Khép lại một thiên lưu lạc cánh bèo

Nghe tin nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời, những người yêu mến nghệ thuật truyền thống dân tộc không ai không nuối tiếc. Bà đi rồi, trên khắp đất nước này có lẽ không bao giờ chúng ta còn được nghe một làn điệu xẩm đúng chất.  
Khép lại một thiên lưu lạc cánh bèo

Nghe tin nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu qua đời, những người yêu mến nghệ thuật truyền thống dân tộc không ai không nuối tiếc. Bà đi rồi, trên khắp đất nước này có lẽ không bao giờ chúng ta còn được nghe một làn điệu xẩm đúng chất.  

Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

Trong các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, không có bộ môn nào nghèo như môn xẩm của bà Cầu. Không phải hành khất mà cách kiếm ăn bị người đời xem có khác nào hành khất. Một manh chiếu, một chiếc nón mê hoặc một chiếc thau con để đựng tiền, một cây nhị, một bộ phách, một cái trống con, chỉ từng đó thứ là đủ cho một cuộc trình diễn kiếm chút sinh nhai.

Đời bà Cầu gắn với “sân khấu” trình diễn trên một vuông chiếu ấy, từ năm 10 tuổi, bà theo cha mẹ đi hát ở khắp Nam Định. Cha chết, hai mẹ con dạt theo gánh hát của ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu ở Yên Mô (Ninh Bình). Bà học nghề từ ông Chánh, rồi đến năm 16 tuổi, bà đồng ý làm vợ lẽ của ông Chánh, lúc bấy giờ đã bước vào tuổi 49. Những bà già ở chợ Yên Phong (Yên Mô) còn nhớ mãi cặp vợ chồng nhà xẩm ấy. Có bà kể lại mà còn rớt nước mắt: “Có đêm 30 tết còn thấy cả hai vợ chồng ông bà Cầu đi hát ở cổng làng tôi, dưới gốc cây hoa gạo. Không đi hát thì lấy đâu tiền mà nuôi con?”.

Cuộc đời bà xẩm Cầu đầy nước mắt, chồng chung, 4 lần con chết, 1 lần dứt ruột cho con đi vì nghèo, mà sao tiếng hát bà vẫn trong vắt không hề bị những phiền lụy của thời gian vấy bụi. Có người hỏi bà, bao nhiêu môn nghệ thuật không theo, lại theo cái món xẩm này làm chi cho nghèo suốt một đời? Trước câu hỏi ấy, bà Cầu cười khơ khơ, bảo: “Kiếp nhân sinh ba vạn chín ngàn ngày, giàu có cũng được đến trăm tuổi là hết, tham làm chi hả cháu?”. Bà vui vẻ và trân trọng nhặt từng đồng tiền lẻ người đi chợ thả vào cái nón mê sau một cuộc trình diễn. Giữa bốn góc chiếu, bà có thế giới riêng của bà, bà được hát, được đàn theo phong cách ngẫu hứng của các nghệ sĩ dân gian, chẳng phải sợ hãi lụy phiền ai.

Đạo diễn Lương Đình Dũng - tác giả phim tài liệu Xẩm đỏ - bộ phim duy nhất làm về cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu cho đến thời điểm này nhớ lại: “Tôi nhớ mãi quãng thời gian làm phim về cụ Cầu, thoạt đầu, tôi định chọn một bối cảnh khác, nhưng quyết định, làm phim về xẩm chợ mà không có chợ quê, cây gạo, sân đình thì không phải là xẩm cụ Cầu, thế nên chúng tôi về Yên Mô, cùng ăn cùng ở với bà”.

Trong phim Xẩm đỏ, bà Cầu cô đơn lắm! Tôi cứ nhớ mãi những thước phim ghi hình bà quanh quẩn vào ra trong ngôi nhà lụp xụp, bà bó gối nhìn ra đường, qua cửa sổ khi vợ chồng người con gái nghèo đi làm nông. Buổi tối, chị Mận thấy bà lên dây cây nhị, cứ muốn giúp nhưng bà không cho, bà gắt yêu: “Tránh xa ra cho tao làm”. Rồi bà ngồi hát điệu xẩm Thập Ân, Hà Liễu... bằng cái giọng trong ngần và ai oán. Lần nào hát bà cũng rơm rớm nước mắt vì thương phận mình nghèo, 4 đứa con chết bệnh, 1 đứa phải dứt ruột cho đi, rồi bà bảo làm thân phụ nữ như con bướm, lúc đậu lúc bay, phải thương lấy nhau cùng.

Giáo sư Trần Văn Khê, trong một lần gặp gỡ vào năm 1987, đã vô cùng thán phục tài nghệ của bà Hà Thị Cầu. Trong hồi ký của mình, ông viết: “Cuộc gặp gỡ với cụ tuy ngắn ngủi (2 giờ) đã cho tôi thấy một nghệ thuật có chiều sâu, bài bản rất phong phú, nội dung không chỉ là tình hiếu thảo, tình mẫu tử, tình phu thê, kể cả tình đôi lứa, mà còn rất nhiều bài hát mới”.

Trong Xẩm đỏ có cảnh bà Cầu ra chợ Yên Phong ngồi hát, giữa một khu chợ nghèo ngày đông rét mướt, gió thổi phông bạt phất phơ bay, người đi chợ khẽ khàng đặt vào cái nón mê của bà tờ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng đã được vuốt phẳng phiu. Còn bà ngồi trên chiếc chiếu, kéo nhị, rồi hát rất ai oán kể chuyện về một ngày mây xám, giặc Pháp đến giết trẻ con, hãm hiếp đàn bà. Lúc ấy, chân dung bà hiện lên đầy đủ nhất, giữa phiên chợ nghèo và một làn điệu bi ai.

Giờ thì bà Cầu đã rũ bỏ hết mọi buồn khổ ở trần gian, rũ bỏ hết những lời hứa hẹn nuôi bà đến cuối đời của những người đến nhận bà làm mẹ để học nghề và phần lớn họ đã quên. Bà cũng rũ bỏ hết sự thờ ơ không đáng có của các ban ngành văn hóa với một nghệ nhân hiếm hoi còn lại của xẩm. Điều khiến bà bận lòng nhiều nhất là tổ tiên đã gọi bà đi khi chưa thật sự có truyền nhân.

Bà Cầu nói đời bà được gửi gắm trong điệu Hà Liễu: “Mặt nước cánh bèo, bấy lâu nay mặt nước lại cánh bèo. Đã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân. Ông trời cao có thấu tình chăng. Trời mấy cao có thấu tình chăng. Đời người mấy lúc gian truân mà già...”. Bà đã làm một cánh bèo, lưu lạc đến trần gian này, đã nhận một kiếp lênh đênh với xẩm. Giờ đây, thiên lưu lạc của cánh bèo đã khép lại nhưng còn mãi trên thế gian một tình yêu với xẩm. Xin thắp một nén nhang để bà ra đi thanh thản.

Mai An

Tin cùng chuyên mục