Chuẩn hóa danh xưng

Việc ứng cử viên vẫn được coi là sáng giá nhất của vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam là Lý Nhã Kỳ rút lui khiến cơ quan quản lý rơi vào thế vô cùng lúng túng vì 2 ứng cử viên còn lại so về kinh nghiệm hoạt động xã hội, khả năng thu hút công chúng và tiềm lực kinh tế thì kém hơn.

Lúc đó, những tưởng cuộc đua đi vào ngõ cụt và đại diện cơ quan tuyển chọn đại sứ du lịch đã lên tiếng thuyết phục và thậm chí việc có cho ứng cử viên Lý Nhã Kỳ rút lui hay không đã được đẩy lên đến cấp cao hơn để quyết định. Khi việc xin rút của Lý Nhã Kỳ được báo chí đưa tin thì lần lượt các người đẹp và nhiều tiềm năng như diễn viên Lan Phương, Á hậu Châu Mộng Như, Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân và gần đây nhất là người đẹp Jennifer Phạm… đã bày tỏ mong muốn ứng cử khiến cuộc đua trở nên gay cấn hơn hẳn trước đó.

Cũng chính sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới khiến Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL đã đề xuất kéo dài đến hết tháng 10-2013 để có thời gian chỉnh sửa, hoàn thiện quy chế, tiêu chí lựa chọn đại sứ du lịch theo yêu cầu của lãnh đạo bộ. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đề xuất việc bên cạnh vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam còn có thêm các đại sứ đại diện tại các khu vực trọng điểm của du lịch Việt Nam. Cụ thể như có thể sẽ có Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Vậy là thay vì tìm kiếm, lựa chọn một gương mặt Đại sứ Du lịch Việt Nam phù hợp, vốn đã rất khó khăn, thì nay đơn vị tổ chức lại trình ra một kế hoạch tìm chọn hàng loạt các vị trí đại sứ du lịch khác. Nhiều người cho rằng phải chăng là họ đang mua dây buộc mình? Điều này cũng không phải là không có lý bởi khi chưa có một cơ chế quản lý phù hợp thì việc cùng lúc bổ nhiệm nhiều đại sứ du lịch không chỉ gây lãng phí ngân sách quảng bá của ngành du lịch mà còn có khả năng gây ra các hệ lụy khác. Đơn giản như trước đây, khi mới chỉ có một vị đại sứ du lịch mà đơn vị quản lý đã “bất ngờ” - do không được thông báo - vì nhiều hoạt động đại sứ du lịch tự mình đứng ra tổ chức thì nay với dăm ba đại sứ du lịch cùng lúc thì hoạt động bằng ngân sách nào, quản lý ra sao?

Trong một cuộc họp về bầu chọn đại sứ du lịch gần đây, đại diện của đơn vị quản lý chức danh này đã rất vô tư khi phát biểu rằng không quan tâm tới đời tư cũng như những việc mang tính cá nhân như khoe của mà chỉ quan tâm đến những việc làm với vai trò là đại sứ du lịch.

Nói về vị trí này, một số ý kiến đã rất đúng khi cho rằng đại sứ du lịch là người đại diện cho hình ảnh dân tộc và đất nước, họ không chỉ là những người có vẻ đẹp hình thức hấp dẫn, thể hiện nét duyên dáng, trẻ trung và hiện đại của phụ nữ Việt Nam, mà trên hết, còn phải là những người có tri thức, mang trong mình những phẩm chất đạo đức, vẻ đẹp tâm hồn và cốt cách văn hóa Việt Nam. Cần hiểu rõ rằng, khi đã là đại sứ du lịch, các cá nhân được lựa chọn đã là “người của công chúng”, là hình ảnh văn hóa của đất nước. Hình ảnh của họ có nhiều tác động, ảnh hưởng xã hội nhất định, đòi hỏi đó phải là những hình ảnh đẹp trong mắt mỗi người.

Vì thế, khi đã bầu ra một chức danh đại diện cho đất nước, thì cũng cần phải đưa ra kế hoạch hành động cụ thể, quy định quyền hạn, nghĩa vụ của đại sứ du lịch chứ không thể để họ làm việc một cách tùy tiện.

Hy vọng rằng từ nay đến tháng 10-2013, thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ ứng cử vị trí đại sứ du lịch, Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL sẽ tập trung chỉnh sửa, hoàn thiện quy chế, tiêu chí lựa chọn để có thể tìm được người xứng đáng vị trí này chứ đừng làm cho có.

Mai An

Tin cùng chuyên mục