đồng Tháp cũng như các tỉnh thành trong khu vực hãy khai thác những tinh hoa giá trị về tư tưởng cùng với sức mạnh về nhân tố chính trị và tinh thần trong bộ phim này nhằm biến tinh thần yêu nước nồng nàn và khí phách của chủ nghĩa anh hùng cao đẹp tuyệt vời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hóa thân thành sức mạnh vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong giai đoạn hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước. Đó là mục tiêu tối thượng của việc tổ chức thực hiện bộ phim này.

Trước khi phim chính thức được công chiếu, thay mặt Hội đồng Cố vấn bảo tồn và tôn tạo các chiến khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tôi xin trân trọng cảm ơn Tỉnh ủy Đồng Tháp được sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ chí tình của Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thực hiện thành công tốt đẹp bộ phim. Tôi nhiệt liệt biểu dương Đài Truyền hình TPHCM và đội ngũ nghệ sĩ, cán bộ nghiệp vụ đã nỗ lực hoàn thành bộ phim này đạt được hiệu quả cao cả về mặt nội dung và hình thức.

Trong việc bảo tồn và tôn tạo chiến khu Đồng Tháp Mười, chúng ta đã đi được hai phần ba đoạn đường, đã xuất bản quyển sách hồi ký kháng chiến và tổ chức thực hiện bộ phim tài liệu lịch sử. Còn một nhiệm vụ rất quan trọng đang tiếp tục tiến hành - đó là việc xây dựng ngôi nhà trưng bày để lưu giữ và giới thiệu những hình ảnh tư liệu, hiện vật quý giá của Xứ ủy Nam bộ và của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Đồng Tháp Mười, nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang cho các tầng lớp nhân dân, cho thế hệ trẻ và cho đời sau. Tôi tin rằng phát huy những thành tích đã đạt được, Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp sẽ nỗ lực để hoàn thành sớm công trình này với tình cảm lớn và quyết tâm cao.

(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt

Đồng Tháp Mười - Chiến khu bưng biền huyền thoại

Tối 15-12, tại khu di tích Gò Tháp (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), Tỉnh ủy Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố bộ phim tài liệu lịch sử Đồng Tháp Mười - chiến khu bưng biền huyền thoại. Bộ phim gồm 4 tập, do Đài Truyền hình TPHCM thực hiện với sự hỗ trợ của Thành ủy TPHCM, Tỉnh ủy Đồng Tháp và được sự giúp đỡ của Hội đồng cố vấn bảo tồn và tôn tạo các chiến khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - do đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, làm Chủ tịch Hội đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, nêu bật ý nghĩa của căn cứ Đồng Tháp Mười, từ căn cứ Khu 8 phát triển thành căn cứ Xứ ủy Nam bộ, có vị trí như một “thủ đô kháng chiến giữa bưng biền”; nơi đây đã cưu mang, đùm bọc nhiều lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Bộ phim bắt đầu lên sóng Đài Truyền hình TPHCM từ tối 15-12 trên kênh HTV9 và sẽ được lên sóng Đài Truyền hình Đồng Tháp vào ngày 19-12, nhân kỷ niệm 67 năm thành lập căn cứ kháng chiến của Xứ ủy Nam bộ tại Đồng Tháp.

ĐINH THỦY

Tin cùng chuyên mục