Hương xưa quay về

Hương xưa quay về

Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch Cần Thơ phối hợp với Sở VH-TT-DL và Công ty cổ phần du lịch Cần Thơ vừa tổ chức ngày hội bánh dân gian Nam bộ lần 2 năm 2013 tại nhà hàng Hoa Sứ, từ ngày 2 đến 4-2-2013. Ngày hội nhằm tôn vinh các loại bánh dân gian Nam bộ có từ ngàn xưa, đặc biệt là bánh tét lá cẩm, đặc sản của Cần Thơ.

Nghệ nhân gói bánh tét lá cẩm Huỳnh Thị Trọng (giữa).

Nghệ nhân gói bánh tét lá cẩm Huỳnh Thị Trọng (giữa).

1. Anh Kiệt, đã ngoài 50 tuổi ở Bình Thủy, Cần Thơ nhớ hoài gánh bánh oằn vai người mẹ trên cây cầu sắt Bình Thủy mỗi sớm mai thuở trước. Mẹ anh, nghệ nhân Huỳnh Thị Trọng (Sáu Trọng) nuôi cả bầy con lớn khôn nhờ 60 năm với nghề gói bánh tét. Tết Quý Tỵ này, 3 lò bánh của gia đình đưa ra thị trường hơn 3.000 đòn bánh tét đủ loại nhân. Nhìn “Vua đầu bếp” Martin Yan tần ngần bên nồi bánh tét lá cẩm của bà Sáu Trọng, chợt nhớ câu nói của ông: Mỗi món ăn là một câu chuyện về phận người, đời người.

Rõ vậy, dưới lớp áo sặc sỡ của bánh trái mùa xuân là giá trị nguồn cội, cái cốt lõi đạo lý tình người của dân tộc Việt. Miếng bánh cắt ngang dậy thơm mùi nếp của ngoại, dáng gầy mẹ già lam lũ cặm cụi trên mảnh ruộng khô, day dứt hương chuối vị dừa nghiêng nghiêng bên mái lá hiên nhà. Là dòng sông bến nước thuở ấu thơ, khói rơm đốt đồng cay cay bay tỏa chiều tà, là hương vị quê hương có cây cầu khỉ, có buổi tát đìa, như chùm khế ngọt, như cánh cò bay…

“Món ăn, xét bề ngoài chỉ là cái đích của sự thỏa mãn vật dục. Nhưng đi sâu, ta vô cùng ngạc nhiên thấy nó biểu hiện trình độ văn hóa vật chất thì rất ít nhưng biểu hiện trình độ văn hóa tinh thần của dân tộc thì rất nhiều” (đại văn hào Balzac). Chỉ riêng bánh tét, “bí mật quân lương của Nguyễn Huệ thuở trước” đã là câu chuyện dài về nét phóng khoáng, tận dụng tự nhiên, đam mê sáng tạo của con người phương Nam. Bình Dương, Tây Ninh có bánh tét trộn đậu phộng luộc; Đồng Nai có bánh tét hột điều; Sóc Trăng có bánh tét cốm dẹp; Tiền Giang có bánh tét nếp than; Sài Gòn có bánh tét nhân thập cẩm (đậu xanh, trứng, tôm khô, lạp xưởng, hột sen...); Ba Tri (Bến Tre) có bánh tét bắp non; Cần Thơ có bánh tét lá cẩm ; Phú Quốc bánh tét lá mật cật...

Bánh tét thường được nấu vào ngày cuối cùng trong năm nhưng luôn chễm chệ uy nghi nơi trang trọng nhất trên bàn thờ gia tiên đêm giao thừa, có đôi có cặp chứ không buộc túm thành chùm như bánh dừa, bánh ú. Bây giờ bánh tét cũng uyển chuyển hội nhập thị trường, ít dùng sợi lạt như xưa mà xài dây ni lông để cột, “chơi” mã vạch rồi hút chân không, quanh năm đều có.

2. Nghệ nhân Sáu Trọng cũng không ngờ cái nghề cơ cực sớm hôm của mình nay được tôn vinh đến vậy. Trong bối cảnh làng quê truyền thống đặc trưng Nam bộ được tái hiện sinh động, 120 loại bánh dân gian do các nghệ nhân, nhà hàng Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… trình diễn. Đó là các loại bánh biến tấu từ gạo dùng trong các ngày lễ, tết, hội hè và cũng là món tráng miệng thường ngày trong mỗi gia đình Nam bộ như bánh xèo, bánh ít trần, bánh hỏi, bánh phồng nếp, bánh da lợn, bánh tét lá cẩm, bánh tét Trà Cuôn, bánh quai vạc, bánh lá tre… Nghệ nhân bánh xèo Mười Xiềm, Huỳnh Thị Trọng, Hai Lý, Chín Cẩm (người làm bánh tét thập cẩm đầu tiên và duy nhất của Cần Thơ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa)… đã “kể” lại câu chuyện đời mình qua chính sản phẩm của họ. Ngày hội bánh dân gian tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam, tạo cơ hội để du khách quốc tế khám phá hương vị, màu sắc, nét tinh tế của ẩm thực Việt. Cần Thơ đang định hình lễ hội bánh dân gian trong hoạt động văn hóa mỗi khi xuân về tết đến.

120 loại bánh dân gian, “bộ sưu tập” độc đáo của nền văn minh lúa nước dân tộc Việt; gia sản văn hóa cha ông để lại, đặc biệt tại châu thổ Cửu Long trĩu nặng bao năm gánh gạo quốc gia. “Bao nhánh sông trôi đi xa nguồn cội/ Nhưng phù sa mãi xuôi về phương Nam”. Mừng thay, nó vẫn lưu chuyển âm ỉ, bền bỉ qua nhiều thế hệ, được nhiều gia đình bảo tồn, lưu giữ trong niềm say mê, sáng tạo. Để đến hôm nay không chỉ trở thành đặc sản, giúp ai đó mưu sinh mà còn trở thành thế mạnh đầy tiềm năng trong thị trường rộng mở. Ẩm thực Việt đa dạng đa sắc, đã khiến ông Philips Kosler, cha đẻ của marketing hiện đại say đắm, ngẩn ngơ: “Nên lấy ẩm thực làm đột phá trong chiến dịch truyền bá thương hiệu Việt trên toàn thế giới”.

Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho ăn lúc mình nhỏ tuổi. Theo thời gian những món ăn mộc mạc, đơn sơ đó; những hương vị đậm đà đó vẫn in chặt, quyện vào tâm thức dù ta có rời xa đến đâu. Và thật lạ, càng xa lại càng đau đáu đến rã rời nỗi nhớ quê, làm khổ người đi xa nhiều hơn bạn từng nghĩ. Nó thấm vào máu thịt ta từ lúc nào không hay, khi xa mới cồn cào lan tỏa, mới dằng dặc nỗi nhớ thương; bàng bạc phiêu diêu trong tâm tưởng, khó mà phân chia, cắt lìa được lắm.

Bánh chưng, bánh tét kết nối thời gian, xuyên phá không gian, bất chấp giai tầng xã hội. Đó cũng là câu chuyện về sức mạnh cội nguồn văn hóa Việt. Thời khắc giao hòa, nhang khói bay bay, ngàn xưa hương lại quay về.

Vũ Thống Nhất

Tin cùng chuyên mục