Thương cho tiếng Việt!

Thương cho tiếng Việt!

Thời gian qua, mặc dù nhiều bài báo, nhiều nhà ngôn ngữ học đã lên tiếng về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời buổi hội nhập và phát triển hiện nay, nhưng dường như bây giờ, vẫn còn một số người thích chơi “sốc” khi thể hiện ngôn ngữ “ta không ra ta, Tây không ra Tây”.

Mới đây, phim chiếu tết của hãng Phước Sang đã tung ra những hình ảnh quảng cáo cho phim có kèm theo dòng chữ in màu đỏ to tướng Iêu anh! Em zám hôk? lấn át tên phim được duyệt Yêu anh! Em dám không? là một ví dụ (ảnh). Có người cho rằng, nhà sản xuất muốn sử dụng ngôn ngữ “chát” của tuổi teen hiện nay để cho có vẻ gần gũi với cuộc sống!? Nhưng dường như tôi thấy cách lý giải này chưa thuyết phục.

Rồi cũng có ý kiến cho rằng, làm nghệ thuật bây giờ mà nếu không “sốc” thì khó lòng được nhiều người quan tâm. Nghe cũng có lý. Chẳng hạn như cách làm lập lờ như trên, nếu chỉ thoáng nhìn qua, không để ý kỹ, nhiều người sẽ dễ rơi vào “bẫy”… tựa phim nhảm nhí, đưa ra bàn luận, bình phẩm ồn ào sẽ vô tình góp phần quảng cáo cho phim này! Đúng với “ý đồ” của nhà sản xuất chăng? Nhưng nếu có cách suy nghĩ như vậy thì thiệt là buồn cho nghệ thuật phim ảnh của Việt Nam thời hiện đại. Ấy là chưa nói đến nội dung phim, dàn diễn viên ra sao, chỉ cần cái tựa, cái tên của phim thôi cũng khá quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành bại của một bộ phim mà không thể nào xem nhẹ.

Tôi còn nhớ, hơn 10 năm trước, khi bộ phim Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng chưa chính thức công chiếu có tên ban đầu là Trường hợp của Hạnh nghe khá đơn giản, không mấy ấn tượng, sau được đổi thành Gái nhảy, tạo nên một sức hút không thể ngờ, đánh đúng vào sự tò mò của nhiều người. Nhờ vậy mà Gái nhảy đã làm nên hiện tượng của phim Việt Nam chiếu rạp lúc bấy giờ. Còn với Yêu anh! Em dám không? - Iêu anh! Em zám hôk? tôi thấy chưa hẳn là chuyện đổi tựa mà dường như là cách “chơi chữ”, cách quảng cáo lập lờ, xem ra thiệt thương cho tiếng Việt!

Lê Thanh Nguyên

Tin cùng chuyên mục