Đọc Ngày mai, nghĩ đến ngày mai…

1.

1. Ngày mai là truyện dài 6 tập viết về tuổi học trò của cây bút trẻ Diên Vỹ. Trước đây, đã có truyện dài nhiều tập về đề tài này của nhà văn Lưu Thị Lương. Nhưng nếu như Lưu Thị Lương tái hiện đời sống học trò từ góc nhìn của một nhà giáo thì Diên Vỹ viết về sinh hoạt học đường từ chính chỗ ngồi của học trò.

Đọc bìa 4 cuốn sách, thấy giới thiệu Diên Vỹ sinh năm 1986, có nghĩa tác phẩm này được xuất bản khi tác giả đã 27 tuổi, một độ tuổi đã khá xa thời cấp ba, nhưng nội dung gần gũi và đậm chất học trò của tác phẩm khiến tôi tin Diên Vỹ đã bắt tay viết tác phẩm này từ lâu, khi những kỷ niệm thời đi học trong tâm trí tác giả còn rất tươi mới.

2. Ngày mai là một tác phẩm lôi cuốn về mặt cốt truyện, được xây dựng xoay quanh một lớp học kéo dài ba năm cấp 3, trong đó nòng cốt là nhóm bạn bốn người. Truyện khá nhiều nhân vật, nhưng tác giả đã khắc họa tính cách từng người khá rõ nét, không ai giống ai và đến cuối truyện cái logic tính cách đó đã dẫn dắt từng người đến những chọn lựa và những gam màu tương lai khác nhau. Làm chủ được tính cách và số phận nhân vật không phải là chuyện đơn giản với một cây bút trẻ, nhưng Diên Vỹ đã làm được - và dường như làm được một cách rất dễ dàng.

Từ đó, có thể tin Ngày mai của Diên Vỹ mang khá nhiều màu sắc tự truyện - như bất cứ một tác phẩm đầu tay nào, lúc mà các nhà văn trẻ nhận ra rằng viết về mình và bạn bè chung quanh mình là một hiện thực gần gũi nhất - một vốn sống đã “chín” ngay từ khi người viết chưa cần đụng đến những thao tác bếp núc văn chương. Nhưng với đoạn kết của Ngày mai,  nơi tác phẩm đi hết con đường của mình, có vẻ tác giả đã phải nhúng tay vào để thu dọn cho gọn những gì mình đã bày ra trước đó - thao tác này cho thấy Diên Vỹ có ý thức kiểm soát bố cục, một phẩm chất cần thiết cho bất cứ người trẻ nào quyết đeo đuổi con đường văn chương dài lâu.

3. Truyện đề cập đến nhiều sinh hoạt học đường, từ giờ trực nhật, các tiết học thể thao, những hội chợ ẩm thực trong khuôn viên nhà trường, nhưng có thể thấy tác phẩm được xây dựng chủ yếu xoay quanh những mối tình học trò. Viết về đề tài học trò, không thể không đề cập đến những khoảnh khắc “rung động đầu đời” như một thực tế đầy thi vị, nhưng khi Diên Vỹ để cho gần như cả lớp đều dính vào chuyện yêu đương thì ở góc độ người “pha chế” văn chương, tác giả đã quá tay, mặc dù không thể phủ nhận những chuyện tình ngây ngô vụng dại đó có những nét khá dễ thương.

Có lẽ khi xây dựng cốt truyện trên những dữ kiện mang màu sắc kỷ niệm, tác giả đã để hiện thực lôi kéo (ở đây lại thêm ước muốn lớn lao: tái hiện câu chuyện của ba cấp lớp), do đó không đủ tỉnh táo (cũng có thể là không đủ lạnh lùng) lược bỏ bớt một số quan hệ tình cảm loằng ngoằng, không cần thiết để tác phẩm chặt chẽ và “dồn nén” hơn. Văn phong, ngôn ngữ và cách diễn đạt của Ngày mai còn mộc, hồn nhiên, nhiều dáng dấp học trò, nhưng tôi tin trong những tác phẩm tiếp theo, bút pháp của Diên Vỹ sẽ trưởng thành hơn nếu cây bút trẻ này xác định được văn chương không chỉ là cuộc chơi mà là một nghề cần trau dồi như mọi nghề khác.

4. Diên Vỹ tên thật là Nguyễn Sơn Trà, con của nhà báo Nguyễn Công Khế - bạn thuở thiếu thời của tôi. Lúc Sơn Trà còn bé, mỗi lần ra sách mới tôi đều gửi tặng cháu. Bây giờ, Sơn Trà viết truyện là một bất ngờ với tôi. Văn học dành cho tuổi mới lớn hiện nay đang khan hiếm người viết. Những nhà xuất bản ưu tư đến đề tài này vẫn thành lập các tủ sách Tuổi mới lớn, nhưng những cây viết cộng tác với các tủ sách này khi trưởng thành lại chuyển qua viết chuyện công ty, xí nghiệp và các đề tài khác. Rõ ràng, các tác giả từng được kỳ vọng đó chỉ viết cho mình, phản ánh từng giai đoạn trong đời mình, chứ không xác định “tuổi mới lớn” là một đối tượng văn chương theo đuổi lâu dài.

Cách viết của Diên Vỹ, theo tôi  rất thích hợp để bổ sung vào đội ngũ những tác giả viết cho tuổi mới lớn. Chỉ không biết Diên Vỹ sau tác phẩm đầu tay có còn hứng thú với cuộc chơi chữ nghĩa nữa không, và nếu còn thì liệu tác giả này có xem thanh thiếu niên là đối tượng để nhắm tới hay lại dành những trang viết cho mối quan tâm hàng đầu của một chàng trai ngấp nghé tuổi ba mươi. Chuyện đó thật khó nói, như điệp khúc Diên Vỹ vẫn lặp lại ở cuối mỗi chương: “Nhưng, ngày mai... rồi sẽ ra sao?”. Thôi thì, trước hết hãy đọc truyện Ngày mai đã...

(*) Ngày mai, truyện dài 6 tập của Diên Vỹ, Nxb Trẻ 2012.

1-2013
NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục